Dùng nghệ thuật thủ công để quảng bá quê hương
Trong cái nắng oi ả của những ngày Hè, chúng tôi tìm đến nhà của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, cách làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) khoảng 2km. Bước vào bên trong ngôi nhà, ai ai cũng đều cảm nhận được sức sống của nghệ thuật sơn mài hiện lên trước mắt. Đầu tiên là hình ảnh những chú kiến sơn mài "khổng lồ" bò lồm cồm trên cây ngòi. Những chú kiến này đã từng được Nguyễn Tấn Phát đăng Facebook khiến người xem giật mình khi thấy chúng bám trên những bức tường rêu phong của làng cổ Đường Lâm. Vào hẳn trong, quanh 4 bức tường, bộ trâu sơn mài cả nghìn con đủ kích thước, hình dáng khiến những vị khách lạ choáng ngợp.
Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, ý tưởng thực hiện dự án 1010 tượng trâu sơn mài vốn xuất phát từ tác phẩm “Trâu hoa Lạc Việt” do anh sáng tạo và giành giải Nhất nhóm Sơn mài tại Cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ 2020. Liên tục từ tháng 10/2020 đến nay, với kỹ nghệ sơn mài tài tình, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát đã cho ra đời một đàn trâu đông đúc với hình dáng độc đáo, ăm ắp duyên ngầm khác biệt, hiện đang được trưng bày tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội).Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thường làm con trâu gắn liền với hình ảnh vòm cổng nhà, cổng chùa, đình làng vừa đưa ra những tạo hình đẹp và mang tính gợi cho người xem nhiều hơn. “Trâu cổng làng” vững chãi thân thuộc với hình ảnh của mái nhà trên lưng, thoáng nhìn đã thấy được cái chân chất của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. “Trâu Lạc Việt” là hình ảnh cánh chim Lạc xen với các họa tiết trên mặt trống đồng. “Trâu hóa Rồng” là sản phẩm gửi gắm khát khao về một cuộc sống thịnh vượng.Chia sẻ về chất truyền thống trong sản phẩm của mình, Nguyễn Tấn Phát cho biết: “Ngay từ khi bé, tôi đã đi theo ông nội vào đình chùa để tô vẽ trùng tu các vốn cổ nên văn hóa Việt đã ngấm vào tôi theo từng hơi thở. Tôi càng được phát huy tình yêu đó khi học trường Đại học Mỹ thuật, được hướng dẫn, tư duy phát triển tạo hình đương đại. Phát huy các nét đẹp văn hóa từng vùng miền, tôi luôn dùng nghệ thuật thủ công để quảng bá về miền đất đã nuôi dưỡng mình”.Ứng dụng trong sơn màiKhông chỉ tập trung làm các mặt hàng có tính chất nhanh, nhiều, bình dân để lấy ngắn nuôi dài, Nguyễn Tấn Phát vẫn có những tác phẩm có tính độc đáo, giàu tính nghệ thuật. Anh tâm niệm, nghệ thuật phải để phục vụ cuộc sống, phải để công chúng thưởng thức, thụ hưởng. Từ năm 2010 đến nay, anh liên tục được nhận những giải thưởng uy tín của Hà Nội và nhiều địa phương khác như giải Nhất cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014, 2019. Anh đã đóng góp lớn cho việc truyền nghề, truyền lửa đam mê cho các họa sĩ trẻ trên quê hương cũng như phát triển DN để mang lại việc làm cho lao động địa phương. Năm 2017, ở tuổi 34, anh vinh dự được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.Một trong những yếu tố để nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có được những thành công trên là bởi, tác phẩm của anh thuận theo dòng chảy nghệ thuật ứng dụng đương đại. “Từ ngày xưa, tác phẩm nghệ thuật bị ấn định là để nhìn chứ không phải ứng dụng. Tuy nhiên, tôi luôn đưa tính ứng dụng vào tác phẩm của mình. Các sản phẩm làm ra phải có tính ứng dụng. Tôi có may mắn là hoạt động trong cả hai vai trò họa sĩ và nghệ nhân nên luôn chủ động đứng vững trước khá nhiều thách thức, quan trọng nhất vẫn là tự mình làm chủ công việc, tự tìm hướng phát triển”.20 năm theo đuổi chất liệu sơn mài, Nguyễn Tấn Phát vẫn đam mê như ngày đầu, vẫn khao khát được sáng tạo để làm phong phú cho nền thủ công mỹ nghệ nước nhà. Thời gian tới, nghệ nhân 8X này còn ấp ủ kết hợp sơn mài với nghệ thuật múa rối và tổ chức triển lãm “Mơ trâu” tại mỗi không gian đậm chất Sơn Tây (Hà Nội).