Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria có hiệu lực từ 27/2

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Nga và Mỹ vừa tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn tại Syria sẽ có hiệu lực từ ngày 27/2. Thỏa thuận được đại diện Liên Hợp quốc (LHQ) coi là một tín hiệu của hy vọng nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài gần 5 năm qua tại quốc gia này.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau vụ tấn công khủng bố kép đẫm máu nhất trong 5 năm nội chiến kéo dài tại Syria, khiến 134 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường gần thủ đô Damascus.
Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria có hiệu lực từ 27/2 - Ảnh 1
Trong tuyên bố chung, Nga và Mỹ cho biết thỏa thuận ngừng bắn không áp dụng cho tổ chức khủng bố IS hay mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Các bên tham gia hiệp định ngừng bắn khác có thể thông báo lên Mỹ hay Nga trong thời gian từ nay cho đến trưa ngày 26/2 giờ Damascus.

Phe đối lập và chính phủ Syria phải cho phép hoạt động cứu trợ nhân đạo nhanh chóng và không cản trở và buộc phải ngừng bắn hoàn toàn, bất luận trên không hay bộ vào các nhóm khác, theo thỏa thuận ngừng bắn.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Obama và Tổng thống Putin điện đàm ngày 22/2. Tổng thống Obama hoan nghênh bản thỏa thuận và Nhà Trắng cho biết thỏa thuận do phía Nga yêu cầu. Còn Tổng thống Putin gọi đây là “cơ hội cuối cùng” để chấm dứt nhiều năm nội chiến và bạo lực tại Syria.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn, tín hiệu hy vọng trông đợi từ lâu, và hối thúc các bên tuân thủ nghiêm thỏa thuận này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama và đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ thảo luận các điều kiện của thỏa thuận ngừng bắn trong những ngày tới.
Từ quốc gia giàu có, Syria đã trở thành vùng đất đau thương, hoang tàn.
Từ quốc gia giàu có, Syria đã trở thành vùng đất đau thương, hoang tàn.
 “Có rất nhiều cản trở để thực thi thỏa thuận ngừng bắn. Chúng tôi biết có rất nhiều trở ngại và có thể sẽ có độ trễ”, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest. Việc các bên vẫn đang chờ đợi sự cam kết tham gia lệnh ngừng bắn của các nhóm vũ trang đối lập đã khiến dư luận quốc tế đặt câu hỏi về cách thức đối phó với những hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Lo ngại này hoàn toàn có thể xảy ra bởi thỏa thuận ngừng bắn dù được đưa ra tại Hội nghị an ninh tại Munich hôm 12/2 với sự bảo trợ của Liên đoàn Ả Rập, Liên minh châu Âu, LHQ và 17 quốc gia khác nhưng đã không được thực thi vào ngày 19/2 như kế hoạch ban đầu.

Ngay sau khi Mỹ và Nga tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội nước này sẽ được ấn định vào ngày 13/4. Đây được coi là một bước đi thể hiện quyết tâm và nỗ lực của chính quyền Syria nhằm thiết lập lại ổn định, hòa bình, chấm dứt xung đột. Cuộc nội chiến Syria nổ ra từ tháng 3/2011 và kéo dài cho đến nay, khiến hơn 260.000 người dân bị thiệt mạng và hàng triệu người phải di cư.

Hiện chưa rõ thỏa thuận ngừng bắn liệu có được thực hiện và mức độ tuân thủ thỏa thuận đến đâu, nhưng như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhận định, việc thực hiện cam kết phụ thuộc rất lớn vào hành động của các bên. Đặc biệt, với sự bành trướng thế lực của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần