Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông điệp từ hội nghị thượng đỉnh COP26

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu (BĐKH) của Liên Hợp quốc 2021 vừa kết thúc ở Anh. Tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Nỗ lực của Việt Nam

Theo các nhà khoa học, BĐKH xuất phát từ sự thay đổi cán cân năng lượng của trái đất do thay đổi nồng độ các khí nhà kính, nồng độ bụi trong khí quyển, thảm phủ và lượng bức xạ mặt trời. Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,70C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, càng ngày càng chịu sự tác động mạnh mẽ bởi hiện tượng El-Nino, La-Nina. Với đường bờ biển dài trên 3.260km, các vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH nhất là khu vực ven biển tập trung đông dân cư và nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng nhất, đặc biệt là hai đồng bằng châu thổ lớn là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Các khu vực khác trong nội địa (như Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên) là nơi có địa hình đồi núi cao dễ bị tác động của hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng và bệnh tật… Cùng với đó, giao thông và các ngành như năng lượng, xây dựng, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp và quản lý chất thải đã và đang là các nguồn phát thải khí nhà kính, gây ảnh hướng tới môi trường.

 Trồng rừng ngập mặn chống biến đối khí hậu. Ảnh: Internet

Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động tham gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với BĐKH. Đồng thời từng bước xây dựng và ban hành các chính sách về giảm phát thải khí nhà kính nhằm huy động hệ thống chính trị tham gia vào nỗ lực ứng phó với BĐKH toàn cầu. Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH vào năm 2015. Năm 2020, Việt Nam gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH NDC cập nhật. Việt Nam cam kết với quốc tế bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương. Cùng với đó, tiếp tục giảm rất mạnh điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2045, nội luật hoá các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Việt Nam đang triển khai tích cực chương trình trồng một tỷ cây xanh đến năm 2025 và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.

Cuối tháng 4/2021, tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trực tuyến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định, là một nước chịu tác động lớn bởi BĐKH, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với BĐKH. Đặc biệt mới đây, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về việc Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thủ tướng đã đề nghị đưa ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi DN và người dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại cuộc gặp với kiều bào ta tại Vương quốc Anh, ngay sau khi vừa đặt chân đến đây để tham dự COP26, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh, mặc dù nền kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu quyết tâm thực hiện cam kết quốc tế. Bởi Việt Nam là một đất nước có trách nhiệm và chủ động tham gia các cam kết tiến bộ cùng cộng đồng quốc tế. Tại các cuộc gặp, các tổ chức, tập đoàn, DN lớn trên thế giới tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam và đã có những ký kết quan trọng mở ra cơ hội cho chúng ta tiếp cận được với tri thức, công nghệ, tài chính xanh để thực hiện được chủ trương tái cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn.

Giải pháp hiệu quả cho tương lai

Trao đổi xoay quanh việc thực hiện cam kết nói trên của Việt Nam, TS Võ Đình Trí - trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam là quốc gia được thế giới để ý đến nhiều vì tác động của BĐKH cũng như vị trí chiến lược trong khu vực. Các dự án hướng đến cân bằng khí thải sẽ là điểm thuận lợi của Việt Nam để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, như điện mặt trời và điện gió, nằm trong ưu tiên của chương trình đầu tư lớn hướng đến những quốc gia đang phát triển.

Ngay tự bản thân nhu cầu nội tại của Việt Nam thời gian qua cũng đã phát triển thị trường điện mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, sau COP26, các dự án đầu tư cho 2 nguồn năng lượng này sẽ tăng đáng kể, đặc biệt là nguồn vốn quốc tế. Do đó, Việt Nam có thể tận dụng để phát triển, nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, giảm tỷ lệ sử dụng năng lượng hóa thạch, mà còn có thể hướng đến thị trường xuất khẩu điện, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo với hệ sinh thái khép kín. Quan trọng là thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng sạch.

Tuy nhiên, TS Võ Đình Trí cho rằng, để được như vậy, các dự án cần có chuẩn bị chu đáo, hướng đến chuẩn mực quốc tế, đánh giá dựa vào nghiên cứu để có thể thuyết phục được nhà đầu tư. Và như gợi ý từ COP26, các báo cáo này cần có sự tham gia của những nhà khoa học đầu ngành uy tín, cơ quan quản lý, nhất là các tổ chức dân sự. Vì thực tế, các dự án thân thiện với môi trường thường bị chỉ trích là “làm màu”. Bởi nó thiếu hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chuẩn hoặc hệ thống đánh giá có nhưng không dựa vào các tiêu chí khoa học nên khó kiểm chứng được.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, để thực hiện cam kết của Việt Nam, vấn đề quan trọng vẫn là sự hỗ trợ về chính sách tài chính và quy định, bên cạnh việc định giá phát thải carbon để bảo đảm rằng các nền kinh tế có thể giảm lượng khí thải ở tốc độ cần thiết, hợp lý. Nhưng tài chính khí hậu không chỉ đơn giản là một con số tổng hợp. Nó cần phải phù hợp với nhu cầu, số lượng, mục đích của nơi tiếp nhận tài trợ và phải bao phủ tất cả các lĩnh vực cần thiết để giúp đối phó tốt hơn với tác động của BĐKH.

Theo Liên Hợp quốc, “phát thải ròng bằng 0” có nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, thí dụ thông qua chuyển sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo sạch. Bên cạnh đó, tất cả các khí thải còn lại phải được tái hấp thụ bởi rừng và đại dương "khỏe mạnh".


"DN cần được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn và kết nối để chủ động tương tác với nhau, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thích ứng với BĐKH, dịch bệnh. Điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ của DN, thúc đẩy DN sẵn sàng đầu tư để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Từ đó tạo nên một cộng đồng DN “kiên cường” (resilient) trước thiên tai, BĐKH và dịch bệnh." - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh