Tuy nhiên, khung khổ pháp lý liên tục bộc lộ những bất cập, làm ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện.
Quy định chưa theo kịp thực tế
Theo công bố của Bộ Tài chính, có 367 doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn trên. Riêng năm 2012, có 93 doanh nghiệp. Để đạt được tiến độ, vấn đề chính là quyết tâm của từng doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ thực thi phương án sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp. Sau khi bộc lộ nhiều bất cập, ngày 18/7/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2011/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, đến nay một số quy định của Nghị định 59 đã không còn phù hợp. Nổi bật nhất là về vai trò Kiểm toán Nhà nước, Điều 27, Nghị định 59 quy định: Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn Nhà nước trên 500 tỷ đồng… và một số doanh nghiệp khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Quy định như vậy là nhằm bảo đảm tránh thất thoát vốn Nhà nước. Tuy nhiên, thông thường kế hoạch kiểm toán thường được Kiểm toán Nhà nước đề ra từ đầu năm. Việc kiểm toán theo yêu cầu khó đảm bảo tiến độ đề ra. Hơn nữa, cũng theo Điều 27, trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa không thống nhất với kết quả Kiểm toán Nhà nước công bố, phải tổ chức trao đổi lại để thống nhất hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Như vậy, việc trao đi đổi lại để đưa ra kết quả cuối cùng chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian, không đảm bảo tốc độ cổ phần hóa. Bởi từ trước đến nay, việc xác định giá trị doanh nghiệp luôn phức tạp, khó thống nhất. Thậm chí có những doanh nghiệp phải làm hàng năm trời vẫn chưa ngã ngũ.
Thoái vốn đầu tư ngoài ngành để các doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Ảnh: Huy Hùng
Nỗi lo thất thoát vốn Nhà nước
Theo số liệu tổng hợp của Chính phủ gửi Quốc hội, tổng số tiền các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào một số lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính lên tới 21 ngàn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực chứng khoán khoảng 3,5 ngàn tỷ đồng; bảo hiểm 2,2 ngàn tỷ đồng; bất động sản 5,3 ngàn tỷ đồng; ngân hàng 10 ngàn tỷ đồng.
Trước đòi hỏi các DNNN thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính trước năm 2015 của Chính phủ, trong điều kiện thị trường chứng khoán suy giảm, kinh tế khó khăn như hiện nay đã có không ít ý kiến khác nhau được các chuyên gia kinh tế đưa ra. Trong khi rất nhiều ý kiến nghiêng về kịch bản "thà một lần đau": Chấp nhận lỗ để thoái hết vốn đã trót đầu tư trái ngành, nhằm tập trung phát triển ngành kinh doanh chính, cũng có không ít ý kiến lại cho rằng, như vậy là không thể chấp nhận. Lý do DN đầu tư trái ngành thua lỗ là mất lần vốn thứ nhất, giờ bán lỗ là thua lỗ thứ hai. Như thế, sẽ làm thất thoát lớn vốn Nhà nước.
Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến cho biết, Bộ Tài chính đang xúc tiến việc xây dựng cơ chế thoái vốn trình Chính phủ, trong đó sẽ có hướng dẫn, tạo khung khổ pháp lý để các tập đoàn và tổng công ty thoái vốn có cơ sở để thực hiện.
Ngoài ra, UBND cấp tỉnh cũng sẽ xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính. Như vậy, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN đang được các bộ, ngành, địa phương lên phương án, lộ trình cụ thể, gắn với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp đối với từng tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro như: bất động sản, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm…
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang rà soát, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để sửa Nghị định 59/2011/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong giai đoạn tới. Để làm được điều này, phải mất 1 - 2 năm nên nỗi lo đảm bảo tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp là có cơ sở. |