Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Đồn điền thời Nguyễn

Lê Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời Pháp thuộc, những ông chủ da trắng được chính quyền thực dân dành cho độc quyền khai thác những khu rừng bạt ngàn, trên đó, họ trồng những hàng cây cao su thẳng tắp, mang lại những nguồn lợi kếch xù.

Những khu rừng cao su đó được người đương thời gọi là “đồn điền”, nơi mà hàng triệu người dân thuộc địa phải còng lưng làm việc đầu tắt mặt tối để kiếm từng đồng bạc nuôi sống gia đình. Thế nhưng, trước đó nhà Nguyễn đã cho phát triển những đồn điền - một mô hình phát triển kinh tế độc đáo.
Nhiều người đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, vì thế, đối với phần lớn người dân Việt lúc bấy giờ, hai từ “đồn điền” là một ám ảnh về sự bóc lột, áp bức của giới chủ da trắng và nỗi khốn khổ, chết chóc của người dân thuộc địa đói nghèo. Song có một điều mà nhiều người trong chúng ta không nắm rõ, đó là 70 - 80 năm trước khi chế độ thực dân Pháp hình thành trên đất nước ta (từ thập niên 1860) thì mô hình đồn điền đã được thực hiện với một mục tiêu phát triển dân sinh tốt đẹp.
Chính sách phát triển đồn điền
Đến đầu thế kỷ XVIII, biên giới phía Nam của nước Đại Việt đã trải dài tới Hà Tiên. Tình trạng đất rộng, người thưa đòi hỏi phải khuyến khích các thành phần dân cư đi khẩn hoang, lập nên các đơn vị hành chánh mới.
Ngay trong cuộc xung đột dai dẳng với nhà Tây Sơn, chưa đầy hai năm sau khi thu phục lại đất Gia Định, tháng 10 AL năm 1790, chúa Nguyễn Ánh đã ban chỉ dụ tổ chức các đồn điền, ra lệnh cho các hạng quân “ra vỡ ruộng ở Vàm Cỏ, đặt tên là trại Đồn Điền, cấp cho trâu bò điền khí và thóc ngô đậu giống. Đến ngày thu hoạch đem hết về kho (tức kho Chừ Tích, sau đổi làm kho Đồn Điền)” (Đại Nam Thực Lục – Tập I – NXB Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 265).
Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873), người có công phát triển mô hình đồn điền thập niên 1850.
Song song với việc tổ chức cho quân đội làm kinh tế, chúa Nguyễn cũng ra lệnh mộ dân lập các đội đồn điền, mỗi người được cấp đất canh tác và hàng năm nộp cho triều đình 6 hộc lúa (mỗi hộc khoảng 30kg). Như vậy, từ cuối thế kỷ XVIII, đã có hai thành phần chính tham gia thực hiện chính sách đồn điền, một là binh lính, vừa chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, vừa làm kinh tế; và hai là lưu dân tứ xứ được tập hợp lại để khẩn hoang, mưu tìm sự an cư lạc nghiệp.
Sau khi đã lên ngôi, lấy niên hiệu mới, tháng 4 AL 1804, vua Gia Long định lệ phân cấp công điền công thổ, theo từng phẩm cấp, thứ bậc khác nhau. Sang tháng 5 AL năm sau (1805), ông định lệ cho những lưu dân từ Nghệ An trở ra Bắc được lãnh trưng ruộng đất. Đây là những người phải xiêu tán để tránh hậu quả của cuộc nội chiến, nay trở về làng cũ được nhận đất và tha thuế, tha lính trong ba năm
Đến thập niên 1810, sau khi đã ổn định tình hình trong nước, vua Gia Long cho đẩy mạnh chính sách đồn điền, quân sự hóa một phần dân mộ, lấy phân nửa số dân các phủ huyện lập thành hương binh, có việc thì làm lính, không việc thì làm ruộng. Khoảng 5 - 10 năm sau, khi tổ chức đã ổn rồi, các đồn điền biến thành hương ấp, là đơn vị hành chánh cơ bản trong guồng máy cai trị.
Triều Minh Mạng (1820-1841), tháng 5 AL 1821, Tổng trấn Gia Định thành, Tả quân Lê Văn Duyệt tâu: “Dân Gia Định phần nhiều là dân giang hồ trú ngụ, đặt ra đồn điền để dồn bọn du thủ cho nương tựa vào đồng ruộng vốn là phép tốt. Nếu không cho đồn điền tăng tục thêm dân thì bọn ấy đi lại không định, sợ hoặc để lụy cho dân …” (Đại Nam thực lục – Tập hai – NXB Giáo dục – Hà Nội 2004, tr. 129). Như vậy, vào thời kỳ này, đã có thêm một thành phần cư dân nữa trong tổ chức đồn điền, đó là những người tuy chưa phải là tội phạm, nhưng thuộc loại du thủ du thực, nếu sống ngoài tổ chức có thể gây ra những tổn hại cho trật tự trị an.
Dựa vào tình thế lúc bấy giờ, vua Minh Mạng chấp thuận đề nghị của ông Duyệt, cho hương lý các làng xã được tùy nghi chọn người ở lại làng hay sung vào đồn điền. Đến năm 1836, trong thời gian mang quân qua bảo hộ nước Chân Lạp (nay là Campuchia), triều đình Huế đưa nhiều phạm nhân sang Trấn Tây thành để lập đồn điền mới.
Đây là một trong những sách lược đáng ghi nhận của vua Minh Mạng qua việc sử dụng phạm nhân đi làm kinh tế, tạo điều kiện cho họ tham gia sản xuất. Ở những đồn điền do quân lính mới khẩn hoang và canh tác, nhà vua cho sử dụng hết những hoa lợi làm ra. Vài năm sau, khi mùa vụ đã ổn định, mới tính khẩu phần thuế phải nộp. Như vậy, trong gần nửa đầu thế kỷ 19, tổ chức đồn điền đã có quy củ. 
Vai trò của đại thần Nguyễn Tri Phương
Tuy nhiên, phải đợi đến đầu thập niên 1850, khi đại thần Nguyễn Tri Phương được cử làm Kinh lược sứ Nam Kỳ, chính sách đồn điền mới thực sự hoàn chỉnh. Tháng giêng năm 1854, căn cứ vào lời tâu của cụ Nguyễn, vua Tự Đức chấp thuận cho cụ thực hiện những cải cách trong chính sách đồn điền.
Theo đề nghị của cụ Nguyễn, triều đình khuyến khích những người có điền sản đứng ra chiêu mộ dân, lập đồn điền, tuân thủ những quy định chặt chẽ về mặt tổ chức. Cứ 50 người lập thành một đội, 10 đội thành một cơ. Ai mộ đủ 50 người được cử làm chánh đội trưởng suất đội (chánh thất phẩm), mộ 500 người (một cơ) được cử làm Phó Quản cơ (chánh lục phẩm) (Đại Nam thực lục - Tập bảy -NXB Giáo dục - Hà Nội - 2006, trang 263).
Lại còn định lệ ban thưởng: Người nào mộ 30 dân được miễn xâu thuế trọn đời, mộ 50 dân được ban hàm chánh cửu phẩm, mộ 100 dân được hàm chánh bát phẩm. Riêng các phạm nhân, cứ lập một đội 50 người có làng xã đứng ra bảo chứng thì được tha tội, giao cho hai tỉnh An Giang và Hà Tiên bố trí canh tác tại các đồn điền thuộc tỉnh. Khi đời sống tại các đồn điền đã ổn định, các đội sẽ biến thành ấp, các cơ biến thành tổng, Suất đội kiêm nhiệm Trưởng ấp, Phó quản cơ kiêm nhiệm Tổng trưởng.
Về phần chính quyền cấp phủ, huyện, để ngăn chặn tình trạng biếng nhác của họ, vua Tự Đức cũng đặt ra lệ thưởng phạt. Phủ huyện nào mộ được 30 dân đinh, canh tác 60 mẫu ruộng thì được hưởng hết; chỉ được 1/5 số đó thì không được hưởng, còn không mộ được ai sẽ bị nghiêm trị. Vì lẽ đó, chính sách đồn điền không phải lúc nào cũng được đồng tình hoàn toàn.
Trước nhiệm vụ nặng nề được giao phó, một số quan chức dưới quyền Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương có nhiều ý kiến bất đồng. Tiêu biểu trong nhóm này phải kể đến Tổng đốc An Hà (An Giang - Hà Tiên) Cao Hữu Bằng, Tri phủ Nguyễn Cửu Trường, Bố chánh Định Tường Nguyễn Đình Tân, Án sát Định Tường Vương Sĩ Kiệt. Họ lập luận rằng có nhiều người lợi dụng chính sách đồn điền để chiếm canh thục điền (ruộng đã cầy cấy thành điền rồi), người ứng mộ không có căn cước dễ trốn đi; cho phạm nhân mở mang hoang địa là giúp họ có cơ hội trốn tránh, tiếp tục tái phạm.
Vua Tự Đức đã bác bỏ những lập luận đó, vì thực tế cho thấy chính sách đồn điền đã đạt được thành công theo đúng kế hoạch của triều đình. Từ năm 1854, toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ đã tổ chức được 21 cơ, 210 đội, với tổng số dân đồn điền là 10.500 người, phần lớn đã an cư lạc nghiệp. Kết quả đó có được nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương. Trong số những người đứng ra mộ dân, có Trương Định, con Lãnh binh Trương Cầm, đã lập nên cơ đồn điền Gia Thuận, thuộc tỉnh Gia Định.
Thông thường, những người đứng ra tập hợp lưu dân phải dùng phần điền sản sẵn có của mình để phân phát cho dân nghèo mộ được trong thời gian đầu. Lưu dân các nơi, kể cả thành phần du thủ du thực và phạm nhân biết hối cải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để an cư lập nghiệp, trật tự trị an được đảm bảo trên những địa bàn rộng lớn.
Điều đặc biệt hơn nữa, khi thực dân Pháp bắt đầu thực hiện dã tâm xâm lược nước ta, các đồn điền đã có nhiều đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống Pháp. Tiêu biểu cho trường hợp này là cơ đồn điền Gia Thuận dưới quyền Phó quản cơ Trương Định và nhiều cơ khác đã biến thành những lực lượng kháng chiến có quy củ, trong một thời gian dài đã gây cho giặc nhiều tổn thất nặng nề.
Sớm nhận ra tác dụng bất lợi của tổ chức đồn điền, sau khi chiếm được Sài Gòn, ngày 22/8/1861, chính quyền Pháp ra chỉ thị giải tán các đồn điền tại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường). 6 năm sau, ngày 20/9/1867, vừa đúng 3 tháng sau khi chiếm nốt các tỉnh miền Tây, Thống đốc Pháp De La Grandière ban hành quyết định số 149 bãi bỏ tổ chức đồn điền trên toàn cõi Nam kỳ (Bulletin officiel de la Cochinchine française (BOCF)1867, trang 517)
Khi đó, một phần dân đồn điền được đưa về các xã thôn, sung vào các ban hương chức hội tề, một phần trở thành lính do Pháp trực tiếp chỉ huy, một phần khác tham gia vào các lực lượng kháng chiến chống Pháp. Sang nửa đầu thế kỷ 20, các đồn điền tái hiện, nhưng dưới hình thức hoàn toàn khác, chủ yếu là đồn điền cao su, ở đó chủ nhân là người da trắng và không ít đồng bào miền Bắc đã vào Nam mưu sinh bằng nghề phu cạo mủ, tiếp tục cuộc sống lầm than của người dân thuộc địa.