Thời gian ban hành bảng giá đất nên thực hiện thế nào?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có nội dung liên quan đến bảng giá đất, đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Vậy thời gian ban hành bảng giá đất nên thực hiện như thế nào là phù hợp?

Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa mới có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ TN&MT đề nghị không nên quy định ban hành bảng giá đất hàng năm. Theo HoREA, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trước hết cần phải quán triệt quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng

Nghị quyết 18-NQ/TW đã chỉ đạo hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, như: Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất.

Theo đó, yêu cầu xây dựng tiêu chí, quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất; HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Đồng thời, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hoà về lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch...

HoREA kiến nghị không ban hành bảng giá đất hàng năm. Ảnh minh họa
HoREA kiến nghị không ban hành bảng giá đất hàng năm. Ảnh minh họa

“Để luật hóa chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không quy định ban hành bảng giá đất hàng năm mà nên ban hành định kỳ 2 - 3 năm/lần là phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, nhân lực, trang thiết bị công nghệ, phần mềm quản lý hiện nay; đi đôi với định lượng, công thức hoá việc định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng, tiền thuê đất các dự án BĐS, nhà ở, đô thị sẽ bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu dễ làm, không gây rủi ro pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và người liên quan trong thực thi công vụ” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu phân tích.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho giá đất luôn tiệm cận với giá trên thị trường thì phải đi đôi với việc tiếp tục quy định các hệ số điều chỉnh giá, trong đó có hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm (hệ số k1 - áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm);

 Hệ số điều chỉnh giá đất khi thị trường có biến động (hệ số k2) hoặc hệ số điều chỉnh khi Nhà nước quyết định thu hồi đất (hệ số k3) hoặc áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá (hệ số k4) định giá cụ thể để tính tiền sử dụng, tiền thuê đất đối với tất cả dự án BĐS, nhà ở thương mại không phân biệt giá trị khu đất dưới hay trên 30 tỷ đồng theo bảng giá, thay vì thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá.

Trong trường hợp chấp thuận quy định bảng giá đất định kỳ 2 - 3 năm/lần thì cần phải được điều chỉnh bằng các hệ số, tương tự như việc thực hiện quy định bảng giá đất định kỳ 5 năm/lần của Luật Đất đai 2013, gồm: Hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm (hệ số k1) để điều chỉnh bảng giá, tương tự như Quyết định 02/2023/QĐ-UBND quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 của TP Hồ Chí Minh;

Hệ số điều chỉnh giá đất để thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013 khi trong thời gian thực hiện bảng giá, Chính phủ điều chỉnh khung giá hoặc giá phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá cho phù hợp (hệ số k2);

Hệ số điều chỉnh giá khi Nhà nước quyết định thu hồi đất (hệ số k3), áp dụng để xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cho từng dự án cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định 44/2014/NĐ-CP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần