Các hội viên nông dân xã Cổ Loa, huyện Đông Anh đang triển khai trồng khoai tây hữu cơ sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Oanh Trần |
Trong những năm gần đây, huyện Đông Anh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho LĐNT, trong đó có nghề Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn. Điển hình là mô hình trồng và chăm sóc cây cảnh tại các xã Nam Hồng, Tàm Xá được đánh giá là phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trưởng phòng LĐTB&XH Đông Anh Nguyễn Đình Thanh cho biết: Năm 2019, trên cơ sở kết quả điều tra nhu cầu học nghề của LĐNT, huyện đã tổ chức dạy 29 lớp đào tạo nghề cho 997 LĐNT gồm: 7 lớp, 238 học viên học nghề phi nông nghiệp (May công nghiệp và Pha chế đồ uống) và 22 lớp nghề nông nghiệp cho 759 học viên. Kết thúc khóa học nghề, người lao động đã được trang bị và bổ sung những kiến thức cơ bản để tiếp tục áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều người đã vận dụng và phát huy những kiến thức được học để tự tạo việc làm hoặc được các DN tuyển dụng làm việc tại DN. Thu nhập của học viên sau khi học nghề bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.Đạt được kết quả này, trước khi tổ chức tuyển sinh các lớp đào tạo nghề cho LĐNT, Ban Chỉ đạo 1956 huyện Đông Anh đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH phối hợp với các đơn vị, UBND các xã triển khai treo pano và phát hành 5.000 tờ rơi tuyên truyền đào tạo nghề cho LĐNT. Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện xây dựng chuyên đề, biên soạn tin, bài phát thanh, thông tin tuyên truyền về Đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Hội Phụ nữ và Hội Nông dân huyện phân bổ và giao chỉ tiêu cho hội cấp xã, vận động các hội viên tham gia học nghề... Huyện đoàn được giao chỉ đạo các cấp Đoàn cơ sở thực hiện phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và khởi nghiệp.Hộ nghèo vươn lên khá giảĐánh giá về công tác đào tạo nghề cho LĐNT, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Khả Nghị cho biết: Quyết định số 1956 là chủ trương lớn và phù hợp với nông dân xã Cổ Loa. Theo quy hoạch và tình hình phát triển, kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo nên nhu cầu học nghề của nông dân rất lớn. Năm 2019, xã Cổ Loa mở được 4 lớp đào tạo nghề cho LĐNT, bao gồm 1 lớp nghề phi nông nghiệp và 3 lớp nông nghiệp (Trồng rau hữu cơ, Trồng hoa cây cảnh). “Chúng tôi đã trồng và xây dựng thương hiệu cây khoai tây hữu cơ sinh học – sản phẩm mới của địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn loại truyền thống từ 10 - 15%, không đủ cung cấp cho thị trường, thu hút được LĐNT tham gia” – ông Nghị phấn khởi khoe.Sau 10 năm triển khai Quyết định số 1956 đã giúp cho kinh tế của huyện Đông Anh từng bước phát triển. Đặc biệt là các đối tượng chính sách như gia đình người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm đào tạo, có nghề nghiệp ổn định, tạo ra thu nhập cao hơn và từng bước thoát nghèo. Đến năm 2019 huyện Đông Anh không còn hộ nghèo. Điển hình như xã Cổ Loa, năm 2019 tổ chức lớp đào tạo nghề cho 30 lao động thuộc hộ nghèo và 22 lao động hộ cận nghèo. Kết thúc khóa học, 27 học viên thuộc hộ nghèo đã thoát nghèo; 7 lao động từ hộ cận nghèo hộ nghèo vươn lên khá giả. Qua đó góp phần giúp xã Cổ Loa giảm được 77 hộ nghèo thoát nghèo. Kinh tế - xã hội từng bước phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt trên dưới 60 triệu đồng/năm.Với hiệu quả của việc thực hiện Quyết định 1956, Trưởng phòng LĐTB&XH Nguyễn Đình Thanh cho rằng, vẫn cần duy trì công tác đào tạo nghề cho LĐNT vì huyện vẫn còn đất sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, người dân đang có nhu cầu chuyển dịch lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ. Trong năm 2020, huyện Đông Anh có kế hoạch đào tạo nghề cho 665 LĐNT, phấn đấu 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất và thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, huyện đang vướng mắc trong thực hiện quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và rất mong TP Hà Nội có hướng dẫn thực hiện mở thầu hay chỉ định thầu để triển khai cho kịp kế hoạch.