70 năm giải phóng Thủ đô

[Thông điệp từ lịch sử] Đặng Tất và Đặng Dung với tấm lòng trung liệt

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xưa nay người trung với vua, với triều đình không hiếm. Nhưng lịch sử rất hiếm có những gia đình mà cả cha và con cùng một chí hướng, một dạ trung kiên, trung thành và hy sinh như cha con Đặng Tất - Đặng Dung.

“Trước sau vì nước lòng không thẹn”
Đến giữa năm 1407, giặc Minh đè bẹp nhà Hồ, bình định xong Đại Việt và thực hiện chính sách cai trị vô cùng tàn bạo. Nhưng chúng đã vấp phải sự phản kháng hết sức mạnh mẽ của Nhân dân ta. Phong trào đấu tranh bùng nổ khắp nơi.
Ngày tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), Trần Ngỗi là con thứ của Trần Nghệ Tông, tự xưng là Giản Định hoàng đế, đặt niên hiệu Hưng Khánh, tổ chức khởi nghĩa ở Mộ Độ (Yên Mô, Ninh Bình). Khi khởi nghĩa của Trần Ngỗi bị đàn áp, phải rút vào Nghệ An, một số thủ lĩnh nghĩa quân và quan lại yêu nước của nhà Trần, nhà Hồ cùng đông đảo Nhân dân Nghệ An tham gia. Đặng Tất, quê Thiên Lộc/Can Lộc, làm quan thời nhà Hồ, sau nhận chức Đại tri châu Hóa Châu của nhà Minh để náu mình.
Tượng thờ Đặng Tất, Đặng Dung ở từ đường Đặng tộc Hồng lam (Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh).
Cũng năm 1407, cha con ông dấy nghĩa chống Minh ở Hóa Châu rồi khi Giản Định đế rút vào Nghệ An, ông mang theo quân ra phò vua, cùng với Nguyễn Cảnh Chân (làm quan nhà Trần, người làng Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), là hai nhân vật chủ yếu của cuộc khởi nghĩa. Năm Mậu Tý (1408), quân Minh phản công, nghĩa quân Trần Ngỗi tạm rút về Hóa Châu.
Quân Minh rút về Đông Quan, nghĩa quân quay ra lấy lại Nghệ An, lại quay vào nam giải phóng phủ Tân Bình, quay tiếp ra Bắc tấn công Diễn Châu rồi thừa thắng đánh ra tận Bình Than (Hải Dương), Hàm Tử (Hưng Yên), Tam Giang (Phú Thọ). Vua Minh điều viện binh sang, ngày 14 tháng 12 năm Mậu Tý (1408), Đặng Tất chỉ huy đánh thắng ở Bô Cô (Ninh Bình), quân Minh phải rút về cố thủ Đông Quan. Nhưng sau đó Đặng Tất cùng Nguyễn Cảnh Chân bị Trần Ngỗi nghi kị giết chết. Cuộc khởi nghĩa suy yếu dần và kết thúc.
Chuyện này, sách Đại Nam nhất thông chí chép: “Giản Định đế phong ông tước quận công, cùng nhau lo việc khôi phục. Tất đánh được tướng đầu hàng quân Minh là Phạm Thế Căng ở Nhật Lệ, rồi điều quân các lộ Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa tiến ra đánh Đông Đô. Đi đến đâu thì quan lại cùng hào kiệt các nơi đều hưởng ứng vui theo, đánh tan được quân Minh ở bến đò Bô Cô, chém được quan Minh là Binh bộ Thượng thư Lưu Tuấn và Đô ty Lữ Nghị, Mộc Thạnh thì chạy thoát được. Từ đấy quân uy vang dậy. Sau hoạn quan Nguyễn Quỹ dèm là Đặng Tất chuyên quyền, Giản Định Đế đem lòng ngờ vực, ông bèn bị giết”.
Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị là con của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, sau đó rời bỏ Trần Ngỗi, đem theo lực lượng riêng về Nghệ An tổ chức khởi nghĩa mới. Ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Sửu (1409), các ông lập Trần Quý Khoáng là cháu của Trần Nghệ Tông lên làm vua, niên hiệu Trùng Quang. Để thống nhất lực lượng hai cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân ra Bắc đánh úp bắt Trần Ngỗi đem về Nghệ An rồi tôn làm Thái thượng hoàng. Hành dinh của vua Trùng Quang ở Bình Hồ/ Yên Hồ, Chi La/Đức Thọ, đối diện với thành Nghệ An qua sông Lam. Nghệ An là căn cứ, nơi cung cấp sức người sức của cho nghĩa quân.
Từ Nghệ An, nghĩa quân đã tiến ra Bắc, đánh chiếm của Hàm Tử, Bình Than… làm cho quân Minh khốn đốn phải hai lần điều quân sang tiếp viện. Nhưng từ năm Nhâm Thìn (1412), quân Minh tổ chức đàn áp quy mô lớn, nghĩa quân phải rút vào Hóa Châu. Nghĩa quân do Đặng Dung chỉ huy đã chặn đánh thắng địch ở sông Thái Gia (Ái Tử, Quảng Trị), sau bị phản công phải rút lui.
Về trận này, sử gia Ngô Sĩ Liên luận: “Trận đánh ở Thái Gia, Đặng Dung, Nguyễn Súy đem đoàn quân trơ trọi chống lại giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc, làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới, không phải là người có tài làm tướng thì có thể làm được như thế hay không?...
Dẫu thua cũng vinh, tại sao thế? Bọn Dung không thể cùng sống với giặc được, phải tiêu diệt được chúng mới nghe, cho nên hết lòng hết sức giúp đỡ Trùng Quang để mưu khôi phục. Trong khoảng 5 năm đánh nhau dẫu có bất lợi chí vẫn không núng, khí càng thêm hăng, đến kiệt sức mới thôi. Lòng trung thành vì nước của người bề tôi, dù trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy”.
Cuối năm Quý Tỵ (1413), Đặng Dung và bộ chỉ huy nghĩa quân lần lượt bị bắt. Đặng Dung bị giải về Đông Quan và năm sau thì bị giải sang Trung Quốc. Sách Toàn thư chép: “ Tháng 12, bọn Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung bị Trương Phụ nhà Minh bắt được. Cảnh Dị mắng ngay vào mặt Phụ rằng: “Ta muốn giết mày, thành ra lại bị mày bắt được”. Chửi Phụ luôn mồm. Phụ giận lắm, sai giết mổ lấy gan ăn”.
Sách Cương mục chép: Tháng Tư, năm Giáp Ngọ (1414), “Trương Phụ đã bắt được Đế Quý Khoáng và Dung, Súy bèn dẫn quân về thành Đông Quan, sai người đưa vua tôi Quý Khoáng sang Yên Kinh. Khi đi đến giữa đường, Đế Quý Khoáng nhảy xuống sông chết; Dung nhảy theo. Duy còn Súy bị người lính canh bắt giữ lại, Súy bèn ngày ngày cùng người lính canh đánh cờ, dần dà làm thân, sau lấy bàn cờ đánh chết người lính canh, rồi cũng nhảy xuống sông chết”.
“Tiết nghĩa cha con tiếng để đời”
Các sách sử đều chép, trong những ngày cuối đời, bình thản trước cái chết, Đặng Dung đã làm bài thơ Thuật hoài nổi tiếng: Thế sự du du nại lão hà?/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca/ Thời lai đồ điếu thành công dị/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa/ Trí chủ hữu hoài phù địa trục/ Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà/ Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.
Bài thơ được dịch nghĩa: Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?/ Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca/ Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công/ Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều/ Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại/ Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống/ Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm/ Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.
Cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần thất bại. Nhưng sự hy sinh của vua và nghĩa quân, của cha con Đặng Tất - Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân - Nguyễn Cảnh Dị đã đi vào lịch sử như một gương sáng muôn đời.
Lê Thái Tổ, sau khi thắng giặc Minh, đã có sắc phong hai cha con Đặng Tất - Đặng Dung là “Tiết nghĩa công thần”.
Đặng Minh Khiêm, nhà thơ nổi tiếng cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, tác giả bộ Việt giám vịnh sử thi tập, có thơ rằng: “Trước sau vì nước lòng không thẹn/ Tiết nghĩa cha con tiếng để đời”.
Trần Trọng Kim Sách trong Việt Nam sử lược bình: “Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công được, nhưng cái lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng đủ làm cho người đời sau tưởng nhớ đến…”.
Tại nhà thờ họ Đặng đại tôn (ở Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) có đôi câu đối tôn vinh tấm gương yêu nước của cha cha con Đặng Tất - Đặng Dung: “Anh hùng vô nhị, nhị anh hùng/ Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ”.

Cha con Đặng Tất - Đặng Dung cùng có mặt trong một cuộc khởi nghĩa. Lòng Trung của họ với vua, với triều đình, trong sâu thẳm là tinh thần yêu nước, xả thân vì nước. Sự gặp gỡ này đã tạo nên một giá trị tinh thần đặc biệt, đó là tinh thần tự nhiệm, đức hy sinh cao cả và lòng trung thành vô hạn của những người anh hùng cao cả.