Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu “ông lớn”, công nghiệp ô tô khó phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không có DN tầm cỡ trong và ngoài nước dẫn dắt, chưa xác định được thế mạnh để tạo ra các sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị như công nghiệp hỗ trợ (CNHT), gia công...

 Đồng thời, DN gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, nguồn vốn, hay chính sách có nhưng chưa đi vào thực tế là những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam khó phát triển trong bối cảnh hội nhập.

Tiềm năng nhưng…

Tại Diễn đàn “Việt Nam - Indonesia: Hợp tác kinh doanh về ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô, xe máy” do Đại sứ quán Indonesia phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, các đại biểu nêu rõ: Việt Nam là một trong những quốc gia được các nhà sản xuất xe ô tô quốc tế chọn làm “điểm đến”. Có như vậy là do Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người, thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao hơn, do đó mong muốn sở hữu phương tiện giao thông an toàn hơn thì ô tô chính là một sản phẩm mà người tiêu dùng (NTD) hướng tới.

Dây chuyền sản xuất xe tải, bán tải tại Công ty ISUZU Việt Nam.          Ảnh:  An Hiếu

Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Là một thành viên ASEAN, Việt Nam đang hướng tới một cộng đồng kinh tế ASEAN có chung “không gian” sản xuất chung giữa các nước trong khu vực, đồng thời còn mở rộng hợp tác ra cộng đồng APEC và toàn cầu. Tuy nhiên, việc hợp tác trong nội khối ASEAN, Việt Nam cần phải xác định rõ phương hướng, lĩnh vực, không chỉ tăng sức cạnh tranh của mỗi nước mà còn nâng cao vị thế toàn khu vực. Câu trả lời chính là ngành công nghiệp ô tô.

Đánh giá về lĩnh vực này, ông Ibnu Hadi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam cho rằng, ngành sản xuất ô tô Việt Nam rất có tiềm năng và lợi thế bởi trong cuộc cạnh tranh sản xuất ô tô ở khu vực ASEAN, Việt Nam là một “vận động viên” mới nhưng đã có nền tảng vững chắc, đặc biệt là nguồn nhân lực. Tuy nhiên, ông Ibnu Hadi cũng khuyến cáo, để có thể khai thác tiềm năng và lợi thế, các DN Việt Nam cần tập trung vào những ngành thế mạnh để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực ô tô. Chẳng hạn, đầu tư vào một số ngành CNHT, hoàn chỉnh sản phẩm, cung cấp các chi tiết, linh kiện ô tô cho các hãng… Từ đó, nâng cao vị thế, từng bước nghiên cứu, liên kết giữa các DN trong nước cũng như với các đối tác nước ngoài mới mong có thể hoàn chỉnh tạo ra sản phẩm ô tô "made in Vietnam".

…chưa làm chủ cuộc chơi

Thực tế cho thấy, ngành CNHT đã được Chính phủ hết sức quan tâm thúc đẩy phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành riêng một Nghị định từ ngày 3/11/2015 để thúc đẩy hỗ trợ các DN phát triển, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. UBND TP Hà Nội cũng đã quan tâm thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển. Song, theo ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội: Muốn phát triển ngành công nghiệp này đòi hỏi DN Việt phải từng bước nắm bắt bằng những việc làm cụ thể phát huy thế mạnh DN vốn có, chứ không nên tham vọng quá lớn. “Chúng ta bắt đầu với sự khó khăn về trình độ, tiềm lực… thì hãy chọn phân khúc là thế mạnh, tạo ra sản phẩm cạnh tranh có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, chứ tham vọng quá thì khó trụ vững trên thị trường” – ông Vân nêu rõ. Đồng thời cho rằng, để hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhưng sự hỗ trợ này chưa thực sự đến được với DN.

Đứng dưới góc độ DN, đại diện Công ty Mạnh Quang chuyên sản xuất phụ tùng ô tô xe máy cho rằng, Indonesia và Việt Nam đều là thị trường đông dân, nhưng tại Indonesia, những DN nhà nước tầm cỡ, dẫn dắt DN nhỏ, từ đó tạo ra chuỗi sản xuất. Còn Việt Nam hoàn toàn chưa có điều đó, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam rất thấp.

Với lộ trình tham gia từng công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất, DN Việt hoàn toàn có thể tạo ra hướng đi khác và không chịu nhiều sức ép từ Trung Quốc. 10 năm trước, Trung Quốc gia nhập thị trường Indonesia nhưng thất bại vì chất lượng không cao khi người tiêu dùng trung thành nhãn hiệu, các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất được ưa chuộng, kể cả tại các nước đặt chi nhánh công ty như ở Indonesia.

Ông Ibnu Hadi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam