Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu những bước đi đột phá cơ giới hóa trong nông nghiệp

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Hà Nội đã cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa (DĐĐT), hình thành những ô, thửa lớn, song việc áp dụng cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất vẫn còn hạn chế và thiếu những bước đi đột phá.

Tỷ lệ áp dụng thấp

Sau DĐĐT, UBND xã Song Phượng, huyện Đan Phượng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Một số hộ nông dân mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng CGH. Theo thống kê, toàn xã hiện có 2 máy làm đất, 3 máy gặt đập liên hợp và 125 máy bơm thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hành – Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phượng chia sẻ, việc áp dụng công nghệ cao và đưa CGH vào sản xuất còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Nguyên nhân là do nông dân thiếu vốn, kiến thức cũng như kỹ thuật sử dụng máy nông nghiệp.
Ứng dụng máy cấy tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện
Ứng dụng máy cấy tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện
Huyện Quốc Oai có hơn 6.200ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 5.000ha cấy lúa. Theo thống kê, về khâu làm đất, toàn huyện có 410 máy làm đất nhỏ và vừa nên cơ bản đã đảm nhiệm được khâu này, người dân không còn phải sử dụng trâu, bò làm sức kéo. Tuy nhiên, đối với khâu cấy và thu hoạch, việc ứng dụng CGH đạt tỷ lệ rất thấp. Trên địa bàn huyện hiện mới có 4 chiếc máy cấy, và 9 chiếc máy gặt đập liên hợp. “Vào mùa thu hoạch, một số hộ dân đã đưa máy gặt từ nơi khác về phục vụ Nhân dân nhưng diện tích lúa được thu hoạch bằng máy chỉ đạt 25%” – Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm chia sẻ.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, TP đã đầu tư 9 khâu CGH trong 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài tỷ lệ CGH trong khâu làm đất đạt cao (trên 90%), các khâu khác như thu hoạch, cấy và phun thuốc bảo vệ thực vật đều đạt khá khiêm tốn, đặc biệt là khâu cấy máy, chẳng hạn như huyện Phúc Thọ hiện mới đạt 10%.

Cần chính sách đủ mạnh

Theo Sở NN&PTNT, đầu tư CGH đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng từ 10 – 15%, giảm chi phí sản xuất 0,7 – 2,8 triệu đồng/ha/vụ và giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2 – 3%. Đồng thời đảm bảo tính thời vụ, góp phần giải phóng lao động nông thôn và tăng thu nhập cho người dân. Ông Lê Văn Minh – Giám đốc Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội cho biết thêm, theo tính toán qua nhiều vụ, việc ứng dụng CGH đồng bộ trong sản xuất từ làm đất, gieo mạ khay, cấy máy, thu hoạch có chi phí chỉ 2.850 đồng/kg thóc. Trong khi đó, làm theo phương pháp truyền thống lên tới khoảng 4.500 – 5.000 đồng/kg thóc. Như vậy, áp dụng CGH đồng bộ cho thu lợi chênh lệch gần 2 triệu đồng/tấn thóc.

Hiệu quả của áp dụng CGH vào sản xuất đã thấy rõ trong thực tế và trong những năm qua, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích hỗ trợ ứng dụng CGH, song việc tiếp cận còn nhiều hạn chế. Đơn cử, theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP, ngân sách TP hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất ngân hàng trong thời hạn tối đa là 3 năm. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh rằng, thủ tục được nhận hỗ trợ còn rườm rà và một số điểm chưa sát thực tiễn. Chính vì vậy, kết quả thực hiện chính sách vẫn còn khá khiêm tốn.

Đến nay, toàn TP đã thực hiện DĐĐT được hơn 78.500ha, đạt 103% kế hoạch và tăng 1.670ha so với năm 2015. Đây là điều kiện thuận lợi để quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp cũng như ứng dụng CGH. Để mở đường cho áp dụng CGH vào sản xuất, cần thiết phải có chính sách đủ mạnh và thông thoáng. Bởi vậy, ngoài chính sách chung của UBND TP,  một số địa phương đã và đang triển khai chính sách riêng, như huyện Phúc Thọ hỗ trợ 50% chi phí mua máy móc, riêng máy gặt hỗ trợ 10% và không quá 75 triệu đồng. Hay huyện Quốc Oai cũng mới ban hành kế hoạch dành nguồn ngân sách hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ mua 30 máy gặt đập liên hợp cho vụ Mùa 2016...