Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu niềm tin, khó cho vay tín chấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trên thế giới, nhiều ngân hàng thậm chí thích cho vay tín chấp hơn thế chấp.

Thiếu niềm tin, khó cho vay tín chấp - Ảnh 1
Nhưng ở Việt Nam, báo cáo tài chính doanh nghiệp (DN) thiếu minh bạch, rõ ràng là nguyên nhân khiến ngân hàng chần chừ xuống tiền với những món vay theo hình thức này.

Nhiều DN phàn nàn, có bao nhiêu sổ đỏ, họ đã thế chấp ngân hàng để vay vốn hết rồi. Không có tài sản thế chấp, "cửa" tiếp cận vốn ngân hàng để duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN hết sức khó khăn. Ông nói gì về điều này?

- Hiện, các ngân hàng trong nước rất dè dặt cho vay tín chấp, vì cho rằng nó thực sự rủi ro. Cho vay tín chấp giống như cho "anh đầu trọc" vay, nếu xảy ra chuyện, không có "tóc" để mà nắm. Nhưng, theo cá nhân tôi, cho vay tín chấp ít rủi ro hơn cho vay thế chấp. Điều này nghe có vẻ ngược đời, nhưng nó hoàn toàn logic và đã được thực tế trên thế giới chứng minh. Ngân hàng nhiều nước trên thế giới thậm chí còn thích cho vay tín chấp hơn thế chấp. Nhưng ở Việt Nam, do chưa quen với hình thức cho vay tín chấp, hơn nữa do báo cáo tài chính của nhiều DN thiếu minh bạch, lem nhem nên nhiều ngân hàng sợ không dám mạnh tay triển khai hình thức cho vay này.
Hoạt động nghiệp vụ tại VietcomBank.         Ảnh: Thanh Hải
Hoạt động nghiệp vụ tại VietcomBank. Ảnh: Thanh Hải
Để ngân hàng "xuống tiền" cho vay tín chấp, DN phải tốt. Cụ thể, DN có vốn lưu động, vốn tự có phải dồi dào, quản trị tài chính, kiểm toán tốt, thị phần ổn định, lịch sử hoạt động kinh doanh tốt… Với những DN như thế này, ngân hàng không cần tài sản thế chấp, mà việc vay tín chấp cũng tương đối dễ dàng. Trong khi đó, thế chấp thực chất là nguồn tài chính hoàn trả thứ hai, tài sản dự phòng, sau khi nguồn một là vốn vay không ổn định. DN đã buộc phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn, tức là những DN vốn đã không chứng minh được các ưu điểm cũng như cơ hội phát triển của mình. Những DN này thường thì khả năng trả nợ được đặt ra kiểu 50 - 50, và khi phải dùng tài sản thế chấp để trả nợ, tức là họ đã làm ăn không tốt. Sở dĩ nhiều ngân hàng trong nước thích cho vay loại này hơn, là vì họ muốn chắc ăn.

Thực tế, nhiều món vay dù có tài sản thế chấp vẫn khiến ngân hàng "méo mặt" vì sự sụt giảm giá trị của tài sản thế chấp, cụ thể là bất động sản, thưa ông?

- Đúng vậy, và điều này cũng thêm một lần nữa chứng minh cho quy tắc: Cho vay tín chấp không rủi ro bằng cho vay thế chấp.

Ông cho rằng, cho vay tín chấp không rủi ro bằng thế chấp. Nhưng trong tình hình quản trị tài chính của nhiều DN vẫn hạn chế hiện nay, việc bảo ngân hàng đặt hết niềm tin vào DN liệu có khả thi?

- Thực tế, hiện nay, nhiều ngân hàng không tin vào báo cáo tài chính của DN vì cơ bản là các báo cáo tài chính này cũng không minh bạch, nên họ sợ. Thế nên mới có chuyện có DN dù có tài sản thế chấp, nhưng vẫn chưa đủ, mà còn phải có thêm cả bảo lãnh mới được ngân hàng giải ngân. Câu chuyện này đặt ra niềm tin giữa ngân hàng và các DN. Đồng tiền đi liền khúc ruột, khi đã không tin nhau thì chẳng ai dại gì "cấu ruột" của mình cho người khác vay để ôm nợ xấu. Bởi vậy, cơ sở quan trọng nhất đó là báo cáo tài chính phải minh bạch. Cụ thể, phải có kiểm toán độc lập, báo cáo tài chính suốt trong 3 năm liền để có thể nhìn nhận được biến động về tài sản, dòng tiền thu - chi, từ đó xác định được "sức khỏe" tài chính của DN. Điều này cần sự cố gắng từ 2 phía: Ngân hàng Nhà nước phải khuyến khích cho vay tín chấp nhiều hơn, các ngân hàng thương mại cần phải thay đổi suy nghĩ của mình. Trong khi đó, phía các DN phải minh bạch báo cáo tài chính, có kiểm toán độc lập.

Xin cảm ơn ông!