Thoát hiểm khi con bắt quả tang bố mẹ “yêu”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Con cái làm bố mẹ thêm gắn bó nhưng cũng có thể gây ra nhiều tình huống khó xử, nhất là khi bắt quả tang bố mẹ đang “yêu”. Quan trọng là bạn hiẻu tâm lý lứa tuổi và ngay cả khi có sự cố, cũng có thể hoá giải nhanh chóng.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi

Tình huống: Con còn quá nhỏ nên vẫn ngủ chung với bố mẹ. Bé đã ngủ ngon lành, hai vợ chồng mới bắt đầu “đánh du kích”. Có vấn đề gì với đứa nhỏ không?

Lời khuyên: Bố mẹ không nên để con trẻ nhìn thấy “cảnh nóng” nhưng với một em bé dưới 6 tháng tuổi thì hoàn toàn không có vấn đề gì.

Nếu bạn không muốn làm ảnh hưởng tới giấc ngủ ngon của bé, hãy để một chiếc nôi/ cũi trong phòng, như vậy, bạn có thể nhanh chóng chuyển bé sang đó mà không phải vừa “yêu” vừa lo lắng thấp thỏm về bé.

Trẻ từ 13 tháng tuổi

Tình huống: Con đang chơi ngoan trong cũi, cha mẹ hạnh phúc nhìn con rồi bỗng... hạnh phúc nhìn nhau. Thế là “lâm trận”. Giữa chừng thì thấy con đứng ngây trong cũi, mắt xoe tròn, miệng ọ ẹ như thể rất lạ lẫm.

Lời khuyên: Trẻ có thể thấy sợ hãi và cho rằng “Bố đang đánh mẹ”. Khi con cái đã vào khoảng 2 tuổi, bố mẹ nên bắt đầu tạo không gian riêng cho con và cho cả chính mình bởi con đã dần có ý thức và nhận biết về các sự vật xung quanh. Bố mẹ sẽ thấy rất ngại ngùng nếu bị con “bắt quả tang” và sau nhiều lần như vậy, tự bố mẹ cũng sẽ dần mất hứng. Đặc biệt là mẹ, bởi phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng. Nó sẽ triệt tiêu mọi cảm xúc thăng hoa.

Hãy mua loại cũi có bánh xe và chuyển con sang phòng khác trong một lúc hoặc lắp rèm xung quanh giường ngủ nếu nhà quá nhỏ, như vậy, bố mẹ sẽ có một khoảng không riêng tư. Hãy đưa cho bé món đồ chơi yêu thích để phân tán sự chú ý. Nếu bé cứ quấn lấy bố mẹ, hãy duy trì ngọn lửa “yêu” bằng cách vừa nhẹ nhàng dỗ con vừa tế nhị âu yếm và dành những lời ngọt ngào cho bạn đời.

Con ở tuổi mẫu giáo

Tình huống: Bạn đã tách con ra ngủ riêng, mua giường đệm, trang trí phòng bé thật xinh nhưng sở thích của cô nàng bướng bỉnh vẫn là nửa đêm chạy sang phòng bố mẹ, tung chăn và... chen vào giữa với lý do: Con vừa có giấc mơ rất đáng sợ.

Lời khuyên: Với con ở tuổi này, chắc chắn bạn không nên để bé nhìn thấy “cảnh nóng”. Đây là một điều bắt buộc bởi nó ảnh hưởng tới chính sự giáo dục mà bố mẹ dành cho bé. Nếu cha mẹ vẫn ngủ chung với con, trong những tình huống “cấp bách”, hãy chuyển sang phòng khách, phòng bếp, phòng tắm... nhưng hãy nhớ tắt đèn, khóa cửa và luôn để áo choàng bên cạnh đề phòng trường hợp bé bất ngờ tỉnh dậy và tìm mẹ.
 

 
Con đã 5 tuổi

Tình huống: Bạn đã cho con ngủ rồi mới quay về phòng, hai vợ chồng quá hạnh phúc mà không kịp để ý xung quanh... Cô con gái 5 tuổi đang đứng ở bậc cửa với khuôn mặt ngạc nhiên xen lẫn sợ hãi: Bố đánh mẹ làm mẹ đau kìa. Bố xấu lắm.

Lời khuyên: Hẳn lúc này bạn mới thấy câu “Cẩn tắc vô áy náy” thật đúng. Trẻ 5 tuổi chưa có khái niệm gì về “yêu” và chúng sẽ nghĩ cha mẹ đang “uýnh nhau” và điều đó khiến trẻ sợ hãi. Vì vậy, xin nhắc lại hãy khóa cửa phòng trước khi “hành động”. Nếu cửa không có khóa hoặc khóa hỏng, một chiếc ghế nặng chặn cửa cũng phát huy tác dụng.

Hãy để bé an tâm và quay về phòng ngủ tiếp bằng những lời giải thích đơn giản. “Không sao đâu con, bố mẹ đang chơi trò Sói và Thỏ. Bố là Sói. Mẹ bị thua, chạy không nhanh nên bị Sói ăn thịt. Con đừng lo, bố mẹ ở đây, con khó ngủ à?!” Sau đó hai bố mẹ cùng vỗ về con để bé an tâm, khi bé đã bình tĩnh lại, hãy đưa bé về phòng, ru bé một lúc. Lần này hãy nhớ khóa cửa.

Khi bé có bạn đến ngủ cùng

Tình huống: Bé rủ bạn thân tới chơi vào tối cuối tuần và mấy cô bé muốn ngủ lại ở nhà bạn. Hai vợ chồng xem phim tình cảm lãng mạn trong phòng riêng và cảm xúc đã lên tới cao trào. Nhưng mấy đứa nhỏ tính sao đây? Bạn hơi e dè bởi nếu chẳng may có gì sơ sẩy thì chẳng biết giấu mặt vào đâu.

Lời khuyên: Khi trong nhà có trẻ con của gia đình khác, bạn càng cần đặc biệt cẩn thận. Trẻ không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra và tốt nhất chúng không nên hiểu quá sớm. Nhìn và nghe những điều không dành cho chúng sẽ khiến trẻ căng thẳng. Trách nhiệm của bạn là để các bé được an toàn, thoải mái cả về thể chất và tinh thần.

Nếu không muốn khó xử với các bậc phụ huynh khác, hãy giữ gìn cảm xúc cho lần sau. Các bậc cha mẹ đều có lúc trải qua những thời điểm mà cảm xúc thăng hoa nhưng không có “yêu”. Nắm tay, âu yếm, và ngồi sát bên nhau khi tình cảm dâng trào cũng là cách để gia tăng sự thân mật giữa vợ chồng. Ngày hôm sau, khi bố mẹ của các bé tới đón con về nhà, hãy đề nghị lần tới cuộc vui của lũ trẻ sẽ được tổ chức ở nhà họ.

Hai vợ chồng đang tắm chung thì trẻ bước vào

Tình huống: Bạn đã cho con đi ngủ trước khi hai vợ chồng tắm chung. Nhưng bỗng nhiên bé ngó đầu vào (phòng tắm cửa kéo) và nói: Con muốn đi tè.

Lời khuyên: Trong nhà có con nhỏ là khổ thế đấy. Các phòng đều nên có khoá/ chốt. Thực ra trong những tình huống trở tay không kịp, bạn xuất hiện “trần như nhộng” trước mặt con, đó cũng không phải chuyện gì to tát bởi mối quan hệ thân thiết trong gia đình có thể khoả lấp đi những ngượng nghịu, bối rối. Nhưng cùng với sự trưởng thành của con, dần dần bé sẽ có nhu cầu về sự riêng tư, lúc đó nhìn thấy bố mẹ hớ hênh sẽ khiến trẻ khó chịu.

Trong tình huống như thế này, hãy lồng ghép những bài học về giới tính một cách thú vị và nhẹ nhàng. Hãy giải thích cho bé hiểu, mỗi chúng ta đều có những điều riêng tư, tế nhị, không muốn cho người khác biết. Cơ thể của chúng ta cần được bảo vệ và không nên để cho người lạ thấy. Con hãy nhớ nhé, từ sau, khi chúng ta thay đồ hoặc đi tắm, cần đóng cửa cẩn thận để bảo vệ những bí mật nhỏ của mình. Lần này bố mẹ đã quên mất điều đó.

Khi trẻ đang xem TV

Tình huống: Sáng thứ Bảy, bạn mở phim hoạt hình cho con, mua bỏng ngô và bảo bé ngồi ngoan xem phim nhé, bố mẹ đi ngủ một lúc. Hai vợ chồng đang ở trong phòng (lần này bạn có khoá cửa) thì bé gõ cửa đòi vào: Bố mẹ đang làm gì thế? Cho con vào với. Hết phim rồi.

Lời khuyên: Lũ trẻ cần học cách tôn trọng khoảng thời gian riêng tư của người khác. Tình huống này không có gì là khẩn cấp và vì thế bạn hãy bình tĩnh chấn chỉnh lại sống áo, dọn dẹp qua giường ngủ trước khi mở cửa cho bé vào. Một lần nữa ta lại thấy sự cẩn thận có tác dụng thế nào.

Hãy giúp bé hiểu thế nào là không gian và thời gian riêng tư bằng cách dành cho bé một phòng riêng, dù nhỏ thôi. Mỗi khi bố mẹ muốn vào đều phải gõ cửa. Hãy tôn trọng những lúc bé ở một mình trong phòng và bé sẽ học được cách tôn trọng sự riêng tư của người khác.

Nếu bé nói rằng muốn biết bố mẹ đang làm gì trong đó, con ở một mình ngoài này thấy buồn lắm, hãy giải thích cho bé hiểu một cách đơn giản và trung thực, nhưng không cần đi vào chi tiết: Con cũng có lúc rủ bạn bè tới chơi và thủ thì trò chuyện riêng trong phòng, bố mẹ tôn trọng và để các con được chơi vui, bố mẹ cũng có lúc muốn được chơi riêng trong phòng của mình, con hiểu không?

Khi hai vợ chồng ngủ lại ở nhà bố mẹ

Tình huống: Hai vợ chồng tới chơi nhà ông bà nội/ ngoại và ngủ lại ở phòng riêng trước đây của vợ/ chồng, bọn trẻ ngủ ở phòng của cô/ dì/ cậu… ngay bên cạnh. Cảm hứng đã lên cao nhưng hai bạn ngại gây ra “tiếng động lạ” khiến bọn trẻ tò mò. Cái giường sau bao năm giờ cọt kẹt quá.

Lời khuyên: Hai người hãy giữ trật tự bằng mọi giá bởi ở đây còn rất nhiều người khác. Hãy ngậm gối hoặc ngủ trên sàn để khỏi “rút dây động rừng”. Hãy nhờ ông bà đưa các cháu đi ăn sáng để hai đứa được ngủ nướng thêm một chút. Đôi khi ích kỷ một tẹo cũng không sao, bố mẹ sẽ thông cảm và rất vui được giúp hai bạn chăm sóc các cháu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần