Thời hạn đấu thầu càng ngắn càng có lợi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu nên rút ngắn hay kéo dài tới 45 ngày như thông lệ quốc tế? Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia và DN thảo luận tại Hội thảo Rà soát pháp luật đấu thầu Việt Nam với các cam kết về mua sắm công trong EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU) do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/1.

Chưa đồng nhất

Thời hạn nước ngoài là 45 ngày còn Việt Nam trung bình chỉ có 30 ngày. Thời gian chuẩn bị hồ sơ thầu của Việt Nam như vậy là quá ngắn, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hồ sơ dự thầu là quan điểm của bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI). Tuy nhiên, đại diện Cục Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, thực tế thời hạn nộp hồ sơ thầu của các nước EU cũng khá tương đồng với Việt Nam vì đa phần họ đấu thầu điện tử. Khi cơ quan mua sắm đăng thông báo mời thầu trên mạng thì thời gian mời thầu được giảm 5 ngày, nếu chấp nhận hồ sơ qua mạng sẽ được giảm tiếp. Do đó, thời gian hồ sơ dự thầu khoảng 25 ngày.

Từ góc độ là DN có nhu cầu mua sắm công, đại diện Công ty Honda Việt Nam nhìn nhận, thời hạn thầu càng ngắn càng có lợi, DN càng tiết kiệm được thời gian chờ hồ sơ thầu. “Ở các nước, quy định về thời gian chuẩn bị hồ sơ được phân theo nhóm hàng hóa, nhóm cơ quan, nhưng ở Việt Nam quy chung làm một như thế DN rất thiệt” - đại diện Honda Việt Nam lấy ví dụ, nếu mua 100 máy tính thì nhà thầu chỉ cần 1 - 2 ngày, không cần thiết phải kéo dài thời gian nhận hồ sơ thầu tới 20 - 40 ngày. Do đó kiến nghị nên phân loại đối tượng mua sắm như thông lệ quốc tế. Được biết, Honda Việt Nam có 30% vốn Nhà nước, do đó vẫn phải chấp hành quy định về mua sắm công theo Luật Đấu thầu.

Trong khi đại diện Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội cho rằng, với những gói thầu quy mô lớn, có tính phức tạp cần phải có thời gian dài cho nhà thầu chuẩn bị, với những gói thầu đơn giản thì thời hạn rút ngắn sẽ có lợi hơn cho DN.

Từng tham gia soạn thảo quy định về đấu thầu, ông Ngô Minh Hải - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ DN Nhà nước giải thích, việc Luật quy định về thời gian tối thiểu (20 ngày) là để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu nhằm đảm bảo lợi ích nhà thầu. Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, từ góc độ DN, hầu hết các ý kiến đều cho rằng quy định thời gian như vậy là quá dài, nhất là với những DN có 30% vốn Nhà nước trở lên phải tuân thủ pháp luật về đấu thầu. “Nhưng với các dự án có sử dụng đất, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đấu thầu có quyền tự soạn thảo quy định về đấu thầu” - ông Hải gợi ý.

“Nội luật hóa” các cam kết đặc thù?

Có thể thấy, chỉ riêng quy định về thời gian dành cho nhà thầu chuẩn bị hồ sơ thầu đã có nhiều ý kiến tranh luận vì có điểm “vênh” giữa pháp luật trong nước và cam kết quốc tế. Còn khá nhiều quy định hoàn toàn khác biệt so với cam kết về EVFTA được nhóm nghiên cứu VCCI chỉ ra trong báo cáo rà soát lần này, ví như khái niệm “chỉ định thầu” như trong Luật Đấu thầu. Ông Ninh Viết Định - Trưởng ban Đấu thầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị cần bỏ hẳn khái niệm này bởi nó không giống với bất kỳ hình thức nào theo thông lệ quốc tế.

Từ thực tế trên, nhóm rà soát văn bản của VCCI đề xuất, cần xây dựng một văn bản riêng, có thể ở cấp Nghị định để “nội luật hóa” các cam kết đặc thù của EVFTA cũng như các cam kết liên quan tới hệ thống đấu thầu hoặc minh bạch, cạnh tranh mà chưa thể thay đổi ngay. Giải pháp thứ hai là sửa đổi pháp luật đấu thầu nói chung, áp dụng cho các cam kết về minh bạch, cạnh tranh mà việc đưa vào hệ thống pháp luật chung sẽ mang lại lợi ích lan tỏa không chỉ cho các trường hợp thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định mà toàn bộ hệ thống đấu thầu, toàn bộ các DN tham gia thầu nói chung.