70 năm giải phóng Thủ đô

[Thông điệp từ lịch sử] Khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông răn dạy vua

Nguyễn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là vị vua góp công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần 2 và lần 3.

Sau những cuộc chiến khốc liệt, ông là người nhân từ, đức độ, là vị tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, một nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Đây cũng là nhà vua có cách dùng người nghiêm cẩn, thưởng phạt công minh.
Năm 1288, sau khi đại phá giặc Nguyên Mông lần thứ 3, vua Trần Nhân Tông bèn có thơ: “Xã tắc lưỡng lao hồi thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai lần phiền ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Đây là lúc nhà vua cùng các quan và mọi người dân bước ra chiến tranh, xây dựng đất nước. Động thái đầu tiên là “khoan thư sức dân”, giảm miễn thuế khóa tạp dịch; thêm nữa là thưởng cho những người có công…
Công - tội phân minh
Một năm sau chiến thắng giặc Nguyên Mông, tháng 4/1289, triều đình luận công ban thưởng cho những người tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được tiến phong làm Đại Vương; các con của ông như Hưng Võ Vương được làm Khai quốc công, Hưng Nhượng Vương làm Tiết độ sứ; ban quốc tính (họ Trần) cho một số người.
Vua gia phong cho Nguyễn Khoái làm liệt hầu, cho một quận ấp làm thang mộc, gọi là Khoái Lộ (nay là phủ Khoái Châu). Vua cũng không quên những đóng góp to lớn của những tộc người ở miền rừng núi, cho man trưởng ở Lạng Giang là Lương Uất làm trại chủ Quy Hóa, cho Hà Tất Năng làm quan phục hầu…
 Khu di tích Đền Trần, Nam Định.
Trong số người có công, một số không được ban thưởng vì làm sai hoặc làm không đúng lệnh vua, như: Hưng Trí Vương (cũng là con của Trần Quốc Tuấn) đón đánh quân giặc lúc chúng rút về nước dù đã có lệnh vua tha cho chúng, không được cản trở chúng trở về nước; Đỗ Hành dù công to nhưng chỉ được phong làm quan nội hầu vì khi bắt được Ô Mã Nhi đã không dâng lên vua mà dâng lên thượng hoàng…
Việc ban thưởng rõ ràng, rộng khắp nhưng vẫn có người chưa bằng lòng, cho rằng vua ban chưa được xứng với công lao. Nhà vua đã giải thích rằng: “Các ngươi quả biết rõ giặc Hồ nhất định không dám lại xâm lấn nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế đã vội thưởng hậu, lỡ ra giặc Hồ trở lại mà bọn ngươi lại lập công nữa thì trẫm lấy gì để khuyến khích thiên hạ?” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn học 2009, trang 317).
Nhận định của vua là chính xác: Nguyên Mông đã tái khởi động chiến tranh với Đại Việt nhưng do vua Nguyên chết nên mọi việc mới dừng lại. Đáng nói hơn, chính sách khen thưởng của vua Trần Nhân Tông là nhằm để khuyến khích người có công, nhìn vào một tổng thể và nghĩ đến những khả năng sẽ xảy ra để chính sách này phát huy hiệu quả nhất, chứ không phải là chính sách nhất thời nhằm vun vén bổng lộc, địa vị cho từng cá nhân.
Ban thưởng đã khó, luận tội và phạt người còn khó hơn. Tuy nhiên, vua Trần Nhân Tông một mặt tiếp thu được chính sách cai trị của những người đi trước, mặt khác thể hiện tấm lòng khoan hậu trong khía cạnh này. Vua tha cho tù binh về nước.
Tội đồ thuộc quân dân hai hương Ba Điểm, Bàng Hà không được làm quan, cấp cho các tể thần làm nô sai khiến. Đặc biệt, thượng hoàng và vua đã cho đốt những tờ biểu của những người có ý hàng giặc “để yên lòng kẻ phản trắc”.
Riêng với những kẻ đã đầu hàng giặc, vua trừng phạt nghiêm khắc, dù kẻ đó đã chết hay vắng mặt. Vua cho xóa bỏ quốc tính một số người làm phản như Trần Kiện. Với Trần Ích Tắc, vua không xóa bỏ quốc tính nhưng cho gọi là “Ả Trần”, tức mỉa mai hèn nhát như đàn bà.
Lời răn tỉnh thức cho một minh quân
Vua Trần Nhân Tông lên ngôi lúc 20 tuổi, trị vì khoảng 15 năm, sau đó (năm 1293) nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông, làm Thái Thượng Hoàng mấy năm sau đó lên núi Yên Tử tu hành. Cuộc đời của vua Trần Nhân Tông với tư tưởng của ông được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, trên cả cương vị là nhà vua, nhà chính trị, quân sự, văn hóa lỗi lạc lẫn là thiền sư sáng lập Thiền phái Trúc lâm…
Tuy nhiên, chỉ xét về khía cạnh chính trị, vua Trần Nhân Tông chứng tỏ là người nhìn xa, trông rộng, đặt quyền lợi của quốc gia lên trên hết. Khi giao quyền cho vua Trần Anh Tông, ông đã nán lại chính trường 6 năm, nhằm theo dõi, rèn cặp vị vua trẻ này cứng cáp rồi mới an tâm ẩn cư. Nên nhớ, vua Trần Nhân Tông ngay từ đầu đã không muốn làm vua mà chỉ muốn dành toàn bộ thời gian cho tu tập, nghiên cứu Phật học… Đều này nói lên rằng, ông ở lại phủ Thiên Trường một thời gian trước khi lên núi Yên Tử không phải do còn quyến luyến quyền lực.
Câu chuyện Thượng hoàng Trần Nhân Tông giúp vua Trần Anh Tông, tỉnh thức bỏ uống rượu, tập trung lo triều chính là một ví dụ tiêu biểu về sự quan tâm của ông cho sự ổn định, phồn vinh của Đại Việt. Sách sử ghi lại rằng, tháng 5/1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên trường bất ngờ đến kinh thành.
Ông lặng lẽ dạo một vòng cung điện xem xét từ giờ Thìn đến giờ Tỵ (từ 7 - 9 đến từ 9 - 11giờ sáng) và ngạc nhiên không thấy vua đâu. Thượng hoàng hỏi vua đâu thì cung nhân vào tìm gặp vua Trần Anh Tông, vị vua này đêm trước uống rượu say dây không nổi. Thượng hoàng lập tức về phủ Thiên Trường, ra lệnh vua quan ngày mai phải có mặt để gặp ông, ai vắng sẽ bị trị tội.
Đến giờ Mùi (1 - 3 giờ chiều), vua Trần Anh Tông mới dậy và biết chuyện lớn sắp xảy ra. Sách sử có kể lại rằng vua Trần Anh Tông gặp Đoàn Nhữ Hài lúc này là một học sinh bèn nhờ vị này viết biểu tạ tội. Ở đây có thể rõ tình thế: Thượng hoàng triệu tập văn võ bá quan là có chuyện hệ trọng; vua Trần Anh Tông tình cờ gặp một học sinh mà đã nhờ viết biểu tạ tội chứng tỏ lúc này tinh thần hoảng hốt nên không thể tự tay soạn biểu được; nên nhớ Đoàn Nhữ Hài là người như thế nào vua chưa kiểm chứng, còn bình thường khi bình tĩnh vua sẽ soạn biểu dễ dàng vì các vua nhà Trần đều được đào tạo bởi những danh sĩ hàng đầu của đất nước.
May mắn là bài biểu của Đoàn Nhữ Hài nói được ý của vua Trần Anh Tông và xoa dịu được sự tức giận của Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Thượng hoàng đã răn dạy khi cho gọi vua Trần Anh Tông vào gặp: “Trẫm còn có con khác có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn dám như thế, huống chi sau này?”.
Vua Trần Anh Tông từ đó bỏ rượu chè, chăm chú vào việc cai trị đất nước. Vị vua này được các sử gia khen ngợi: “Vua khéo nối chí giữ nghiệp, cho nên bấy giờ nước được thái bình, chính trị tốt đẹp, văn vật chế độ dần dần thịnh lên, cũng là bậc vua tốt của triều Trần” (Sđd, trang 329). Đó là nhờ công lớn của sự rèn cặp nghiêm khắc của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, một vị vua mà ở bất cứ khía cạnh nào ở ông cũng lấp lánh ánh hào quang, khiến người đời ngưỡng mộ.

"Trần Nhân Tông trên thờ Từ Cung tỏ rõ đạo hiếu, dưới dùng người hiền, lập nên vũ công, nếu không phải là bậc nhân minh anh vũ thì sao được như thế?- Ngô Sĩ Liên