Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thịt lợn nhập khẩu tăng gần 4.800 tấn trong 6 tháng đầu năm 2019

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê ngành Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng thịt lợn nhập khẩu qua cửa khẩu hải quan TP Hồ Chí Minh là hơn 5.647 tấn, kim ngạch 10,29 triệu USD, tăng về lượng gần 4.800 tấn, kim ngạch gần 8,1 triệu USD so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ các nước Brazil (2.368 tấn, kim ngạch 4,39 triệu USD); Mỹ (874 tấn, kim ngạch 1,75 triệu USD); Ba Lan (848 tấn, kim ngạch 1,41 triệu USD); Bỉ (238 tấn, kim ngạch 620.000USD); Hà Lan (210 tấn, kim ngạch 431.000USD).
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn cấp đông, thịt mát tại cửa hàng Meat Deli

Đáng chú ý, lượng thịt nhập khẩu tăng chủ yếu do giá thịt lợn nhập khẩu chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá lợn hơi trong nước. Đồng thời, trong thời gian gần đây, các rào cản thương mại bị gỡ bỏ, thị trường thịt lợn trong nước có sự liên thông nhất định với thị trường nước ngoài. Từ cuối năm 2018, Việt Nam mở cửa trở lại với thịt lợn từ các quốc gia Nam Mỹ, nên lượng thịt nhập từ Brazil tăng.
Được biết, hầu hết các DN nhập thịt lợn để chế biến thực phẩm (giò, chả, xúc xích…), chứ ít bán lẻ ra thị trường do không phù hợp thị hiếu. Trên thực tế, người tiêu dùng trong nước có thói quen sử dụng thịt lợn nóng, thịt lợn tươi (mới giết mổ) chứ không sử dụng thịt lợn đông lạnh. Lượng thịt lợn nhập khẩu nếu có sử dụng chủ yếu là thịt lợn đặc sản hoặc thịt lợn cao cấp.
Theo nhận định của ngành công thương, do ảnh hưởng của Dịch tả lợn châu Phi, lượng lợn sụt giảm nên cuối năm giá thịt lợn có thể tăng. Theo đó, ngành đang tập trung vào các giải pháp là nhập khẩu thịt lợn, dự trữ thịt lợn và tăng nguồn cung của các mặt hàng thay thế khác như bò, gà...