Luật quy định phạm vi bí mật nhà nước là những thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong từng lĩnh vực phải là những thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Về phân loại bí mật nhà nước: Kế thừa các quy định của Pháp lệnh hiện hành, điều luật được thiết kế thành 3 cấp độ: “Tuyệt mật”, “Tối mật” và “Mật” theo từng lĩnh vực, quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, để bảo đảm linh hoạt và rõ chủ thể chịu trách nhiệm, Điều 9 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý quy định giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước để quy định các loại thông tin được xác định là bí mật nhà nước theo từng độ mật làm căn cứ để các cơ quan, tổ chức tạo ra thông tin bí mật nhà nước quyết định độ mật của bí mật nhà nước.Về ban hành danh mục bí mật nhà nước, Luật quy định người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước bao gồm: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục bí mật nhà nước của Đảng; Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội lập danh mục bí mật nhà nước của tổ chức chính trị - xã hội; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lập danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lập danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.Người lập danh mục bí mật nhà nước có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định trước khi Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến hết thời hạn sau: Cụ thể, 30 năm đối với bí mật nhà nước là mức độ "Tuyệt mật"; 20 năm đối với bí mật nhà nước là mức độ "Tối mật"; 10 năm đối với bí mật nhà nước là mức độ "Mật". Luật cũng quy định trách nhiệm của người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước: Đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp để bảo vệ bí mật nhà nước do mình trực tiếp quản lý; Trường hợp phát hiện vi phạm trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước thì người trực tiếp quản lý bí mật nhà nước phải có biện pháp xử lý và báo cáo người có trách nhiệm giải quyết, thông báo cho cơ quan chủ trì xác định bí mật nhà nước biết để có biện pháp khắc phục. Trước khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc vì lý do khác mà không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước phải bàn giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý; cam kết bảo vệ bí mật nhà nước đã được quản lý.