Thông điệp từ khủng hoảng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần 2 năm Syria rơi vào cuộc khủng hoảng khiến khoảng 60.000 người thiệt mạng, bài phát biểu của Tổng thống Bashar al-Assad hôm 6/1 đã phát đi thông điệp, mong muốn đưa đưa quốc gia Trung Đông trở về quỹ đạo ổn định vốn có.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước dân chúng từ nhiều tháng qua, vị Tổng thống 47 tuổi này đã bày tỏ quan điểm về việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Đồng thời cũng nhắc tới những thoả thuận mới nhất đạt được trong cuộc họp của Ngoại trưởng các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc tại Geneva của Thuỵ Sỹ. Đặc biệt, ông al-Assad đã đề cập đến kế hoạch gồm 5 điểm, trong đó có việc thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn được đặt dưới sự theo dõi của các quan sát viên Liên Hợp quốc. Ông al-Assad cũng đồng ý lập Ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới và Chính phủ đoàn kết dân tộc, từ đó sẽ tiến hành "cuộc bầu cử tự do bầu Quốc hội trong sự giám sát quốc tế". Mặc dù thông điệp từ trong khủng hoảng cho thấy sự xuống nước đáng kể của nhà lãnh đạo Syria nhưng các thế lực đối lập cho rằng việc ông al-Assad từ chức "là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ giao kèo chính trị nào" để chấm dứt cảnh đổ máu tại quốc gia này. Tuy nhiên, như đã nhiều lần khẳng định về việc "sống và chết tại Syria", Tổng thống al-Assad chắc chắn sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng bất chấp việc đang bị cả phương Tây lẫn lực lượng nước ngoài dồn ép trên chính trường, chiến trường.

Thông điệp từ khủng hoảng - Ảnh 1

Tổng thống Syria - Bashar al - Assad

Xung quanh mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan, việc quân đội Mỹ sử dụng máy bay không kích các mục tiêu tại quốc gia Nam Á này trong những ngày qua đã một lần nữa thách thức tình đồng minh giữa hai nước. Bất chấp việc Mỹ nêu ra lý do truy quét và tiêu diệt các phần tử khủng bố, cực đoan đang trú ẩn tại đây, hàng nghìn thành viên bộ lạc đã tổ chức các cuộc tuần hành phản đối.

Trước đó, từ hôm 3/1, bất chấp thời tiết giá lạnh đang đe dọa nhiều quốc gia, quan hệ Anh - Argentina lại "nóng" lên bởi những tranh cãi liên quan đến lãnh thổ. Thủ tướng Anh David Cameron lên tiếng bác bỏ đề nghị của Tổng thống Argentina Cristina Fernández khi bà muốn Anh trao trả chủ quyền quần đảo Falkland mà phía Argentina gọi là Malvinas; đồng thời khẳng định "sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ lợi ích" của người dân ở quần đảo phía Nam Đại Tây Dương này. Động thái này một lần nữa trở thành nguy cơ thổi bùng cuộc tranh cãi kéo dài suốt 30 năm qua giữa Anh và Argentina. Tuy nhiên, việc Anh đang ở trong tâm bão nợ công còn Argentina đang ở giữa vòng xoáy của bất ổn do suy giảm kinh tế, việc London và Buenos Aires đẩy mâu thuẫn thành một cuộc xung đột sẽ rất khó xảy ra.

Những diễn biến trên cho thấy nguy cơ xảy ra bất ổn tại khu vực Trung Đông, làm rạn nứt quan hệ giữa Mỹ - Pakistran và giữa Anh - Argentina là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, từ trong khủng hoảng, vẫn có nhiều thông điệp được phát đi, cho thấy các bên vẫn đang cố gắng để cân nhắc và đặt lợi ích của quốc gia và dân tộc mình lên trên hết. 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần