Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu tư liệu phục dựng một số lễ hội truyền thống tại Hà Nội

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống tại Hà Nội đang bị ảnh hưởng và có những biến đổi đáng kể. Vì vậy, việc phục hồi, phát huy lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng, góp phần bảo tồn, phát huy văn hoá.

Dịp cuối tuần, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức Toạ đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội hiện nay”.

Phục dựng lễ hội 70 năm bị gián đoạn

Lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội có lịch sử lâu đời, đa dạng về sắc thái và độc đáo về giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa khá riêng biệt của Hà Nội, gắn với lịch sử của kinh thành Thăng Long.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu.

Tại buổi toạ đàm, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ: Nhiều Lễ hội mang tính tổng hợp, biểu đạt những sáng tạo văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ, in dấu trong các nghi lễ, nghi thức tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn chương nghệ thuật, lễ phục, ẩm thực cúng tế, các trò chơi, trò diễn dân gian.

Có nhiều hội đền, hội đình, hội chùa không chỉ trong phạm vi địa phương mà thuộc nhiều phường, quận. Có lễ hội vẫn giữ nguyên được truyền thống giao hảo, kết chạ có từ hàng trăm năm nay như: Hội đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm), Hội năm làng Mọc (quận Thanh Xuân), Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm). Đồng thời, có những lễ hội đã và đang được phục dựng nhằm phát huy các nghi lễ, nghi thức truyền thống, xây dựng không gian lễ hội.

Màn trống hội tại lễ hội chùa Láng. Ảnh: Lại Tấn.
Màn trống hội tại lễ hội chùa Láng. Ảnh: Lại Tấn.

Đơn cử, năm 2023, nghi thức rước kiệu Đức Thánh Láng tại Hội chùa Láng được phục dựng sau 70 năm bị gián đoạn, với hàng vạn người tham gia, đã tạo nên khối đại đoàn kết giữa các cộng đồng thực hành di sản và Nhân dân tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy cùng chung tay góp phần làm sống lại nghi thức sinh hoạt văn hóa người dân vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ) vẫn được giữ nguyên giá trị suốt hơn 2 thế kỷ, góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức của con người.

TS Đinh Việt Hà - Viện Nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhận định: “Cùng với xu thế chung của cả nước, những năm qua hoạt động lễ hội trên địa bàn TP Hà Nội được khôi phục và phát triển mạnh mẽ, hàng năm các lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, nhỏ, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Lễ hội truyền thống Hà Nội còn cho thấy nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và vật chất của mọi tầng lớp xã hội đang sinh sống trên mảnh đất này, bởi lễ hội không chỉ là một không gian cộng cảm mà còn là một dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu, vui chơi. Ngoài ra, lễ hội còn có giá trị kinh tế khi góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch và dịch vụ xung quanh khu vực diễn ra lễ hội”.

Chưa ý thức được tầm quan trọng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế xã hội và văn hóa của các quốc gia, việc phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống có một vai trò rất quan trọng trong bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân tộc.

Lễ hội Đình Hà được tổ chức đã phục dựng lại lễ rước kiệu, phần lễ được tổ chức trang trọng theo đúng các nghi thức cổ truyền.
Lễ hội Đình Hà được tổ chức đã phục dựng lại lễ rước kiệu, phần lễ được tổ chức trang trọng theo đúng các nghi thức cổ truyền.

Từ góc độ ứng xử văn minh tại lễ hội, các chuyên gia cho rằng, đã có không ít các hoạt động lễ hội được thực hành chưa đúng. “Ví dụ như là việc làm trần tục hóa các hoạt động lễ hội có tính tâm linh, mang các nghi lễ đó ra trình diễn ở những nơi không phải là không gian văn hóa liên quan tới nghi lễ đó hoặc là phục vụ du lịch; hay việc làm giảm đi tính thiêng khi tổ chức các lễ mật. Trường hợp cho máy quay phim, chụp ảnh, livestream phổ biến trên mạng xã hội của lễ mật trong lễ hội Trò Trám là ví dụ điển hình; hay như mang trích đoạn lễ cấp sắc ra biểu diễn phục vụ du lịch” - TS Phạm Cao Quý - Cục Di sản văn hoá cho biết.

Mặt khác, đối với công tác phục dựng lễ hội cũng gặp không ít khó khăn. Phó BQL di tích lịch sử đền Núi Sưa Trần Sơn Trà chia sẻ: Việc phục dựng lại một lễ hội đã thất truyền gần 70 năm (Lễ hội thập tam trại) có nhiều khó khăn do tư liệu về nội dung và hình thức lễ hội rất hạn hẹp; ký ức của các cố lão địa phương thì hạn chế do các cụ đã cao tuổi; không gian tổ chức lễ hội cũ không đáp ứng được cho việc phục dựng lại lễ hội; một số ban quản lý di tích chưa ý thức được tầm quan trọng của lễ hội.

Trước thực trạng trên, theo Sở VH&TT Hà Nội, trong thời gian tới, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội nói chung và di sản văn hóa phi vật thể loại hình lễ hội truyền thống nói riêng cần có sự phối hợp của các cấp, ban, ngành và đoàn thể và cộng đồng nắm giữ di sản triển khai đồng bộ các giải pháp như khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng thực hành và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống. Không nâng tầm lễ hội, ngăn chặn các yếu tố tiêu cực, hình ảnh phản cảm, thực hiện quy định nếp sống văn minh trong các hoạt động tại lễ hội.

Hỗ trợ cộng đồng trong công tác nghiên cứu, phục dựng các nghi lễ, nghi thức truyền thống và các trò chơi dân gian, trao truyền tri thức cho đội ngũ nắm giữ di sản kế cận.

Nâng cao nhận thức cho cộng đồng để đảm bảo quyền của cộng đồng đối với việc sử dụng không gian thiêng, đồ vật thiêng, tài nguyên thiên nhiên cần thiết để thực hành các tập quán, nghi lễ trong lễ hội truyền thống.

Tăng cường công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích, không gian thực hành lễ hội; đầu tư các công trình phụ trợ góp phần nâng cao chất lượng điểm đến, thu hút khách tham quan và tham gia lễ hội.

Xuất bản ấn phẩm giới thiệu, quảng bá các lễ hội truyền thống và giá trị các lễ hội góp phần định hướng, giáo dục và điều chỉnh hành vi cộng đồng chủ thể và khách thể khi giam gia và tiếp cận lễ hội, tiếp cận cộng đồng.