Mỗi năm Việt Nam “đánh rơi” khoảng 3 tỷ USD từ rác thải
Mới đây, theo “Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” do tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - Ngân hàng Thế giới thực hiện, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP… Song, trong số này chỉ có khoảng 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế theo đúng quy định. Còn lại 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, với đặc thù là quốc gia có đường bờ biển dài từ Bắc đến Nam, việc chậm triển khai các biện pháp phân loại rác thải tại nguồn đã khiến biển Việt Nam ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Mỗi năm Việt Nam đánh rơi khoảng 3 tỷ USD từ rác thải không được phân loại, xử lý, tái chế. Ảnh minh họa. |
Lý giải về việc này, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng đã làm tăng đáng kể mức tiêu thụ các sản phẩm nhựa và bao bì, khiến các thị trường mới nổi trong khu vực trong đó có Việt Nam trở thành “điểm nóng” về ô nhiễm rác thải nhựa. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường còn hạn chế. Trong khi đó, hiện nay, các dự án đầu tư vào hạ tầng quản lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng vẫn chưa bắt kịp tốc độ xả thải khiến tình trạng ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên diễn ra khó kiểm soát.
Đồng quan điểm trên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, việc chúng ta chậm triển khai thực hiện chương trình phân loại rác thải tại nguồn không chỉ làm mất đi một nguồn tài nguyên quý giá còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Bởi, nếu việc phân loại rác tại nguồn nếu được thực hiện tốt sẽ giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm, giảm việc phải mở rộng tích bãi chôn lấp… Từ đó, các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống người dân, đặc biệt là người dân xung quanh các khu xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp thủ công, truyền thống sẽ giảm đi đáng kể.
“Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, một chai nhựa sẽ cần từ 450 - 1.000 năm, một bao nhựa là 10 - 100 năm và chai chất tẩy rửa là 500 - 1.000 năm để phân hủy hết trong môi trường biển… Và trong khoảng thời gian này, nhựa nano và hạt vi nhựa đã không ngừng tấn công hệ sinh thái gây ảnh hưởng đến môi trường sống, gây ra những cái chết vô cùng đau đớn với các loài động vật biển như, chim, cá…” – các chuyên gia phân tích.
Quy trách nhiệm cho các địa phương
Theo thống kê, nghiên cứu của các chuyên gia, đơn vị thu gom, xử lý rác thải, trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn. Song, thực tế cho thấy, hiện chúng ta mới chỉ tái được gần 10% lượng rác thải phát sinh – một con số quá thấp so với yêu cầu đề ra. Còn lại 90% lượng rác thải nhựa sẽ bị chôn lấp, đốt, hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Trong đó, các phương pháp chủ yếu đang được dùng để xử lý rác thải nhựa như chôn lấp, đốt rác thải nhựa làm sản sinh ra chất dioxin gây biến đổi gen, mang đến nhiều nguy hiểm cho con người và sinh vật, làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm…
Một chương trình phân loại, đổi rác lấy quà tặng do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức thực hiện. |
Xung quanh vấn đề này, một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường nhấn mạnh, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý bảo đảm môi trường… Từ đó, có thể nói, con số 10% lượng rác thải được phân loại đến thời điểm này thực sự rất đáng quan ngại.
Theo các chuyên gia, mặc dù Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã có rất nhiều hướng dẫn, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phân loại rác thải tại nguồn, song hiện nay, mới chỉ có khoảng 22% số tỉnh/TP ban hành quy định khuyến khích phân loại rác tại nguồn, nhưng thực tế chỉ có 7% các tỉnh áp dụng quy định này. Ngoài ra, trên 55% các tỉnh/thành vẫn còn sử dụng chung một thùng đựng cho các loại rác khác nhau… từ thực tế trên, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần giám sát chặt chẽ lộ trình thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn, quy trách nhiệm cho từng địa phương nếu không hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, dưới góc độ thúc đẩy đầu tư phát triển các dự án hạ tầng quản lý rác thải rắn, rác thải tái chế, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho rằng, khu vực Nhà nước và tư nhân cần hợp tác để giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội phức tạp này, đồng thời thúc đẩy các chính sách và tăng cường đầu tư để giúp tận dụng triệt để giá trị của vật liệu nhựa.
Được biết, hưởng ứng chương trình phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng nhựa một lần, hướng đến bảo vệ môi trường… do Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan ban hành, hiện nay, nhiều tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với hàng chục DN lớn như: TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood… tham gia. Song, để chương trình sớm đem lại hiệu quả, ngoài sự chung tay góp sức của các DN thì mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi, đúng thời gian quy định… để những mục tiêu đã được đề ra sớm đi vào thực tiễn.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong tổng khối lượng rác thải phát sinh, tỷ lệ rác thải nhựa chiếm từ 12 - 16%, đứng thứ 2 sau rác thải hữu cơ (từ 55 - 68%), song lượng rác thải nhựa được phân loại để xử lý, tái chế theo quy định hiện rất thấp, chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, đốt hoặc thải thẳng ra môi trường. |