KTĐT - Do đất đai bạc màu và khí hậu biến đổi thất thường, mặc dù diện tích đất đai Trung Quốc rộng lớn, nhưng đất có thể canh tác lại có hạn, cho nên, trong tương lai không xa, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia theo mô hình nhập khẩu lương thực.
Tạp chí “Tiêu điểm” của Đức mới đây có đăng một bài báo với tiêu đề “Sức mạnh của nguyên liệu thô”, bài viết này đã phân tích những ảnh hưởng của việc thiếu nguồn nguyên liệu thô đối với sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc. Theo bài báo, các nước phương Tây có thái độ khá thận trọng trước một con rồng châu Á đang trỗi dậy, nhưng lại cho rằng, Trung Quốc cũng có điểm yếu trong sự phát triển kinh của mình: Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nghiêm trọng vào việc nhập khẩu dầu mỏ, than đá và quặng sắt, phương Tây có thể tận dụng việc này để kìm chế Trung Quốc.
Mấy năm trở lại đây, tổng giá trị quốc nội GDP của Trung Quốc vẫn giữ mức tăng trưởng hai con số, cho dù trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng tỷ lệ tăng trưởng vẫn đạt hơn 8%. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu nguyên liệu thô cũng tăng theo. Đứng trước cơn khát tài nguyên khổng lồ như vậy, nếu chỉ dựa vào sự cung ứng nội địa, khó mà đáp ứng được cơn khát này. Một mặt, mặc dù tổng số tài nguyên Trung Quốc khá phong phú, nhưng lượng phân chia tài nguyên bình quân đầu người lại khá thấp. Trữ lượng bình quân của dầu mỏ, than đá, khí đốt theo đầu người chưa đầy 1/4 mức bình quân của thế giới. Mặt khác, công suất sử dụng tài nguyên của Trung Quốc cũng khá thấp, điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt tài nguyên của Trung Quốc càng nghiêm trọng hơn.
Về hàng hóa nông sản cũng vậy. Do đất đai bạc màu và khí hậu biến đổi thất thường, mặc dù diện tích đất đai Trung Quốc rộng lớn, nhưng đất có thể canh tác lại có hạn, cho nên, trong tương lai không xa, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia theo mô hình nhập khẩu lương thực. Thức ăn gia súc cũng có thể phải phụ thuộc vào nhập khẩu, bởi vì tiêu dùng của mọi người đối với thịt sẽ tăng lên.
Do đó, trên thị trường quốc tế Trung Quốc đã không tiếc phải trả giá đắt, hòng có được nguồn tài nguyên cần có. Trung Quốc thu mua nguồn nguyên liệu thô công nghiệp và nông nghiệp bằng các hợp đồng dài hạn, nhằm dự trữ cho sau này. Các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc còn tìm cách hợp tác với các doanh nghiệp khoáng sản và năng lượng ở các nơi trên thế giới.
Tóm lại, do bước khởi đầu muộn, cộng thêm phải chịu sự cạnh tranh và sắp đặt của các doanh nghiệp từ các nước phát triển, tổng lượng tài nguyên nước ngoài mà Trung Quốc giành được vẫn còn khá ít, nên quy mô các dự án hiện tại cũng không thể lớn hơn. Vì thế thiếu hụt nguyên liệu được coi là điểm yếu của nền kinh tế Trung Quốc.