Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Ba nàng công chúa chịu ép duyên vì nước, vì vua

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nói về ba nàng công chúa của triều Trần: Ngoạn Thiềm, An Tư và Huyền Trân. Cả ba nàng đã đành chấp nhận ép phận trao duyên cho những người xa lạ, trở thành tín chấp cho những cuộc hôn nhân chính trị của vương triều nhà Trần.

Hình tượng Huyền Trân Công chúa trên bìa sách.
Công chúa Ngoạn Thiềm - lấy chồng như ra trận
Nhà Lý, từ đời Cao Tông, suy yếu trầm trọng. Loạn Quách Bốc làm cho triều chính thêm rối loạn. Năm 2010, Cao Tông chết, Huệ Tông lên ngôi, tình hình càng hỗn loạn. Lúc này hình thành 3 thế lực lớn: Họ Đoàn, Đoàn Thượng (Hải Dương và Hải Phòng); họ Trần, Trần Tự Khánh (Thái Bình, Nam Định và nam Hưng Yên); họ Nguyễn, Nguyễn Nộn (Quốc Oai, Hà Tây). Triều đình nhà Lý chỉ kiểm soát vùng xung quanh Thăng Long. Vương Triều lý cơ bản bị họ Trần thao túng.
Năm 1225, nhà Trần đoạt ngôi nhà Lý bằng một cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh do Trần Thủ Độ bày đặt.
Nhà Trần những năm đầu chưa đủ mạnh để đánh dẹp các thế lực cát cứ. Trần Thủ Độ vừa phủ dụ vừa ly gián, khích bác để bọn họ đánh giết nhau. Thậm chí dùng cả mỹ nhân kế để từng bước loại trừ đối thủ. Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) chép:
“Năm Bính Tuất (1226) [……]. Đem các cung nhân của Lý Huệ Tông và các con gái thân thích họ Lý gả cho các từ trưởng người Man”.
Tháng 12 năm 1228, Nguyễn Nộn đánh bại rồi giết chết Đoàn Thượng, gộp cả quân của Thượng thành một thế lực rất lớn. “Thủ Độ lo lắm, chia quân chống giữ và sai sứ mang sắc thư đến mừng, gia phong làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương; đem công chúa Ngoạn Thiềm gả cho để ngầm dò la tin tức. Nộ cũng chia nha trướng cho công chúa ở riêng, vì thế công chúa không được thông tin gì cả”. (Toàn thư).
Tháng 3 năm 1229, Nguyễn Nộn tự xưng là Đại Thắng Vương. Tự biết thế mình không thể thắng nhà Trần, định đến tháng 10 sẽ vào chầu, song còn do dự thì cuối năm đó ông ốm nặng. Triều đình sai người tới thăm, ông cố gượng ăn cơm, phi ngựa để tỏ ra còn khoẻ mạnh. Nhưng không bao lâu thì ông qua đời. Lực lượng của ông nhanh chóng tan rã.
Tiếc là ngoài một dòng ngắn ngủi trong Toàn thư, chính sử nước nhà không hề có thông tin nào khác nữa về bà. Bà lấy chồng như ra trận nhưng đã bị lãng quên một cách nhanh chóng.
An Tư - nàng công chúa “làm thư giãn loạn nước”
Công chúa là con gái út của Trần Thái Tông, em gái của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông. Vì lẽ đó, bà cũng được gọi là Hoàng quý muội có nghĩa là út, nhỏ tuổi nhất. Không rõ bà sinh - mất năm nào.
Trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ 2, đầu năm 1285, quân Nguyên đã tiến vào thành Thăng Long.
Vua Trần và đại quân rút lui theo đường sông Hồng về hướng phủ Thiên Trường (Nam Định). Quân Nguyên chia làm 2 đường thủy bộ đuổi theo.
Trần Bình Trọng chỉ huy chặn đánh quân Nguyên ở bãi Đà Mạc (Khoái hâu, Hưng Yên) nhưng thua. Trần Bình Trọng bị bắt và hy sinh.
Cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 1285, đạo quân của Toa Đô tiến đánh Nghệ An. Trần Kiện đầu hàng. Mặt trận Nghệ An bị vỡ, Toa Đô tiến lên Thanh Hóa rồi dừng lại ở Ninh Bình. Đại quân do vua Trần chỉ huy ở Thiên Trường và Trường Yên lâm vào thế bị ép từ 2 mặt Bắc-Nam. Để tìm cách hoãn binh, vua Trần Thánh Tông sai Trần Dương đi sứ đến chỗ Thoát Hoan xin cầu hòa, và sai Đào Kiên mang công chúa An Tư là em út của Trần Thánh Tông đến cho Thoát Hoan. Thoát Hoan giam giữ Trần Dương và sai người đến đòi vua Trần đến gặp, nhưng vua Trần không nghe, tiếp tục rút chạy. Thoát Hoan đuổi theo. Trần Quốc Tuấn phải bỏ Vạn Kiếp về đưa 2 vua từ Thiên Trường dùng thuyền nhỏ đi qua cửa Giao Hải (cửa sông Hồng ở huyện Xuân Thủy, Nam Định) đi ra biển, ngược lên phía bắc rồi quay vào Tam Trĩ Nguyên (sông Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh). Từ đây, vua Trần lại vượt biển vào Thanh Hóa thoát khỏi thế bị kìm kẹp và truy đuổi của đối phương và tổ chức phản công thắng lợi.
Về cuộc hôn nhân này, An Nam chí lược của Lê Tắc, ghi lại sớm nhất:
"Năm Ất Dậu, Chí Nguyên (1285)... Ngày Kỷ Dậu (mồng 6), Giảo Kỳ suất bọn Chương Hiến hầu đánh phá quân của người em Thế tử (có lẽ nói Trần Thánh Tông) là Thái úy Trần Khải tại bến đò Phú Tân, chém ngàn người, Thanh Hoá và Nghệ An đều đầu hàng. Vua Trần sợ, khiến người trong họ là Trung Hiến hầu Trần Dương xin hoà. Lại sai kẻ Cận thị là Đào Kiên đưa bà chúa em vua cho Trấn Nam Vương xin hòa giải".
Sau đó, Toàn thư ghi: "Tháng 2 (Ất Dậu)... Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy".
Ngô Thì Sỹ trong Việt sử tiêu án ghi: "Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước".
An Tư công chúa đã kéo giãn thời gian để vua Trần đối phó với quân Minh trong tình thế nguy nan nhất. Ngoài sự kiện này, các sách sử không ghi chép gì thêm. Tuy nhiên, có ghi nhận cho rằng hình như An Tư công chúa về sau có hai con với Thoát Hoan (?).
Huyền Trân công chúa mang hai châu Ô, Rý về cho nước Việt
Công chúa là con gái vua Trần Nhân tông, em gái vua Trần Anh Tông. Mẹ bà là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu – trưởng nữ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn(?). Bà sinh năm 1287, mất năm 1340. Về bà, các sách sử ghi rằng: Năm 1301, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời của vua Chế Mân, du ngoạn Champa suốt 9 tháng. Tại đây, ông được tiếp đãi nồng hậu. Khi ra về, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông hứa gả con gái cho vua Chế Mân, mặc dù lúc đó ông ta đã có 2 hoàng hậu. Sau đó, Chế Mân nhiều lần cho sứ sang hỏi về việc hôn lễ. Nhà vua chần chừ, nhiều quan lại phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Trần Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung tán thành. Chỉ đến năm Bính Ngọ (1307), khi vua Champa dâng hai châu Ô, Rý/Lý làm hồi môn thì vua Anh Tông mới đồng ý gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Công chúa Huyền Trân về Champa được phong làm Vương hậu thứ 2, hiệu là Paramecvari.
Một năm sau hôn lễ, tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), vua Chế Mân chết. Theo Toàn thư ghi thì Trần Anh Tông khi đó nghe rằng, theo tục nước Chiêm, Quốc vương chết thì Vương hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn táng. Vua liền cử Hành khiển Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu công chúa. Trần Khắc Chung cứu được công chúa, đưa về Đại Việt sau một năm bằng đường biển.
Về sau, các sách sử không còn bất kỳ ghi chép nào về bà nữa.
Theo dã sử và thần tích tại đền thờ của bà, sau khi trở về Thăng Long thì theo di mệnh của Thái Thượng hoàng, công chúa xuất gia ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh). Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng.
Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ. Các triều đại sau đều sắc phong công chúa Huyền Trân là Thần hộ quốc.
Hôn nhân của ba nàng công chúa nhà Trần đều đẫm nước mắt vì đó là hôn nhân chính trị, tính toán lợi ích hết sức rõ ràng. Cả ba nàng đều bị trở thành một thứ tín chấp để trao đổi của triều đình, của nhà vua với đối phương. Thực dụng nhất là hôn nhân Ngoạn Thiềm - Nguyễn Nộn. Cay đắng và nhục nhã nhất là cuộc hôn nhân An Tư - Thoát Hoan. Nhẹ nhàng và có vẻ thanh bình nhất là cuộc hôn nhân Huyền Trân - Chế Mân. Nhưng, đó là cuộc trao đổi có giá cao nhất. Tất cả các cuộc hôn nhân đều không có tình yêu. Nếu có, chỉ một người duy nhất, là Chế Mân. Các nàng công chúa đều biết rõ điều đó. Trước mắt là cuộc hôn nhân, kể cả mạng sống cũng không thể đoán định được kết cục, nhưng họ vẫn gạt nước mắt chấp nhận vì đạo hiếu Cha - Con, nghĩa Vua - Tôi. Họ trung thành và sẵn sàng hy sinh vì ý chí của vua, vì lợi ích của vương triều. Họ đến với hôn nhân không hề khác những người lính xung trận.
Các nàng công chúa đều biết rõ mục đích của các cuộc hôn nhân của mình. Trước mắt là cuộc hôn nhân, kể cả mạng sống cũng không thể đoán định được kết cục, nhưng họ vẫn gạt nước mắt chấp nhận vì đạo hiếu Cha - Con, nghĩa Vua -Tôi. Họ trung thành và sẵn sàng hy sinh vì ý chí của vua, vì lợi ích của vương triều.