Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu sự thấu hiểu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kết quả nghiên cứu gần đây của các chuyên gia tâm lý cho thấy, hơn 35% số trẻ được điều tra (từ 8 - 14 tuổi) có biểu hiện và hành vi lo lắng, bi quan trước cuộc sống. Đây là một cảnh báo, bởi sống với tâm trạng buồn chán kéo dài sẽ làm méo mó nhân cách hình thành sau này.

Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là hầu hết các bậc phụ huynh cho rằng, đây là chuyện không có gì đáng lo nghĩ.

Từ kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, sự hình thành và phát triển tâm lý của trẻ diễn ra rất phức tạp. Hàng ngày, trẻ tiếp nhận rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhưng lại thiếu hiểu biết và kinh nghiệm để giải quyết. Vì thế, rất băn khoăn, lo lắng là điều dễ hiểu. Nhiều trẻ chia sẻ, khi chứng kiến những cách xử lý tiêu cực trong xã hội như hiện tượng bất công, bạn bè đánh nhau, cô giáo thiên vị… cảm thấy không tin tưởng vào bản thân, vào tương lai tốt đẹp, nên nảy sinh tâm lý bi quan, chán nản. Trong khi đó, trẻ lại không tìm được sự thấu hiểu ở cha mẹ. Có em tâm sự: Khi em đem chuyện cô giáo chỉ ưu ái một số bạn vì bố mẹ bạn quen biết cô…, mẹ em lại quát nên là em không chú ý đến học hành, chỉ để ý đến những chuyện linh tinh.

Thiếu sự thấu hiểu - Ảnh 1

Thực tế trẻ hay bi quan và chán nản còn bởi lý do thường mắc sai sót, lỗi lầm, chưa tự tin vào năng lực của bản thân. Cha mẹ phải động viên, khuyến khích con cái kịp thời. Tùy theo lứa tuổi của con, cha mẹ hãy để con tự xác định nhiệm vụ, lựa chọn phương pháp phù hợp. Cha mẹ hãy cho con quyền tự quyết định những việc mà trẻ kiểm soát được và dạy trẻ biết cách chịu trách nhiệm về hành động của mình. Hãy mạnh dạn để con nếm trải thất bại, đối diện với những sai sót. Nhưng hãy ân cần chỉ rõ đó là "học phí" cho những bài học kinh nghiệm đáng quý. Khích lệ con tìm cách khắc phục khó khăn.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, nếu người lớn không thực sự có sự quan tâm, không có cách giáo dục phù hợp để giúp các em có lối sống đúng thì việc đi sai đường là điều hiển nhiên. Người lớn chúng ta thường an ủi nhau rằng: "Phải đối mặt với thực tế và vượt qua khó khăn bằng khả năng của chính mình!", điều đó cũng là việc cần thiết trong hành trình lớn lên của trẻ.