Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Chữ “nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh nhiều văn nhân đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) - người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) - nổi lên như một hiện tượng văn học tiêu biểu, một “đại thụ” văn hóa dân tộc thế kỷ XV, thể hiện trên phương diện số lượng tác phẩm, ở các giá trị văn hóa tinh thần thời đại cũng như khả năng kết hợp giữa việc tinh lọc, nâng cấp vốn tri thức bác học với việc phổ cập, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong toàn bộ đời sống xã hội.

Sống giữa thời loạn lạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm hiểu được phần nào cuộc huynh đệ tương tàn giữa các thế lực Lê - Mạc - Trịnh - Nguyễn, ở đó Nhân dân không được lợi gì, đất nước không được lợi gì.
Ông từng dấn thân nhập cuộc, từng thi đỗ Trạng nguyên, từng hăm hở tham gia chính sự nhưng rồi lại thất vọng. Khi treo mũ từ quan trở về quê cũ, Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện tiếp chí nguyện lập quán xây chùa, mở trường dạy học, dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Và đó cũng là tên của tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập, tập thơ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi.
Nơi vắng vẻ
Bạch Vân! - đám mây trắng ấy sau khi đã trôi nổi khắp chốn hoạn lộ kinh kỳ, bây giờ neo lại nơi bến gốc quê hương. Có lẽ cũng phải đến lúc này, cái vốn trải đời, suy nghiệm mọi lẽ đời mới đủ độ kết tinh trong những vần thơ thế sự và triết lý thế sự của ông qua bài thơ Nhàn: Một mai, một cuốc, một cần câu/ Thơ thẩn dầu ai vui thú nào/ Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao/ Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao/ Rượu, đến cội cây ta sẽ uống/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Xem ra, phải sau thời Nguyễn Trãi, và đẩy thành vấn đề trung tâm trực diện hơn Nguyễn Trãi, chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt đạo đức thành vấn đề đạo lý, triết lý về đạo đức bằng thước đo thế sự, cuộc sống đời thường. Dường như trước những biến thiên dữ dội của thời cuộc, ông thấy các giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn, thấy con người trở nên vị kỷ hơn, vụ lợi hơn.
Ông đau đời, phê phán thế thái nhân tình, đạo lý suy vi và tìm đến sự hòa giải nội tâm bằng lối sống gián cách với cõi đời. Ông tìm về cuộc sống nơi thôn dã, vui với việc "cày nhàn câu vắng", tự mình thích thảng với lòng mình, tạm quên hết sự đời "dầu ai vui thú nào".
Phần nhiều những suy tưởng triết lý theo tinh thần Lão - Trang được ông đúc kết, lược qui về thước đo thế sự, hệ qui chiếu kinh nghiệm thế sự. Đã hơn một lần ông lên tiếng phê phán, chối bỏ lối sống đô hội thị thành trên các phương diện thế sự, đạo lý, tìm đến lối sống tự tại, không đua tranh: Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao...
Cái "chốn lao xao" đó chính là nơi đô hội đầy những sự nhân vi, toan tính, bon chen mà Nguyễn Bỉnh Khiêm từng chiêm nghiệm, chán ghét, chối bỏ và thể hiện trong nhiều bài thơ Nôm khác: Thành thị vốn đua tranh giành giật (Thơ Nôm - bài 79); Vật vờ thành thị làm chi nữa (Thơ Nôm - bài 61); Đường lợi há theo thị tỉnh (Thơ Nôm - bài 142...
Đối lập lại, ông đề cao lối sống dân dã, thanh đạm, kiệm cần, đề cao “nơi vắng vẻ”, rất mực coi trọng tinh thần tự tại bằng lối nói nhún nhường "Ta dại...", thực hiện sự hòa giải bằng ảo tưởng với chính mình và gián cách với số đông, bỏ mặc “dầu ai vui”, "người đến chốn lao xao"...
Đó là sự minh triết theo lối ứng xử nhà nho "Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng" (Dùng thì tham gia hành đạo, bỏ thì lui về ẩn dật) cộng hưởng với quan niệm hòa hợp trong thế giới tự nhiên của tư tưởng Lão - Trang, đồng thời cũng chính là sự lựa chọn của Nguyễn Bỉnh Khiêm với ý nghĩa là sản phẩm kết tụ tinh thần thời đại bấy giờ.
Xử thế cầu nhàn
Gửi chí hướng về nơi thôn dã, Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục cụ thể hóa bằng một đời sống tinh thần và lề lối sinh hoạt hòa hợp với môi trường sinh thái, điều kiện tự nhiên và cảnh trí thiên nhiên. Ông nương theo quy luật của đất trời, thuận theo chu kỳ sinh học, thời tiết bốn mùa: Thu ăn măng trúc, đông ăn giá - Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao... Đó là sự thể hiện một lối sống, một cách nói, một thái độ xử thế cầu nhàn, tìm đến rượu như một cách hưởng thụ tinh thần thanh cao, cách biệt cõi đời phàm tục: Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống - Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Cách coi thường phú quý, cách hình dung cuộc đời tựa như giấc chiêm bao chính là một phương diện trong tư tưởng cũng như cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm. Xét trong điều kiện và hoàn cảnh xã hội cụ thể, một thái độ sống như thế vẫn có những mặt hợp lý nhất định và đặc biệt có ý nghĩa như một phương thức bảo toàn chí hướng, di dưỡng tính tình và hoàn thiện nhân cách con người cá nhân - kẻ sĩ.
Với bài thơ Nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm bày tỏ thái độ cự tuyệt đời sống thị thành, chối bỏ mọi sự nhập cuộc, phê phán mọi biểu hiện có tính xu thế của xã hội mà ông lược quy vào cái gọi là “dầu ai vui thú nào”; khinh mạn lối sống giàu sang, công danh của "chốn lao xao", "phú quý"; tự mình rút lui và bằng lòng với giá trị thanh cao tưởng tượng, một sự thanh cao “không làm gì cả”, an trú trong sự nhàn nhã "Một mai, một cuốc...", "thơ thẩn", "tìm nơi vắng vẻ"...
Đương nhiên nó có sự hấp dẫn bởi vẻ đẹp đạo lý, cách biệt với “thói đời” và bộc lộ thái độ kẻ cả, đo nhìn cuộc sống theo quan niệm đạo đức nhà nho một chiều, không dễ chấp nhận những mầm mống lối sống mới, sự phát triển và đổi mới của đời sống tinh thần xã hội. Phải chăng đó là mối mâu thuẫn giữa nhận thức và lý tưởng, giữa khát vọng nhân văn và thực tại đời thường, giữa những tiêu chí đạo đức quy phạm và dấu hiệu cái mới đang vận động, nảy sinh?
Nguyễn Bỉnh Khiêm buộc phải trả giá cho bản tính thi sĩ và những ước vọng đầy tính ảo tưởng của mình: ý thức bảo vệ chuẩn mực đạo đức truyền thống không đồng hành với thực tiễn đời sống xã hội đang đòi hỏi được đổi thay, phát triển. Trên tất cả, ông hóa giải những phức tạp nội tâm bằng tinh thần tự tại và thái độ gián cách với thế tục, đứng trên thế tục. Ông thừa biết mọi điều mà cứ vờ nhận rằng mình dại - Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ!
Ông đã chứng kiến và chứng nghiệm lẽ đời, đã đi đến cùng mọi sự khôn dại - dại khôn để thấu hiểu: Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao. Phải trải qua tất cả cảnh đời trường đời như thế rồi Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đạt tới thế ứng xử văn hóa mang tinh thần triết lý về nhàn dật và tự tại. Một tinh thần nhàn dật và tự tại như thế nhiều khi biểu lộ cách nói hơn là hành động thực, một giải pháp tình thế hơn là chí hướng cả đời người, một sự độc tôn tâm trạng bất đắc chí hơn là khả năng tìm ra lối thoát tối ưu.
Chính vì thế mà Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhủ rằng mình cần phải biết bằng lòng với chính mình, phải gián cách với thế tục, song nhiều khi ông vẫn ám ảnh bởi hệ lụy về thân phận, lời khen chê, chốn công danh.
Xét cho cùng, chính hoàn cảnh lịch sử và cuộc đời riêng đã đổ bóng lên trang thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm hết sức rõ nét. Ông mong muốn sống với lý tưởng thanh nhàn, tự tại, hướng đến hoàn thiện nhân cách kiểu nhà nho nên thường đem đối lập với thói tục, người đời, xã hội rộng lớn. Trong cuộc đời thực, Nguyễn Bỉnh Khiêm từng xây am Bạch Vân, quán Trung Tân và chúng trở thành những hình ảnh, biểu tượng nghệ thuật sống động trở đi trở lại trong thơ ông.
Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc kiểu nhân cách nhà nho mang chí hướng hành đạo nhưng không gặp thời. Bài thơ Nhàn của ông in đậm dấu ấn tinh thần con người cá nhân trước một thời đại mất phương hướng, chao đảo, loạn lạc, nhiều đổi thay.
Đặt trong tương quan với nhiều tác phẩm thơ văn khác, các sáng tác của ông hàm chứa tính phức hợp của nhiều thế ứng xử văn hóa, nhiều phương án lựa chọn, nhiều cung bậc tâm trạng khác nhau.
Ông đã đưa ra thật nhiều cách thức hình dung về cuộc đời, soi nhìn cuộc sống từ nhiều góc cạnh, tự đặt mình trong mỗi tình huống cụ thể mà bài thơ Nhàn chỉ là một cách chiêm nghiệm riêng. Điều này đặt ra yêu cầu tiếp nhận thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm cần được xem xét trong tính tổng thể song cũng phải chú tới mối liên hệ giữa các đường hướng tâm trạng phù hợp với từng cảnh đời và chặng đường đời cụ thể.

Chí hướng của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được bày tỏ trong bài tựa tập thơ Am Bạch Vân: “Ôi, nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy, mà thơ lại là để nói chí. Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật. Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu, lúc về già chí thích nhàn dật, lấy cảnh núi non sông nước làm vui, rất là vụng về trong nghề thơ”...