Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương: Làm sâu sắc hơn những điểm mới về công tác cán bộ

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Khi đọc Dự thảo các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, điều tôi tâm đắc nhất là trong định hướng nhiệm kỳ tới đã đề cập nhiều điểm mới liên quan đến công tác cán bộ” - Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Niềm tin của dân là điều vô giá

Khi tiếp cận và nghiên cứu Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như nhìn lại nhiệm kỳ này, đâu là những điểm ông thấy ấn tượng nhất?

- Trước hết phải nói rằng, Dự thảo các Văn kiện đã được chuẩn bị chu đáo, chất lượng, phương pháp xây dựng bố cục và nội dung rõ ràng, chi tiết, không chỉ có Báo cáo Chính trị là văn kiện trung tâm, còn có cả các báo cáo chuyên đề. Các Dự thảo đều cập nhật thông tin tốt, với những thông tin mới ở trong nước và quốc tế, được đưa vào một cách nghiêm túc, khoa học.

Sau khi nghiên cứu các Dự thảo cũng như quá trình nhiệm kỳ này, với tư cách là một đảng viên, tôi thấy rằng, chúng ta đã đạt được rất nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực. Từ kinh tế tăng trưởng, đời sống người dân được cải thiện, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai, chúng ta cũng đã đoàn kết để có giải pháp, hướng đi phù hợp… Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có được những thành tựu to lớn ấy, không thể không kể đến vai trò then chốt của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và cả việc xây dựng, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ.
 Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương
Bên cạnh những thành tựu kinh tế - xã hội nói chung, cá nhân tôi ấn tượng với hai điểm nổi bật có thể coi là dấu ấn thành công của của nhiệm kỳ XII và đã được thể hiện trong Dự thảo.

Thứ nhất, đó là việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý những vi phạm trong công tác cán bộ, đã để lại dấu ấn lớn nhất kể từ năm 1986 đến nay. Có thể nói, BCH T.Ư và trực tiếp là Bộ Chính trị, trong đó có vai trò quyết định của đồng chí Tổng Bí thư, với quyết tâm chính trị cao đã có những chỉ đạo, nghị quyết mới để siết chặt hơn công tác cán bộ, ngăn ngừa, xử lý các sai phạm. Điều này đã chứng minh bằng những con số cụ thể. Trong hơn 4 năm, gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện T.Ư quản lý bị xử lý, thậm chí xử lý hình sự, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong việc chống tiêu cực liên quan tới cán bộ.

Qua đấu tranh phòng chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước phát hiện ra nhiều sơ hở trong công tác cán bộ, công tác quản lý, đặc biệt là quản lý ngân hàng, quản lý các tập đoàn kinh tế nhà nước. Qua những vụ việc phát hiện yếu kém, sẽ góp phần siết chặt kỷ cương và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Kết quả của thực hiện phòng, chống tham nhũng đã có tác dụng răn đe trực tiếp và gián tiếp đối với cán bộ đương chức. Chính vì thế làm cho những hành động bất chấp luật pháp giảm hẳn xuống. Những kẻ có ý đồ tham nhũng cũng phải suy nghĩ, lo sợ. Chính những kết quả đó đã góp phần quan trọng, mà theo tôi là quan trọng nhất để củng cố niềm tin của dân với Đảng. Bởi thực tiễn cách mạng cho thấy, niềm tin của dân với Đảng chính là điều vô giá, không chỉ tạo sức mạnh cho Đảng mà cả cho dân tộc và đất nước nữa.

Dấu ấn tiếp theo là lĩnh vực đối ngoại, an ninh quốc phòng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, chính làm tốt lĩnh vực này, chúng ta đã củng cố, nâng cao được vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Thông qua tổ chức thành công các hội nghị, diễn đàn, sự kiện quốc tế..., để lại ấn tượng trong lòng bạn bè các nước về một Việt Nam an toàn, thân thiện, mến khách.

Trong nhiệm kỳ sắp tới, công tác cán bộ vẫn là một nội dung được người dân quan tâm. Theo ông, trong Dự thảo các Văn kiện, nội dung này có những điểm gì cần lưu ý, nhấn mạnh?

- Đúng vậy, công tác cán bộ vẫn là một điều tôi cũng như nhiều người dân khi hướng về Đại hội XIII của Đảng quan tâm nhất. Tôi thấy có một số điểm nhấn đã được đề ra trong phần định hướng, giải pháp cho nhiệm kỳ tới. Đó là, đổi mới mạnh mẽ cơ chế thu hút trọng dụng nhân tài, cán bộ quản lý các cấp, mở rộng thi tuyển cán bộ quản lý cấp sở, vụ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo công tác cán bộ; cải cách thủ tục hành chính để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền công tác cán bộ. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực; xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo bồi dưỡng cán bộ… Đây là những điểm mới rất đúng và trúng, bởi công tác cán bộ là then chốt của then chốt, làm tốt sẽ kéo theo các lĩnh vực khác tốt lên.

Thi tuyển cán bộ lãnh đạo, không chỉ mở rộng mà nên là phổ biến

Ông vừa đề cập đến việc tâm đắc với những điểm mới liên quan đến công tác cán bộ trong Dự thảo các Văn kiện, ông có thể phân tích sâu hơn về nội dung này?

- Trước hết về đầu vào của công tác cán bộ, Dự thảo có đề ra là mở rộng thi tuyển cán bộ ở cấp Sở với địa phương, cấp Vụ, Cục với cơ quan T.Ư. Đây là việc phải làm, tiến tới làm phổ biến. Đầu vào mà không thi tuyển, chỉ nhăm nhe nhờ cậy ai đấy là rất nguy hiểm. Tôi đề xuất phải dùng chữ “phổ biến” thi tuyển cán bộ đầu vào các cấp vụ, cục, sở. Hơn nữa, tiến thêm một bước, mở rộng thi tuyển đến cấp phó chủ tịch tỉnh ở địa phương. Ví như có thể đưa ra 3 phương án nhân sự, các nhân sự sẽ trình bày phương án hành động trong nhiệm kỳ mới trước HĐND. Tôi tin rằng đại biểu HĐND đủ trí tuệ, sáng suốt để lựa chọn người phù hợp. Với T.Ư, nên chăng cũng nâng lên thi tuyển vào cấp thứ trưởng. Việc làm phổ biến hơn, mạnh hơn cũng cần có cơ chế cụ thể để giám sát.

Tiếp theo là về kiểm soát quyền lực, trong Dự thảo đã đề cập đến vấn đề này, nhưng có cơ chế cụ thể. Chính từ thực tiễn cho thấy công tác cán bộ trong một thời gian dài đã để lọt không ít kẻ cơ hội chính trị, tham nhũng, tiêu cực... vào trong bộ máy. Tại sao? Trước hết phải thấy rằng, cụm từ "lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ” không còn quá xa lạ với nhiều người. Bởi thực tế có lúc, có nơi, việc giới thiệu, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ còn tình trạng đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc. Hiện Bộ Chính trị đã có Quy định về việc “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Đây là khẳng định quyết tâm cao của Đảng trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những hạn chế trong công việc "gốc" của Đảng, những nhức nhối tồn tại suốt nhiều năm trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, nhiệm kỳ tới cần có cơ chế sâu hơn nữa và cần được đề cập kỹ hơn trong Nghị quyết của Đảng. Bởi chúng ta giao quyền lực và nguồn lực cho cán bộ nhưng không giám sát, sẽ không thể phòng chống tham nhũng triệt để được. Vì quyền lực không giám sát thì tha hóa, đó là quy luật muôn đời.

Điều tôi tâm đắc nữa là Dự thảo đã đưa ra là phát triển nguồn nhân lực, có chiến lược về thu hút, trọng dụng nhân tài. Thực ra nhiều quốc gia không hề có tài nguyên, nhưng họ phát triển thành cường quốc thế giới, bởi làm tốt việc phát trong các nguồn lực cao, khai thác nhân tài. Việc Dự thảo các Văn kiện của Đảng đưa ra quyết sách chỉ đạo là bước đầu tiên quan trọng, để thành công trong thực tiễn cần phải có cơ chế cụ thể, phù hợp nhất.

Có ý kiến đề nghị cần có quy định để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và đưa vào Dự thảo các Văn kiện. Quan điểm của ông trước vấn đề này ra sao?

- Điều này rất hay, vì thực tế có những cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng như đi trên dây. Cho nên việc xây dựng quy chế để bảo vệ, trọng dụng người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dựa trên nguyên tắc chung là vì lợi ích chung của đất nước là rất đúng, cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

"Thực tế có những cán bộ dám nghĩ, dám làm nhưng như đi trên dây. Cho nên việc xây dựng quy chế để bảo vệ, trọng dụng người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dựa trên nguyên tắc chung là vì lợi ích chung của đất nước là rất đúng, cần thiết." - Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương