Thông điệp gia đình văn hóa bắt đầu từ sự giản dị

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/7, Sở VH&TT Hà Nội bắt đầu khởi động “Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu TP Hà Nội năm 2019”. Qua các tiết mục, vai trò, giá trị của gia đình đối với sự phát triển của xã hội một lần nữa được khẳng định, từng bức xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

 Tiết mục tham gia “Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu TP Hà Nội năm 2019”. Ảnh: Minh An
“Cây nhà lá vườn”

Trên sân khấu mộc mạc, giản dị của “Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu TP Hà Nội năm 2019”, 13 gia đình văn hóa tiêu biểu, đại diện cho 13 quận, huyện, thị xã đã trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc, mang thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình. Các gia đình tự chuẩn bị đạo cụ, âm nhạc và hình thức trình diễn.

Ý tưởng của các tiết mục biểu diễn đều xuất phát từ những câu chuyện thực tế. Ở đó, thông điệp được gửi gắm đến người xem gần gũi, mang hơi thở cuộc sống. Tiểu phẩm “Mái ấm” của gia đình Nguyễn Xuân Phương và Nguyễn Thị Chung đến từ phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đã đề cập đến cách ứng xử giữa bố mẹ và con cái. Trong tiểu phẩm, gia đình 3 thế hệ gồm ông bà – cha mẹ và con đã chia sẻ câu chuyện người bố mải mê với giao dịch trên sàn chứng khoán, mẹ bận bán hàng online, đến cả bà nội cũng bận với việc “lướt Facebook”, không quan tâm đến con cái. Trong tiểu phẩm này, ai cũng có lý do riêng và đổ lỗi cho người khác vô tâm. Họ chỉ nhận ra sai lầm khi con cái có những biểu hiện trầm cảm, thậm chí tiêu cực.

Bên cạnh những tiết mục văn nghệ, kịch đề cập đến những góc khuất trong cuộc sống, các tiết mục tham gia liên hoan cũng tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của gia đình. Lấy bối cảnh chiến tranh khốc liệt, liên khúc “Niềm vui gia đình” của gia đình ông Nguyễn Văn Hà (xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây) đã truyền tải đến khán giả những giá trị gia đình truyền thống. Đó là sự yêu thương, đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau của mỗi thành viên trong gia đình với nhau, hơn hết đó là giá trị của sự sum vầy, đoàn tụ khi đất nước có hòa bình.

Sáng tạo hình thức tuyên truyền

Thời gian qua, việc triển khai xây dựng các danh hiệu văn hóa nói chung và gia đình văn hóa nói riêng đã có cách làm phù hợp với bản sắc, phong tục, tập quán của Nhân dân từng địa bàn cụ thể. Từ gia đình văn hóa, những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống được duy trì, phát huy; các giá trị đạo đức được hun đúc; những nền nếp gia phong như con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh em đoàn kết, thuận hòa... được kết tinh, quy tụ.

Tham gia “Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu TP Hà Nội năm 2019”, chị Nguyễn Thị Minh Thu (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá một gia đình văn hóa, ngoài nền tảng về văn hóa thì mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, sự quan tâm, chăm sóc giữa các thế hệ trong gia đình cũng phải rất tốt. Bên cạnh đó, gia đình văn hóa cần đáp ứng được tiêu chí luôn luôn chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương. Tôi nhận thấy rằng, tỷ lệ các gia đình văn hóa của các các quận, huyện năm sau thường sau cao hơn năm trước. Điều đó cho thấy, dân trí đã được nâng cao hơn”.

Bà Phạm Thị Thủy – Gia đình văn hóa phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Gia đình tôi có nhiều thế hệ nên khi tham gia các chương trình, hoạt động của tổ dân phố mỗi thành viên đều cố gắng lựa chọn hình thức phù hợp, hay loại hình mình có năng khiếu để tham gia, như CLB dưỡng sinh, yoga, đàn hát dân ca… Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng tích cực tham gia vào việc tổng vệ sinh ngõ, phố vào thứ Bảy hàng tuần.

Đến với cuộc “Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu TP Hà Nội năm 2019” để thấy rằng, những thông điệp về gia đình văn hóa không phải là những câu chuyện tuyên truyền mang tính khẩu hiệu mà những việc làm giản dị nhất lại tác động hiệu quả đến người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần