Thoái vốn Nhà nước tại nhiều DN lớn của Hà Nội: Thay đổi để tăng sức cạnh tranh

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020, TP Hà Nội sẽ tiến hành cổ phần hóa (CPH) 16 DN 100% vốn Nhà nước và tiến hành thoái vốn khỏi 96 DN Nhà nước (DNNN).

Trong danh sách này có không ít tên tuổi ăn sâu bám rễ trong tâm thức nhiều thế hệ người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng.

Tôn trọng nguyên tắc thị trường

Văn bản 5318/UBND-KT của UBND TP Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội chủ yếu CPH các DN có quy mô vốn lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, số lượng lao động lớn. UBND chỉ tham gia nắm giữ cổ phần tại các DN theo quy định Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 50% vốn điều lệ) theo tiêu chí phân loại DNNN do Chính phủ ban hành. Đối với các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần sẽ tiến hành bán hết. 

Hoạt động kinh doanh tại siêu thị Hapro.  Ảnh: Hoài Nam

Cụ thể, trong giai đoạn này, Hà Nội triển khai CPH 16 DN 100% vốn Nhà nước thuộc UBND. Trong đó, Công ty TNHH Điện ảnh Hà Nội, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội là 3 DN sẽ được thực hiện CPH trong năm 2016. Trong 96 DNNN được thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020, một số DN sẽ được thoái toàn bộ vốn như Công ty Tài chính CP Hadico, Công ty CP (CTCP) Bến Xe Hà Nội, Công ty Thực phẩm Hà Nội, CTCP Giày Thượng Đình, CTCP Dệt 19/5 Hà Nội, CTCP Hanel...
Mục tiêu mà UBND TP đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành công tác sắp xếp, CPH DNNN thuộc UBND TP theo kế hoạch của Chính phủ; Huy động các nguồn vốn của toàn xã hội, kể cả trong và ngoài nước để thay đổi cơ cấu DNNN và thay đổi phương thức quản lý DN.

Giữ thương hiệu ra sao?

Tại thời điểm 30/4/2016,                   Hà Nội có 240 DN có vốn Nhà nước với tổng số vốn đầu tư của Nhà nước là 23.389 tỷ đồng. Giai đoạn 2011 - 2015, Hà Nội thực hiện CPH 56 DN và thoái vốn tại 51 DN. Cũng tính đến 30/4, số tiền thu từ CPH, thoái vốn Nhà nước đạt 9.120 tỷ đồng.
Trong danh sách các DN CPH giai đoạn này, có nhiều tên tuổi hoạt động khá hiệu quả.  Cụ thể, Hapro có vốn chủ sở hữu năm 2015 lên đến 1.372.733 triệu đồng, lợi nhuận năm 2015 là 10.100 triệu đồng. Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) có vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2015 là 2.718.460 triệu đồng và lợi nhuận 170.000 triệu đồng… Tuy nhiên, cũng có nhiều DN như Công ty TNHH Điện ảnh Hà Nội có lợi nhuận âm khoảng 12.000 triệu đồng tính đến cuối năm 2015; Công ty TNHHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội lỗ hơn 1.500 triệu đồng.
Ngoài ra, đáng chú ý, nhiều thương hiệu lớn đã ăn sâu bám rễ vào tâm thức người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng như Dệt 19/5, Cơ điện Trần Phú, Xe đạp Thống Nhất, Kim khí Thăng Long, Xích líp Đông Anh… cũng sẽ nằm trong danh sách thoái vốn lần này. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối vì khi thoái vốn, các DN có thể mất thương hiệu. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Xuân Sáng - Chi cục trưởng Chi cục Tài chính DN - Sở Tài chính Hà Nội cho biết, theo quy định, việc thoái vốn sẽ thực hiện theo nguyên tắc thị trường, công khai minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư mua cổ phần. Tạo điều kiện cho người lao động có cổ phần thực sự làm chủ DN, qua đó thay đổi phương thức quản lý, tạo động lực thúc đẩy DN kinh doanh có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Về việc giữ thương hiệu, ông Sáng cho rằng: “Nhà đầu tư khi bỏ tiền đầu tư vào DN, mục tiêu lớn nhất của họ là làm DN đó hoạt động hiệu quả và sinh lời cao hơn. Nếu DN đó phát triển, giá trị thương hiệu lớn thì không nhà đầu tư nào có thể hủy hoại thương hiệu đó. Nhưng có những thương hiệu mặc dù ăn sâu vào ký ức người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng nhưng trong quá trình phát triển, DN đó hoạt động không hiệu quả, thương hiệu DN ngày càng mai một thì việc nhà đầu tư thay đổi cũng là đương nhiên".
Về việc xây dựng kế hoạch cụ thể về CPH, thoái vốn DNNN, ông Sáng cho biết, trong tháng này, Sở Tài chính sẽ công bố lộ trình cụ thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần