[Thông điệp từ lịch sử] Hoàng Tích Chu đã cách tân báo chí như thế nào?

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoàng Tích Chu (1897 - 25/1/1933) sinh ra trong một gia đình quan lại, tại làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, được học cả chữ Hán lẫn chữ Pháp.

Ông sống trên đời chưa trọn 36 năm, thực sự làm báo khoảng 6 năm nhưng đã góp công lớn trong việc cách tân nền báo chí Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.
Khát vọng nghề báo

Năm 1921, ông ra Hà Nội làm việc cho tạp chí Nam Phong do Phạm Quỳnh làm chủ bút kiêm chủ nhiệm. Có lẽ là tờ báo lớn này chưa phù hợp với người mới vào nghề như Hoàng Tích Chu nên một thời gian ngắn sau ông đã nhận lời mời làm chủ bút tờ Khai Hóa của Bạch Thái Bưởi. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn ông bị đuổi việc vì một tai nạn nghề nghiệp. Từ đó, ông nhận thấy rằng muốn làm báo thì phải học nghề báo.

Năm 1923, ông vào Sài Gòn và quyết tâm sang Pháp du học. Gia đình không đủ tiền chu cấp, ông được một người bạn xin cho một chân phụ bếp trên một tàu thủy sang Pháp. Tại Pháp, ông gặp Đỗ Văn, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, cùng chí hướng học nghề báo. Họ tự phân công Hoàng Tích Chu học báo, Đỗ Văn học in ấn. Chi phí ăn học cho hai người do Lê Hữu Phúc là giáo sư trường Albert Sarraut gửi sang chu cấp. Các ông có ý định là sau khi Lê Hữu Phúc học xong nữa, bộ ba sẽ lập một tờ báo riêng. Năm 1927, hai ông Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn học xong về nước thì ông Phúc sang Pháp để học văn học và triết học. Nhưng thật không may, sau khi học xong, Lê Hữu Phúc chết tại Pháp.
 Chân dung nhà báo Hoàng Tích Chu.
Ở Pháp, Hoàng Tích Chu bên cạnh học nghề báo còn chú tâm nghiên cứu vai trò của báo chí và đã hoàn thành chuyên luận Tự do ngôn luận trong hồi cách mệnh nước Pháp. Trong chuyên luận này, ông có nhận thức rất mới và rất sâu sắc về nghề báo, vai trò của báo chí và bộc lộ một tinh thần công hiến, một khát vọng canh tân báo chí nước nhà. Ông nhận thấy:"Nếu đã thật gọi là lấy thân hiến nước thì dù bằng ngòi bút hay cây gươm, đôi đàng đều có thế lực ngang nhau". Ông khát khao đòi quyền tự do ngôn luận cho báo chí: “Đời không có tự do là đời bỏ đi. Người có giá trị vì người có tự do. Tự do, làm người ai cũng có từ thuở mới lọt lòng. Khi nào mất, có quyền đòi, không phải xin, xin chẳng ai cho, đòi kỳ bằng được”…

Cách tân báo chí

Sau khi về nước, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn làm cho tờ Hà thành ngọ báo. Khi ở vai trò chủ bút, Hoàng Tích Chu triển khai một loạt đổi mới tờ báo này. Ông xây dựng lại hệ thống chuyên mục nhằm đưa tờ báo gắn bó hơn với đời sống. Cách viết cũng thay đổi, ngắn gọn, không kéo dài lê thê kiểu văn biền ngẫu nhưng phải nhiều thông tin. Hình thức trình bày hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh. Cố định ở cột 1, trang 1 là bài xã thuyết bàn về những vấn đề mà xã hội đang quan tâm nhất. Tiếp đó, cột 2 là những tin tức mới, quan trọng nhất. Cuối trang là những câu châm ngôn, cách ngôn hoặc truyện hài hước ngắn gọn có tính giáo huấn.

Nhưng cách làm mới này đã làm cho đọc giả vốn quen với lối viết cũ phản đối. Lượng phát hành của Hà thành ngọ báo giảm nhiều. Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn bị thôi việc, bị lên án là kẻ học mót, lên mặt dạy đời.

Hoàng Tích Chu coi biến cố này: “Phải chăng đời ví là một ván cờ, thì thua ván này, ta bày ván khác”. Ông và Đỗ Văn quyết chí mở tờ báo mới là Đông Tây, xuất bản tại Hà Nội. Hoàng Tích Chu là chủ nhiệm, Phùng Tất Đắc là chủ bút. Đông Tây ra số đầu ngày 15/11/1929, lúc đầu ra hàng tuần, sau ra 2 số/tuần, từ ngày 28/5/1932 thì ra nhật báo, in 4 trang khổ lớn. Ngay từ khi mới ra đời Đông Tây đã quy tụ được rất nhiều những cây bút tên tuổi có tư tưởng canh tân như Phan Khôi, Trần Tuấn Khải, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Vi Huyền Đắc, Trịnh Đình Rư, Hoàng Ngọc Phách…

Hoàng Tích Chu mạnh mẽ cách tân Đông Tây cả về nội dung lẫn hình thức. Về nội dung, Đông Tây đề cập nhiều hơn, có thái độ rõ ràng hơn về chính trị và các vấn đề xã hội: Chia sẻ với thất bại của Nguyễn Thái học và các nhà yêu nước khởi nghĩa Yên Bái, ca ngợi tinh thần yêu nước và chung thủy của Cô Giang; phê phán chủ thuyết Quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh; tố cáo tham quan ô lại…

Về hình thức, Hoàng Tích Chu tiếp tục chủ trương: “Phải có lối viết khác. Cái lối viết phải làm sao cho gọn, không thừa nhiều lời…”. Viết ngắn gọn nhưng nhiều thông tin, khách quan, tính thời sự cao, thiết thực; thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ. Ông cũng khuyến khích hạn chế sử dụng từ gốc Hán. Phan Khôi gọi đây là “lối văn Hoàng Tích Chu” và rất đồng tình, ủng hộ.

Đông Tây có hệ thống chuyên mục phong phú như: Chuyện Đông Tây, Chuyện đâu, Chuyện lạ đường rừng, Chuyện Hà thành, Cuốn phim, Trong tiệm hút, Bút mới… Nội dung các chuyên mục phải mới và mỗi chuyên mục có một giọng điệu riêng để tạo ra dấu ấn và sự hứng khởi cho bạn đọc. Với mỗi thể tài báo chí, Hoàng Tích Chu yêu cầu có phương pháp tiếp cận và ngôn ngữ riêng.

Nhờ những thay đổi đó, Đông Tây nhanh chóng chiếm được sự quan tâm của bạn đọc, số lượng phát hành nhiều nhất ở Bắc kỳ hồi đó. Nhưng vì một bài thơ đả kích Tổng đốc Vi Văn Định nên Đông Tây đã bị đóng cửa sau số báo ra ngày là ngày 25/7/1932.

Cũng vào lúc này, tờ Thời báo được tục bản và mời Hoàng Tích Chu về làm chủ bút. Đang lúc ông nỗ lực đổi mới tờ báo thì Thời báo lại bị đóng cửa sau 20 số.

Hoàng Tích Chu tiếp tục ấp ủ kế hoạch ra một tờ báo mới. Nhưng đúng đêm 30 Tết Quý Dậu (25/1/1933), ông qua đời sau một thời gian lâm bệnh.

Nếu nói về vai trò cách tân báo chí của Hoàng Tích Chu không thể không nói đến ông đã làm thay đổi quan niệm về nghề báo và nhà báo lúc bấy giờ. Ông nhận định: "Nghề làm báo ở nước ta cho đến ngày nay vẫn chưa phải là một nghề theo đúng nghĩa của nó vì ở nước ta chưa có trường dạy báo chí. Chúng ta xem đó là một trò tiêu khiển về tinh thần, ký giả chỉ là những người lĩnh lương, tức là những người làm công, vì vậy ký giả làm việc miễn cưỡng". Từ nhận định này, ông quy trách nhiệm trước hết là các chủ báo vì “Khi lập ra tờ báo, ông chủ chỉ chú ý tới vấn đề tiền bạc, thay vì chú ý đến bộ biên tập". Vì vậy, ông cho rằng, các chủ bút phải là những trí thức ưu tú và các nhà báo cũng phải là những trí thức và giỏi nghề báo.

Ông đề cao yếu tố văn hóa trong nghề báo. "Tờ báo là nơi công chúng quan chiêm, chỉ có ta khinh độc giả thì ta mới ăn nói một cách sỗ sàng. Đem nhau chửi ông, chửi cha, chửi làng, chửi họ lên trên mặt báo, phỏng còn lý thú gì... Một điều tôi rất phàn nàn là trong ít lâu nay, làng báo ta thường hay có thói khích bác, bêu riếu nhau". Ông cho rằng nghề báo cũng có cạnh tranh nhau, nhưng phải cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo, "chứ không phải ganh nhau ở cái chỗ khuynh loát bằng những cách đê hèn, soi mói đời tư nhau để hòng giảm giá trị người ta... Vì vậy, "Muốn tăng trình độ cho người đọc báo, ta nên tự tăng trình độ cho ta trước".

Từ đó, Hoàng Tích Chu thấy cần phải chuyên nghiệp hóa báo chí và đội ngũ nhà báo. Nhà báo phải được học nghề, phải được đào tạo. Nghề báo gắn bó với văn chương nhưng đó là một nghề nghiệp riêng. "Kẻ viết văn lắm khi không phải là kẻ viết báo, dù là khi mình viết báo, điều tối thiểu là phải biết viết văn. Nhưng con nhà báo còn phải có lối viết riêng nữa: sáng sủa, rõ ràng, khúc chiết và dễ hiểu. Hơn nữa, nhà báo không sống bằng tưởng tượng quá nhiều như nhà văn mà phải sống thiết thực, có óc khoa học và quan sát tinh vi".
Các nhà báo cần hành nghề với sự trung thành và lòng tự trọng cao cả nhất. "Khi ta đã cùng nhau dấn mình vào tập cái nghề này, tuy không phải tuyên thệ trước tòa án như các luật sư, nhưng trước bàn thờ bà Chúa Báo, chúng ta con một nhà, đã ký kết một bản giao kèo thầm: Tôi xin trọng nghề!".
Với Hà thành ngọ báo, Thời báo, đặc biệt là Đông Tây, Hoàng Tích Chu đã tiến hành công cuộc hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa và văn hóa hóa nền báo chí Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX. Nhiều quan niệm, vấn đề và cách làm ông đưa ra đến nay vẫn  mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần