Thơ Nguyễn Hồng Hải: Mỗi vần thơ như một nốt nhạc giao hưởng

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Chiều 22/11, tại Trung tâm Văn hóa Việt (Trường Đại học Văn hóa), nhà thơ - nhà báo Nguyễn Hồng Hải đã ra mắt 2 tập thơ “Vườn của mẹ” và “Thơ của Nguyễn Hồng Hải”.

Sự kiện đã thu hút đông đảo người yêu thơ ca và đặc biệt là những người bạn từng sinh hoạt cùng tác giả trong nhóm thơ “Thanh Xuân”, khi anh học tại Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).

Nồng nhiệt và phiêu bạt

 Toàn cảnh buổi ra mắt 2 tập thơ của Nguyễn Hồng Hải. Ảnh: Lại Tấn.

Căn phòng rộng chừng 60m2 của Trung tâm Văn hóa Việt nơi diễn ra buổi ra mắt 2 tập thơ “Vườn của mẹ” và “Thơ của Nguyễn Hồng Hải” chật kín người. Khác với những sự kiện ra mắt thơ thường được tổ chức với hình thức sôi nổi, có nhiều lẵng hoa chúc mừng hay sự xuất hiện đông đảo của cơ quan truyền thông, thì buổi ra mắt 2 tập thơ của nhà thơ - nhà báo Nguyễn Hồng Hải diễn ra ấm cúng với khách mời là thầy cô, bạn bè của anh. Phần lớn, họ là những người từng học với Nguyễn Hồng hải tại trường Đại học Tổng hợp và nhóm thơ “Thanh Xuân” và một số đồng nghiệp hiện nay.

 Nhà thơ - Nhà báo Nguyễn Hồng Hải phát biểu tại buổi ra mắt 2 tập thơ. Ảnh: Lại Tấn.

Quây quần xung quanh một sân khấu nhỏ, câu chuyện về thơ và con người nhà báo – nhà thơ Nguyễn Hồng Hải dần được lật mở. Nói về hành trình thơ ca của mình và hoàn cảnh ra đời 2 tập thơ trong buổi ra mắt, nhà thơ – nhà báo Nguyễn Hồng Hải cho biết: “Tôi làm thơ và in những bài thơ đầu tiên từ khi 18 tuổi, thời điểm mới bước chân vào trường Đại học Tổng hợp. Suốt những năm tháng ấy, tôi viết và lưu lại. Năm 1991, tôi in tập thơ đầu tiên khi là sinh viên năm cuối khoa Văn trường Đại học Tổng hợp với tựa đề “Lời yêu của đá”. 18 năm sau, tôi ít xuất hiện vì do bận công việc làm báo. Năm 2009, tôi ra mắt tập 2 là “Mua ban mai” và bây giờ sau 11 năm, khi tôi bước vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, bạn bè đã động viên ra tập thơ mới và cá nhân tôi muốn tập hợp những bài mình viết, tâm sự, tình cảm của tôi trong thơ như một sự tri ân bạn bè, người thân để khép lại hành trình viết hơn 30 năm”.
 Nhà thơ Thụy Kha ngẫu hứng chơi đàn tại buổi ra mắt thơ.  Lại Tấn  

Trong tập thơ “Vườn của mẹ” 58 bài và “Thơ của Nguyễn Hồng Hải” 68 bài, người đọc có thể thấy được những cảm xúc, dồn nén của tác giả được sắp xếp như một bản giao hưởng. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: “Nồng nhiệt và phiêu bạt. Đó là giọng thơ của Nguyễn Hồng Hải. Cách đây 30 năm đã thế. Đến hôm nay tuổi Ngũ thập tri thiên mệnh vẫn thế. Một hành trình hào sảng. Bản giao hưởng của cuộc hành trình này bắt đầu từ những cảm xúc với quê hương thành Tuyên của Hải, với những người thân yêu, rồi đến những miền quê trải dài đất nước, với những bạn bè thân thuộc. Và từ đấy đi ra thế giới, rồi lại trở về với chính mình đến mức mong manh. Đến mức có thể lạc đường. Nhưng vẫn bước tới – Vẫn nồng nhiệt – Vẫn phiêu bạt”.
Nuôi dưỡng mạch ngầm cuộc sống
 Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ  (đứng giữa) phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.
Tới dự buổi ra mắt thơ của nhà báo – nhà thơ Nguyễn Hồng Hải nhiều người yêu thơ ca đều dành cho tác giả sự ghi nhận vì những cống hiến của anh. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên giảng viên Đại học Tổng hợp (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cũng là thầy giáo của tác giả Nguyễn Hồng Hải nói với học trò: “Tôi muốn nói với Hải là hãy viết tiếp đi vì thơ ca là mạch ngầm của cuộc sống. Những gì Hải viết và trao cho cuộc đời là vô cùng trân quý, và qua nhiều năm, tác giả vẫn đang lặng lẽ sáng tạo để tạo ra giá trị cho nền văn hóa của đất nước”.
 Tổng Biên tập báo KT&ĐT Nguyễn Minh Đức (trái) phát biểu tại buổi ra mắt thơ. Ảnh: Lại Tấn.

Ôn lại kỷ niệm những ngày tháng còn ngồi trong ghế giảng đường Đại học Tổng hợp cùng tác giả 2 tập thơ, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức chia sẻ: “Tôi và anh Hải đều là những người yêu thơ và làm thơ, chia sẻ đam mê ấy với nhau. Nhưng rõ ràng, Hải từ lúc làm thơ sinh viên cho đến nay đã có bước tiến rất xa về mặt ngôn từ, văn chương và đặc biệt là quan điểm về thơ. 
Đặc biệt, chúng tôi cùng làm báo với nhau và cùng có những trải nghiệm của một người đàn ông vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh nên tôi cảm nhân thấy tác giả đã viết lên những câu thơ rất gan ruột và mang đầy tính triết lý về bố mẹ, gia đình, quê hương. Tôi cho rằng, chúng tôi làm thơ nghiệp dư hay chuyên nghiệp, làm báo hay không thì trong dòng chảy của những sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp vẫn nuôi dưỡng tâm hồn thơ. Đồng thời, tôi tin tưởng rằng, sau anh Hải sẽ có nhiều sinh viên khoa Văn thế hệ 9x sẽ cho ra đời những tập thơ".

 Nhà thơ Trần Kim Hoa – Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam phát biểu tại buổi ra mắt thơ.  Lại Tấn  

Đồng quan điểm với Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức, PGS.TS Văn Giá chia sẻ: “Đọc thơ của Hải gần dây bên cạnh đắc sắc, tôi nhận thấy còn có tiếng vọng của đời sống được biểu đạt theo cách của thơ và rất thành công. Trong số các tập thơ, tôi thấy Hải có 1/4 số bài có tiếng vọng của nối buồn con người, thời thế. Tôi cho rằng, tác giả đã rút sâu vào tâm tưởng riêng tư và khung cảnh quê hương, đồng đất, mảnh vườn… mới có thể có những tác phẩm như vậy”.
 Ấn phẩm thơ ''Vườn của mẹ'' được giới thiệu tại buổi ra mắt. Ảnh: Lại Tấn.

Cũng tại buổi ra mắt, TS Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ có một phát hiện thú vị về thơ của Nguyễn Hồng Hải. “Tập Vườn của mẹ 58 bài và có tới 17 bài không đề. Tôi thấy rằng, trong những bài thơ không đề, tác giả đã đưa ra những góc khuất thú vị. Không đề nghĩa là còn gì đó khó nói, nằm trong tiềm thức, bất ngờ đến".
 TS ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ bày tỏ cảm xúc khi đọc thơ của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Hải

"Đặc biệt, qua những bài thơ đó nổi lên đặc điểm trong thơ của Hải là sự ngắn gọn, cô đọng. Trong số 17 bài có 15 bài chỉ có 4 câu, 1 bài 5 câu, 1 bài 6 câu, với cách thể hiện linh hoạt có ngũ ngôn, tự do, lục bát. Thơ của Hải có bài rất cô đơn, có bài lại lãng tử” - TS Ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần