[Thông điệp từ lịch sử] Ba nhà khoa bảng Hán học phê phán tật xấu của người Việt

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu thế kỷ XX, Việt Nam ở vào tình thế không thể không duy tân, mà điểm khởi đầu là văn hóa, giáo dục. Các nhà duy tân đều nhìn thấy và chủ trương phê phán cái cũ lạc hậu, hủ lậu để tiếp nhận cái mới, xây dựng cái mới. Điều đáng nói là các nhà khoa bảng Hán/cựu học cũng phê phán rất mạnh mẽ và xác đáng.

Phan Bội Châu chỉ ra năm “điều ngu”
Trong cuộc đời hoạt động của mình, sống trong môi trường Nho giáo nhưng ông không ngần ngại chỉ ra nhiều tật xấu của dân ta. Nhất là tệ mê tín dị đoan, xa hoa, lãng phí, người giàu kẻ nghèo đều bị những hủ tục trói buộc.

Ông cho rằng: “Mê tín sinh ra những việc nực cười. Ngày giờ nào cũng là trời bày định mà bảo rằng có ngày dữ ngày lành; núi sông nào cũng là đất tự nhiên mà bảo rằng có đất tốt đất xấu; vì nấu ăn mới có bếp mà bảo rằng có ông thần táo; vì che mưa gió mới có nhà mà bảo rằng có ông thần nhà; cho đến thần cửa thần đường, thần cầu tài, thần cầu tử, trăm việc gì cũng trông mong vào thần; kết quả thần chẳng thấy đâu, chỉ thấy những cửa nát nhà tan, của mòn người hết, tin thần bao nhiêu thì tai họa bấy nhiêu…”. (Cao đẳng quốc dân, 1928).

Ông phê phán việc tang ma tốn kém: “Có người nhân việc cha mẹ chết, muốn lấy tiếng là có hiếu mà giết bò giết dê thổi kèn đánh trống ầm ĩ suốt ngày lấy việc buồn làm việc vui. Bạn bè thân thích, họ hàng làng xóm đáng lẽ không nỡ nhìn cảnh xa xỉ phí phao ấy, như thế mới đúng. Nay lại đòi hỏi rượu tiền, sắm sanh lễ vật, thử hỏi đạo làm người có nên như thế không? Cốt cho no say, vô ích đối với người sống, vô ích đối với người chết, những việc hao tiền tốn của kể không biết bao nhiêu ức vạn triệu”. (Việt Nam quốc sử khảo, 1908).
  Ba nhà khoa bảng Hán học phê phán tật xấu của người Việt.
Trong lúc hô hào, tổ chức nhân quần chống Pháp, tức là đang rất cần sự ủng hộ của đông đảo đồng bào nhưng ông vẫn không e dè, né tránh chỉ ra, phê phán những thói hư tật xấu, những nhận thức nông cạn, tầm nhìn hạn chế của dân mình cản trở công cuộc duy tân cứu nước. Trong sách Việt Nam quốc sử khảo, chương Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí của nước ta, ông viết: “(...) Vì vậy, giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết:

"Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất.

"Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai.

"Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba.

"Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư.

"Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm.

"Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi”.

Sự phê phán này thiết nghĩ cũng là nhằm mở mang tầm nhìn cho quốc dân.

Huỳnh Thúc Kháng chỉ ra bốn tật xấu

Là nhà duy tân tiên phong, ông cũng có cái nhìn sâu sắc và phê phán tình trạng văn hóa lạc hậu và dân khí yếu kém của nước nhà, đặc biệt là giới quan lại. Trên báo Tiếng dân, năm 1929, Huỳnh Thúc Kháng đã thẳng thắn chỉ ra bốn tật xấu của người Việt Nam:

“Một là, học để làm quan: Người sinh ra ở đời có học mà không khôn mới làm hết được bổn phận làm người. Làm quan chẳng qua là một việc trong sự làm người đó mà thôi. Thế mà người mình có cái tính di truyền “đi học cốt để làm quan", cha truyền con nối, trước bày nay làm, dầu cho ngày nay phép học phép thi đổi ra cách mới, mà người đi học vẫn ôm cái hy vọng làm quan chủ chốt.

"Hai là, làm quan ăn lót: Làm quan... cốt là mượn cái địa vị thế lực mà làm cái lợi riêng, thói ăn của dân cho là cái quyền lợi tự nhiên mình được hưởng, tập dữ tính thành không ai cho là điều quái lạ hổ thẹn.

"Ba là, a dua người quyền quý. Ngu dốt mà cũng tán rằng thông minh, bạo ngược mà cũng tán rằng nhân đức... Bất cứ việc gì người ta thế nào, đã là quyền quý thì cứ nhắm mắt tán dương.

"Bốn là, trọng xác thịt (tức trọng vật chất - NV): Ngoài sự ăn sung mặc sướng ở yên ra, gần như không có tư tưởng gì. Đối với kẻ khác cũng lấy cái mục đích đó mà xem xét. Nghĩa là không hỏi nhân cách thế nào, mà chỉ thấy ăn mặc xa hoa, lầu cao nhà lớn thì sinh lòng hâm mộ, dầu có hại nòi nát giống, mà đạt được mục đích thì cũng không từ”.

Phan Chu Trinh phê phán giới có học bạc nhược, kiêu căng

Ông cho rằng sự hủ lậu của nền văn hóa trách nhiệm đầu tiên là của giới có học, là do sự bạc nhược nhưng kiêu căng của họ. Trong Đạo đức và luân lý Đông Tây, năm 1925, Phan Chu Trinh viết: “Tôi xem thấy lắm người danh dự không bằng ai, học thức không hơn ai, nhắm lại mình chưa khỏi hai chữ “đầy tớ người” mà khi ra đời với đồng bào đồng chủng đã có ý kiêu căng, bảo là thầy đây! Ta là ông đây!”.

Ông cảnh tỉnh: “Thầy đây, ông đây đã làm được điều ích lợi cho bọn chân lấm tay bùn kia chưa? Tôi cũng đã từng thấy nhiều người viết báo than thở rằng đạo đức nước nhà trụy lạc nhưng nói như nước chảy lá môn chẳng có hiệu quả gì. Vì sao vậy? Là vì các ông nói mà các ông ít chịu thực hành thì người ta không giám theo các ông cũng là phải. Huống chi luân lý các ông giảng đó tự tệ tục của chế độ chuyên chế tạo ra, không chính đáng, không hợp thời thì người ta không thèm nghe cũng không có gì là lạ”.

Ông tìm thấy nguyên nhân sâu xa: “Có lẽ da thịt huyết túy của người nước mình mấy ngàn năm nay đã bị cái hấp lực của huyết dẫn người Tàu chi phối hết cả, nên ngày nay đành làm nộm rối cho người Tàu mà không tự biết chăng? […] thầy hay bạn giỏi ở một bên mà không biết gắng sức bắt chước bước theo. Thậm nữa trằn trọc tráo trở, một hai toan tìm một nước thứ ba nào yêu thương mình mà vui lòng làm tôi tớ”. (Hiện trạng vấn đề, 1907).

Yêu nước, tự hào dân tộc nhưng ông vẫn thẳng thắn nhìn thấy hiện tình dân khí bạc nhược, chỉ biết mưu danh lợi bản thân. Năm 1906, ông đã thấy: “Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu cũng không dám ho he một tiếng”.

Chưa hết, ông còn thấy “Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích, là bởi ba bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, hám bả vinh hoa của các triều vua, mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết có vua chẳng biết có dân”. Theo ông, còn do dân mình không chịu học hỏi gương sáng của thiên hạ. “Người nước ta thường tự xưng là đống loại, đồng đạo, đồng văn với Nhật Bản, thấy họ tiến thì nức nở khen chứ không khi nào chịu xét vì sao họ được tiến tới như thế?”. (Đạo đức và luân lý Đông Tây,1925).

Ông chua xót nhận ra “dân tộc Việt Nam không phải không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm nay mà vẫn còn mê mê muội muội bịt mắt, vít tai không chịu xem xét, không chịu học hỏi lấy cái hay cái khéo của người”. Và “Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý”. Vì dân trí thấp nên lắm hủ tục, mất đoàn kết, khó chống được ai. “Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức. […], quyết không thể sống nổi trong thế giới này, lại còn chống cự ai được nữa”. (Thư gửi Chính phủ Pháp, 1906).q

Phê phán sâu sắc, thậm chí nặng nề, nhưng các ông không phải không tôn quý văn hóa dân tộc, không tôn quý đồng bào và đau xót trước hiện trạng này. Xuất thân từ môi trường Nho giáo, các ông hiểu đó là hậu quả của học thuyết, nền văn hóa - giáo dục này đã lỗi thời, lạc hậu. Sự phê phán, và cũng là tự phê phán này, nhằm hướng đồng bào tiến tới một nền văn hóa, giáo dục hiện đại, văn minh để “làm mới dân tộc”, đủ sức tự chủ, tự lực, tự cường cho công cuộc giành độc lập dân tộc. Thiết nghĩ đây cũng là bài học rất có ích cho hôm nay.