Hơn một tháng trước, khi giá lợn bắt đầu tăng mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã phải tổ chức cuộc họp khẩn với các bộ, ngành để đánh giá tình hình, bàn giải pháp bù đắp lượng thịt thiếu hụt.
Sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, giá lợn có xu hướng “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, giá mặt hàng này lại liên tục tăng cao; và cho đến hôm nay, đã lên tới mức kỷ lục gần 100.000 đồng/kg lợn hơi.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng phê bình Bộ NN&PTNT vì chậm báo cáo và triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao. Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện khi để xảy ra tình trạng thiếu hụt thịt lợn. Điều này cho thấy, Chính phủ cũng rất sốt ruột với tình hình thị trường thịt lợn hiện nay.
Trong khi Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, thì Bộ NN&PTNT lại chưa tìm được tiếng nói chung với Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành khác để giải bài toán thiếu hụt thịt lợn. Đáng nói, có sự bất nhất trong quan điểm giữa hai bộ NN&PTNT và Công Thương khiến tình hình trở lên căng thẳng hơn.
Trong khi Bộ NN&PTNT đánh giá thị trường chỉ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn và nguồn cung lợn vẫn còn rất nhiều thì Bộ Công Thương dự báo Tết Canh Tý 2020, nhiều khả năng thiếu hụt tới… 600.000 tấn thịt lợn.
Hồi giữa năm 2019, hai bộ NN&PTNT và Công Thương cũng đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp “cấp đông” thịt lợn. Tuy nhiên, sự thiếu quyết liệt, nhất quán về mặt chủ trương tham mưu của hai bộ cũng khiến chủ trương này bị… phá sản. Sự nhập nhằng trong trách nhiệm nhập khẩu thịt lợn cũng là nguyên nhân khiến thiếu hụt nguồn cung trong nước tăng.
Trong khi việc kiểm soát thịt lợn qua biên giới cũng tạo nên cuộc tranh cãi giữa hai bộ này. Bộ NN&PTNT cho rằng, có tình trạng lợn bị xuất tiểu ngạch qua biên giới khiến lượng thịt trong nước bị thiếu hụt, trong khi, Bộ Công Thương một mực khẳng định “đã kiểm soát tốt”.
Nhìn nhận khách quan, Bộ NN&PTNT cũng đã có những nỗ lực đáng được ghi nhận trong khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm nguồn cung thịt lợn, tuy nhiên trách nhiệm chính rõ ràng vẫn thuộc bộ này.
Nguồn cung thực phẩm dịp Tết có thể không bị thiếu do các ngành hàng khác như gia súc lớn, gia cầm, thủy sản đều tăng. Tuy nhiên, không thể ngay lập tức thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, dù điều này cũng rất cần thiết nhằm “hạ nhiệt” cho thịt lợn, xa hơn là bảo đảm cân bằng dinh dưỡng cho người Việt.
Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, tuy nhiên, nếu như các bộ ngành vẫn còn tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, không tìm được tiếng nói chung đối với các giải pháp tổng thể nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt, thì khả năng nguồn cung thịt lợn, đặc biệt là cho dịp Tết này sẽ không chỉ dừng ở mức độ nguy cơ.