Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Đặng Huy Trứ - chủ chiến nhưng phải canh tân

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh bị thực dân Pháp xâm lược, triều đình nhà Nguyễn phân hóa giữa đánh hay hòa, Đặng Huy Trứ chủ trương kháng chiến nhưng trước hết phải canh tân đất nước để có tiềm lực và sức mạnh.

Tư tưởng canh tân của ông chưa thành hiện thực nhưng ông mãi là một nhà văn hóa lớn, là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước thương dân và tài kinh bang tế thế.
Hành trình cuộc đời

Đặng Huy Trứ, tự là Hoàng Trung, hiệu là Vọng Tân và Tĩnh Trai, sinh ngày 16/5/1825 tại làng Thanh Lương (nay thuộc xã Hương Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên Huế), trong một gia đình nho giáo.

Năm 1843, Đặng Huy Trứ đỗ cử nhân khi mới 18 tuổi. Năm 1844, Đặng Huy Trứ đi thi Hội, bị trượt, nhưng được chọn vào học ở Quốc Tử Giám. Năm 1847, ông lại đi thi Hội, trúng cách tiến sĩ và được vào thi Đình nhưng phạm quy nên bị cách cả học vị tiến sĩ lẫn cử nhân. Cùng năm, triều đình mở ân khoa thi Hương nhân dịp Tứ tuần đại khánh của vua Thiệu Trị, ông dự thi và đỗ Giải nguyên.
       Hỉnh ảnh Đặng Huy Trứ trên bìa sách.
Từ năm 1848 đến năm 1854 ông dạy học ở Quảng Nam và ở quê, cũng có thời gian ra Hà Nội viết sách và kết bạn tâm giao.

Năm 1855, Đặng Huy Trứ được vua Tự Đức khai ân cho dự khoa thi Hội, đỗ tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp làm quan.

Tháng 8/1856, chiến thuyền Pháp đến bắn phá các đồn lũy ở cửa biển Trà Sơn (Đà Nẵng). Tháng 10 năm đó, Đặng Huy Trứ được cử đi kiểm tra tàu thuyền và binh bị ở Đà Nẵng. Tại đây, ông viết bài thơ Vãng quân thứ Đà Nẵng tức sự (Đi quân thứ Đà Nẵng, ghi lại), luận bàn việc “nên chiến hay nên hòa” với người Pháp...

Từ tháng 7 - 11/1865, triều đình sai Đặng Huy Trứ cải trang thành người Thanh (Trung Hoa) đi sang Quảng Đông để làm nhiệm vụ “thám phỏng Dương tình” (dò xét tình hình các nước phương Tây). Năm 1866, Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý bộ Hộ.

Từ tháng 6/1867 đến tháng 12/1868, Đặng Huy Trứ đi công vụ ở Quảng Đông lần thứ hai; rồi sau đó lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng khác.

Cuối năm 1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội, Đặng Huy Trứ cùng Hoàng Kế Viêm lui quân về trấn giữ căn cứ Đồn Vàng ở Hưng Hóa, tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Tại đây, ông lâm bệnh và mất vào ngày 7/8/1874 tại xã Cao Lăng, Chợ Bến, Đồn Vàng. Vua Tự Đức ra lệnh đưa thi hài ông về an táng tại quê nhà.

Đặng Huy Trứ là một nhà nho cấp tiến có lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Tinh thần đó bắt đầu từ nhận thức của ông về vai trò và sức mạnh to lớn, quyết định số phận dân tộc của Nhân dân: "Dân ta đủ sức xoay trời lại/Chẳng đáng khoe chi chuyện vá trời". Từ đó, ông cảm thông với nỗi thống khổ của dân: "Ngoài kia kêu khóc bao người đói/Cám cảnh dân đen những chạnh lòng".

Phải là thương dân, chăm lo cho dân và được dân tin thì sĩ phu xứ Quảng mới xin triều đình cử ông về giữ chức Bố chính Quảng Nam lúc khó khăn đói kém nhất.

Chủ chiến nhưng phải canh tân

Từ năm 1858 đến năm 1861, liên quân Pháp - Tây Ban Nha lần lượt đánh chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ. Nhà Nguyễn phải ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862), trong đó có hai điều khoản là cắt cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (gồm cả Mỹ Tho) và đảo Côn Sơn; Phải bồi thường chiến phí cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha số tiền 4 triệu đô la, tương đương 2.880.000 lạng bạc.

Trong tình thế đó, nội bộ triều Nguyễn có sự chia rẽ sâu sắc. Vua Tự Đức và một số đại thần chủ trương bãi binh, thực hiện các điều khoản đã ký kết với hy vọng người Pháp không mở rộng chiến tranh và khi có điều kiện sẽ chuộc lại các tỉnh đã mất. Ngược lại, nhiều sĩ phu chủ trương kháng chiến.

Đặng Huy Trứ có xu hướng chủ chiến nhưng chủ trương muốn đánh thắng ngoại bang cần phải canh tân để có tiềm lực kinh tế và quốc phòng hùng mạnh. Muốn vậy, phải tìm hiểu phương Tây và lân bang và cái cách họ trở nên giàu mạnh. Không có điều kiện đi sang châu Âu, ông tiếp cận phương Tây qua một ngả khác, đó là Quảng Đông - Trung Quốc, nơi mà lúc bấy giờ đã có sự hiện diện và ảnh hưởng nhiều của phương Tây.

Sau chuyến đi công cán Quảng Đông năm 1865, ông nhận thức muốn đánh đuổi giặc Pháp thì chỉ có một con đường là phải cải cách mở cửa, chấn hưng kinh tế, thực thi chính sách “tự cường, tự chủ”. Từ đó, ông không chỉ quan tâm đến nông nghiệp mà còn nhận thấy vai trò to lớn của công nghiệp và thương nghiệp đối với nền kinh tế nước nhà. Ông đề xướng chủ trương mở mang kỹ nghệ; lập cục cơ khí, mở xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc; lập cục dạy nghề, mời chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy và đưa thanh niên Việt Nam ra nước ngoài học tập kỹ nghệ ở các nước phát triển để sau này về giúp nước nhà “tự cường, tự chủ”. Ông đề xuất mở mang buôn bán, chăm lo đời sống của Nhân dân, cải cách thuế khóa để gia tăng nguồn lực cho Nhà nước. Ông chủ trương xây dựng quân đội hùng mạnh, đủ sức đối phó với giặc.

Tình hình kinh tế Việt Nam sau khi mất Nam Kỳ hết sức kiệt quệ. Đặng Huy Trứ đã thấy “Làm ra của cải đạo lớn ấy không thể xem khinh” nên cho rằng phát triển thương mại là cách hiệu quả nhất để phát triển kinh tế. Ông dâng sớ xin thành lập một cơ quan kinh tế và thương mại của Nhà nước, gọi là Ty Bình chuẩn, để lo việc kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính cho quốc gia. Mặc dù gặp sự phản đối của các đại thần thủ cựu nhưng được Phạm Phú Thứ và một số quan chức ủng hộ nên cuối cùng được vua Tự Đức chấp thuận.
Được cử giữ chức Bình chuẩn sứ, ông cho mở nhiều hiệu buôn như Lạc Sinh, Lạc Thanh, Lạc Đức… và trải rộng hoạt động trên phạm vi cả nước, đến tận Nam Kỳ đã bị Pháp chiếm. Ngoài 50.000 quan tiền được cấp, Đặng Huy Trứ huy động thêm các nguồn vốn tư nhân để kinh doanh theo phương thức “công tư lưỡng lợi”. Ông tổ chức trao đổi mua bán giữa miền xuôi và miền ngược; khai thác các nguồn hàng để xuất khẩu; động viên sĩ phu mở đồn điền, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa luyện quân; khai mỏ ở Thái Nguyên; đề nghị triều đình dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thiếc để thu thuế cho ngân khố.

Đáng tiếc là vua Tự Đức đã chấm dứt hoạt động của Ty Bình chuẩn sau gần hai năm hoạt động rất hiệu quả.

Trong chuyến công cán Quảng Đông lần thứ hai, mặc dù ốm nặng, phải dưỡng bệnh trong suốt 9 tháng, ông vẫn tìm cách nắm bắt tình hình; biên soạn một số tác phẩm như Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, Từ thụ yếu quy, Tứ giới, Tứ thập bát hiếu…; tìm mua và dịch tân thư, binh thư, máy móc, vũ khí gửi về nước, trong đó có 239 “quá sơn pháo” và đạn dược. Ông cũng tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, tìm mua vật dụng để sau khi về nước thì mở hiệu ảnh Cảm Hiếu đường ở Hà Nội (1869).

Do hoàn cảnh lịch sử, và những hạn chế về quan điểm chính trị, về cách thức trị nước, kiến thiết và bảo vệ đất nước của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ nên tư tưởng canh tân của ông không được triều đình quan tâm, hoặc có quan tâm nhưng thực hiện nửa vời. Dẫu vậy, tinh thần yêu nước thương dân, tư tưởng canh tân của ông vẫn mãi là điểm sáng rực rỡ của lịch sử Việt Nam giữa thế kỷ XIX.
Trên cơ sở giao lưu, tìm hiểu tân thư và kinh nghiệm của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Cao Ly, Ba Tư, Đặng Huy Trứ đã hình thành một cách có hệ thống tư tưởng cải cách, xây dựng đất nước theo chính sách “tự cường, tự trị”… Điều này được ông thể hiện thông qua bài Bệnh trung đắc Dã Trì chủ nhân tứ giáo, thi dĩ chí chi (Trong khi ốm được Dã Trì chủ nhân chỉ giáo, làm thơ ghi lại).