Lúng túng Từ tháng 6/2015, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 2582/QĐ-UBND phân công, phân cấp quản lý ATTP. Văn bản này trở thành căn cứ để các địa phương triển khai quản lý ATTP trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, qua kiểm tra cho thấy, việc xếp loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản theo mức A, B, C ở các địa phương còn quá chậm. Nguyên nhân do thiếu kiểm tra, đôn đốc và cơ sở thiếu cán bộ chuyên trách về ATTP. “Nơi thì giao cho cán bộ thú y, nơi lại giao văn phòng tổng hợp nên quản lý thiếu sự thống nhất” – ông Sơn cho hay.
Tại quận Thanh Xuân, hiện nay, đã xây dựng được 20 điểm bán thực phẩm an toàn. Hàng tháng, ngoài việc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội tiến hành lấy mẫu, kiểm tra chất lượng, quận Thanh Xuân cũng triển khai test nhanh mẫu, giám sát sản phẩm trước khi đưa ra bán ngoài thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các phường không có cán bộ làm đầu mối, tổng hợp về vấn đề ATTP mà chủ yếu là kiêm nhiệm. Bà Phạm Thị Lan Phương – Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Xuân cho hay, phần lớn các địa phương phụ thuộc vào cán bộ thú y, nhưng đội ngũ này chỉ có chuyên môn về sản phẩm thịt, trong khi thực phẩm còn cả rau, củ, quả. Đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cũng cho thấy việc quản lý ATTP ở cấp cơ sở hiện nay còn nhiều hạn chế. Một số lãnh đạo, nhất là cấp xã, phường chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo ATTP, thậm chí chưa nắm chắc các quy định liên quan tới quản lý chất lượng nông lâm thủy sản. Đáng nói là phần lớn nhân viên thú y, bảo vệ thực vật cấp xã, phường mới được ký hợp đồng ngắn hạn, chưa được xét tuyển viên chức nên chưa yên tâm công tác, dẫn tới kết quả quản lý ATTP còn thấp, nhiều nội dung chưa được triển khai theo quy định. Nâng trách nhiệm Có thể nói Quyết định 2582/QĐ-UBND của UBND TP là văn bản rất quan trọng phân cấp trách nhiệm rõ ràng, cụ thể về quản lý ATTP cho từng cấp từ TP đến xã, phường, thị trấn. Hơn nữa, Hà Nội lại là địa phương có đội ngũ cán bộ thú y, bảo vệ thực vật “phủ sóng” đến hết các xã với số lượng lên tới hàng ngàn người. Do đó, việc quản lý ATTP còn nhiều bất cập là do chính trách nhiệm của địa phương chưa cao. Chính vì vậy, ông Trần Mạnh Giang – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đề nghị, TP chỉ đạo kiện toàn bộ máy chuyên trách quản lý ATTP tại cấp quận, huyện, xã, phường. Trong đó, UBND các quận, huyện, xã, phường phải bố trí đủ nhân lực, kinh phí cho công tác này theo đúng quy định. Bên cạnh đó, hiện nay, việc thanh tra, xử lý các vi phạm về ATTP ở cấp cơ sở còn yếu kém, hầu hết các xã, phường mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, đôn đốc nên tính răn đe không cao. Khi có lực lượng kiểm tra của xã, phường, cơ sở vi phạm tạm thời “dẹp” vào, sau đó đâu lại đóng đấy. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý ATTP phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở và huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời tiếp tục triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP cấp xã, phường.
Kiểm tra thú y tại chợ đầu mối Đền Lừ, quận Hoàng Mai. Ảnh: Quang Thiện |
Đồng tình với quan điểm này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, công tác đảm bảo ATTP phải có sự vào cuộc như chương trình xây dựng nông thôn mới thì mới hy vọng chuyển biến tích cực. Tới đây, Sở NN&PTNT sẽ triển khai thanh tra công vụ nhằm đánh giá lại vai trò của đội ngũ Trưởng ban Chăn nuôi – Thú y, cán bộ thú y, bảo vệ thực vật cấp xã, phường, thị trấn trong việc quản lý ATTP. Theo ông Đăng, ngoài nhiệm vụ tham mưu cho cấp xã, thị trấn điều hành, đội ngũ này còn phải hướng dẫn người dân quy trình chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo ATTP. Thiên Tú |