Diệp Văn Cương với Phan Yên báo
Diệp Văn Cương sinh năm 1862, hiệu Thọ Sơn, bút hiệu Cuồng Sĩ, Yên Sa; sinh ra và lớn lên tại Cao Lãnh thuộc tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Gia cảnh nghèo túng nhưng học giỏi nên ông được chính quyền ở Nam Kỳ cho đi học tại trường Giám mục d'Adran. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông lại được cấp học bổng du học ở Alger.Sau khi đỗ tú tài ở Pháp, ông về nước, dạy học tại Trường Chasseloup Laubat (Trường Bổn quốc).Tháng 4/1886, ông làm thông ngôn cho tòa Khâm sứ Huế và đến cuối năm đó thì được cử làm thầy dạy tiếng Pháp cho vua Đồng Khánh. Khi triều đình Huế mở trường dạy tiếng Pháp, gọi là Sở Hành Nhơn (5/1887), ông được cử làm Chưởng giáo (Hiệu trưởng). Tại đây, ông kết hôn với Công nữ Thiện Niệm, con của Thoại Thái vương Hồng y, em vua Dục Đức và là cô ruột của Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Lân. Sau khi Thành Thái lên ngôi, ông trở lại Sài Gòn, phụ trách việc phiên dịch cho Soái phủ Nam Kỳ.
Là người có kiến thức sâu rộng, giỏi cả tiếng Pháp, Quốc ngữ và chữ Hán, lại muốn phổ biến kiến thức và truyền bá tinh thần yêu nước nên khoảng cuối thập niên 1890, Diệp Văn Cương bước vào nghề báo. Đầu tiên ông cộng tác với Gia Định báo và tiếp đó ông làm Chủ nhiệm Phan Yên báo.Phan Yên báo là một trong những tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Nam kỳ, theo một số tài liệu thì chỉ sau Gia Định báo. Các sách lịch sử báo chí Việt Nam đều xác nhận Diệp Văn Cương là người sáng lập và chủ nhiệm Phan Yên báo nhưng năm xuất bản, đình bản đều chưa được xác nhận một cách chính xác. Tác giả Minh Hiền, trong bài ‘Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký - trên địa hạt “Nhà văn hóa” tiên phong làm báo bằng chữ quốc ngữ viết bằng văn xuôi”, thì Phan Yên báo xuất bản hàng tuần, ra mắt tháng 12/1898, đến tháng 2/1899, được 7 số thì bị cấm. GS Đỗ Quang Hưng và nhóm biên soạn “Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 - 1945” lại cho rằng “Phan Yên báo xuất bản hàng tuần, số đầu tháng 12/1899, chỉ ra được 7, 8 số thì bị cấm bởi loạt bài viết cho xu hướng rõ rệt: Loạt bài “Đòn câu ARCHIMÈDE” của Cuồng Sĩ”. Ngay đến cả Diệp Văn Kỳ là con trai của Diệp Văn Cương “Đã hết sức sưu tầm, vẫn chưa kiểm tra tông tích chi đích xác”. Chỉ “nhớ mường tượng Phan Yên báo xuất bản ít lâu thì ông Tổng thống Félix faure tạ thế, nên chỉ trong một số của báo ấy, tôi đã đọc bài ai điếu thấy câu “dân biên vức cũng tình đồng thần tử”. Ông Félix faure chết ngày 16/2/1899, vậy có nghĩa là Phan Yên báo đã tồn tại ít nhất là đến đầu năm 1899.Các tài liệu cũng cho rằng nội dung Phan Yên báo tương tự như Gia Định báo, với tin địa phương và thư độc giả, nhưng sau đó có các bài chính trị, đặc biệt là phê phán nhà cầm quyền, nên đã bị đóng cửa.
Sự nghiệp báo chí của Diệp Văn Cương không dừng tại đó. Năm 1908, ông lại được bổ nhiệm làm biên tập tờ Gia Định báo, tiếp tục có những đóng góp phát triển báo chí Quốc ngữ ở Nam kỳ.Cùng với hoạt động báo chí, Diệp Văn Cương còn tham gia hoạt động chính trị. Ông từng tranh cử và trúng cử chức Ủy viên trong Hội đồng Quản hạt tỉnh Bến Tre, rồi sau đó là Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Ông đã cùng 5 nghị viên bản xứ trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ thường xuyên dùng quyền phủ quyết công khai để bảo vệ quyền lợi cho dân thuộc địa. Điển hình như kiến nghị phản đối một số thừa sai dòng tu Công giáo chiếm đất và yêu cầu nhà cầm quyền đưa ra các biện pháp luật lệ bảo vệ đất đai của dân chúng năm 1907 (Lê Nguyễn; "Thành cổ Sài Gòn và Mấy vấn đề về triều Nguyễn", NXB Trẻ, 2006).Về sau ông tiếp tục nghề dạy học và viết sách. Tác phẩm của ông có: Syllabaire quốc ngữ (sách vần quốc ngữ) (1919); Recueil de morale annamite (1917); Báo Phong Hóa (dịch từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ); Việt Nam luân lý tập thành.Diệp Văn Kỳ với Đông Pháp thời báo và Thần ChungDiệp Văn Kỳ (1894 - 1945) là con trai của Diệp Văn Cương. Sau khi học xong trung học ở Huế, ông được thầy Phan Văn Cử và Lê Quang Hiển (là cha vợ và cũng là bạn học cùng lớp) giúp đỡ sang Pháp du học. Lúc ấy, ông đã là người "thông Hán học và Tây học". Ở Pháp, ông tham gia đảng Lập hiến của Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo, viết bài cho báo Việt Nam hồn của Nguyễn Thế Truyền, tham gia biểu tình, rải truyền đơn đòi ân xá cho Phan Bội Châu.Đỗ Cử nhân Luật khoa, Diệp Văn Kỳ về nước, hành nghề luật sư ở Cao Lãnh, thành lập Hội khuyến học, diễn thuyết về văn hóa. Bỏ nghề luật sư, ông chuyển sang làm báo, để có cơ hội tranh đấu nhiều hơn như dự định sau khi về nước. Đầu tiên ông viết cho Nam Trung nhật báo và Đông Pháp thời báo (Le Courrier Indochinois) của Nguyễn Kim Đính.Tháng 10/1927, Diệp Văn Kỳ mua lại tờ Đông Pháp thời báo, từ số 635, thứ Sáu, ngày 14/10/1927; Diệp Văn Kỳ là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Đến tháng 8/1928, Diệp Văn Kỳ mời Nguyễn Văn Bá đang làm ở báo L'Écho Annamitte về làm chủ bút. Hai ông này đã biến tờ báo từ chỗ "có khuynh hướng thân chính phủ" trở nên "có khuynh hướng đối lập". Chẳng hạn, Đông Pháp thời báo đã có loạt bài điều tra về vụ bắt giam Nguyễn An Ninh kéo dài suốt hai tháng từ số ngày 4/10/1928, để kết luận "Hội kín Nguyễn An Ninh chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của chính quyền". Chính vì vậy, nó "là tờ báo có rất nhiều người đọc” (Huỳnh Văn Tòng).Ngoài các số báo thường kỳ, Đông Pháp thời báo cho ra các phụ trương thể thao, phụ nữ và trẻ em, văn chương. Để nâng cao chất lượng và uy tín của tờ báo, Diệp Văn Kỳ còn mời thêm nhiều cây bút tên tuổi như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi vào Sài Gòn cộng tác. Đông Pháp thời báo chỉ phát hành đến số 809 ngày 22/12/1928 thì ngừng xuất bản. Diệp Văn Kỳ trả lại cho Nguyễn Kim Đính để tập trung cho tờ Thần Chung của ông mới được cấp phép.Thần Chung xuất bản số đầu ngày 7/1/1929 tại Sài Gòn. Vẫn với tinh thần của Đông Pháp thời báo, Thần và Diệp Văn Kỳ có sự cộng tác đắc lực của Nguyễn Văn Bá, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Phan Khôi… Nhưng Thần Chung cũng không tồn tại được lâu, chỉ đến số 344, ngày 24/3/1929 thì bị đình bản.“Tờ Thần Chung của Diệp Văn Kỳ không sống dai, tuy nhiên được tổ chức chu đáo. Bộ biên tập gồm những người có năng lực, phân công rõ rệt, với nhiều cộng sự viên xứng đáng và một ban giám đốc có tinh thần khoa học, trong khi các tờ báo khác còn trong tình trạng luộm thuộm, tiểu công nghệ và chỉ huy theo tinh thần gia đình” (Huỳnh Văn Tòng; Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945; NXB TP Hồ Chí Minh 2000).Sau khi hành trình báo chí bị dừng lại, Diệp Văn Kỳ đã viết Chế độ báo giới Nam Kỳ (1938) và tham gia phong trào “Đông Dương đại hội”. Phong trào bị thực dân Pháp khủng bố, ông bị trục xuất về Huế. Một năm sau, trở lại Sài Gòn, ông lại tiếp tục các hoạt động yêu nước chống Pháp. Diệp Văn Kỳ mất ở Sài Gòn năm 1945.
Cha - con Diệp Văn Cương và Diệp Văn Kỳ là những trí thức Tây học kỳ cựu ở Nam kỳ, cùng lấy nghiệp báo để thực hành yêu nước, canh tân văn hóa và có nhiều đóng góp phát triển nền báo chí nước nhà những năm đầu thế kỷ XX. Tiếc là sự nghiệp của các ông chưa được thành công như mong đợi. |