Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thôn xóm an vui nhờ hòa giải tốt

Bài, ảnh: Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, đội ngũ hòa giải viên ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn ở cơ sở, góp phần phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đem lại niềm tin cho Nhân dân trên địa bàn.

Phù Đổng là một xã ven đô với ngành nghề chính là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch. Những năm gần đây, đất đai có giá trị cùng với việc đền bù giải phóng mặt bằng của một số dự án trên địa bàn đã giúp người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua sắm, đầu tư sinh hoạt ngày càng cao.
 Các hòa giải viên trao đổi kỹ năng hòa giải.
Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong đời sống xã hội cũng vì thế mà gia tăng. Không ít gia đình vợ chồng ly tán, con cái, anh em mất đoàn kết vì tranh chấp đất đai, tài sản. Các vụ va chạm, khiếu kiện, khiếu nại cũng tăng lên, trong đó tập trung nhiều ở lĩnh vực đất đai. Song nhờ đội ngũ hòa giải ở cơ sở, các vụ việc hầu hết được giải quyết đúng thời hạn.
Đơn cử như trường hợp của bà V. và bà D. là hai chị em ruột, ở thôn Đổng Viên, năm nay đã trên dưới 60 tuổi. Trước khi qua đời, mẹ của hai bà có để lại một mảnh đất, trong di chúc có ghi tên hai bà là người được thừa kế. Tuy nhiên sau nhiều năm, mảnh đất này chỉ có một mình bà V. sử dụng, bà D. vì lấy chồng ở nơi khác nên thỉnh thoảng mới qua lại thăm người thân. Đầu năm nay, bà V. tổ chức xây nhà trên mảnh đất thừa kế nhưng không nói cho bà D. biết. Khi phát hiện sự việc, bà D. đã làm đơn lên UBND xã Phù Đổng kiến nghị về sự việc trên. Đầu tháng 7 vừa qua, cán bộ tư pháp xã đã trực tiếp xuống thôn Đổng Viên, phối hợp với lãnh đạo thôn và tổ hòa giải gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan. Các hòa giải viên không kể sớm tối, kiên trì giải thích, vận động nên hai chị em bà V. và bà D. đã hiểu ra và thông cảm cho nhau, để bà V. tiếp tục xây nhà.

Theo bà Bùi Bích Phương – cán bộ Tư pháp kiêm Thanh tra, giải quyết đơn thư xã Phù Đổng, vai trò hòa giải của cán bộ thôn rất quan trọng, bởi họ phát huy được yếu tố tình làng nghĩa xóm. Hiện xã Phù Đổng có 6 tổ hòa giải ở 6 thôn, mỗi tổ 10 thành viên bao gồm lãnh đạo thôn và những công dân có uy tín, có hiểu biết pháp luật. Tỷ lệ hòa giải thành những năm gần đây đều đạt 90%. Từ đầu năm đến nay, toàn xã có 17 vụ đơn thư, đã giải quyết thành công 14 vụ, 3 vụ còn lại đang trong quá trình giải quyết. Trên địa bàn xã không có vụ khiếu kiện nại phức tạp.

Bà Phương cũng cho biết, khi nhận được đơn thư, bộ phận chuyên môn sẽ ghi phiếu tiếp nhận, sau đó tiến hành phân loại. Đơn thư thuộc lĩnh vực nào sẽ giao cho cán bộ của lĩnh vực đó giải quyết. Nhờ thế các vụ việc đều được giải quyết nhanh gọn, đúng thời hạn và quy trình, đem lại niềm tin cho Nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn của công tác hòa giải ở cơ sở là nhận thức của người dân nông thôn còn chưa cao, kiến thức về pháp luật hạn chế, do đó còn có những vụ việc phải giải thích, vận động nhiều lần.

Để nâng cao kiến thức cho hòa giải viên cấp cơ sở, UBND huyện Gia Lâm và xã Phù Đổng đã tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức các hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ Luật Dân sự và kỹ năng hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, họp dân, trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương.