Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Lê Thánh Tông - nhà cải cách toàn diện, sâu sắc

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lịch sử Việt Nam trung đại đã chứng kiến nhiều cuộc cải cách nhà nước, trong đó cuộc cải cách của Lê Thánh Tông là toàn diện, sâu sắc và thành công nhất, tạo ra bước ngoặt để đưa Đại Việt bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử của mình.

Người gánh vác sứ mệnh lịch sử
Lê Tư Thành và mẹ ông cũng như nhiều người khác chắc không nghĩ ông sẽ có ngày làm vua. Nhưng, dường như lịch sử đã giao phó cho ông sứ mệnh không hề dễ dàng, là củng cố và xây dựng một nhà nước/quốc gia thịnh trị. Khi ông tiếp nhận ngai vua, triều đình và đất nước đã bắt đầu khủng hoảng về chính trị, kinh tế, an ninh quốc gia cũng đang bị đe dọa.

Lê Thái Tổ dựng nên triều Lê (sơ) nhưng chỉ mấy năm sau do bị nịnh thần xúc xiểm và nghi kỵ nên đã tàn sát nhiều trung thần. Cuộc khủng hoảng cung đình ngày càng nặng nề hơn và kết cục cuối cùng là Lê Nghi Dân giết Lê Nhân Tông và Hoàng Thái hậu để lên ngôi rồi bị lật đổ và Lê Tư Thành tiếp quản cái triều đình đó.

Bản chất cuộc khủng hoảng này là khủng hoảng về nền tảng tư tưởng chính trị của của mô hình nhà nước phong kiến quý tộc Phật giáo đã trở nên già cỗi từ cuối thời nhà Trần và càng về sau càng lỗi thời.
Hình tượng vua Lê Thánh Tông trên bìa sách.
Từ cuối thời Trần, Hồ Quý Ly đã nhận ra vấn đề và thực hiện cuộc cải cách nhưng chưa thành thì đã phải dừng lại vì cuộc xâm lược của nhà Minh. Sang nhà Lê, các vua Thái Tổ, Thái Tông, kể cả Nhân Tông đã có nhiều chấn chỉnh theo hướng cải tổ nhưng vẫn chưa đồng bộ và chưa có nhiều kết quả. Lê Thái Tổ “… Khi lên ngôi vua đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học, có thể nói là có mưu kế xa rộng, mở mang cơ nghiệp”, lấy Nho giáo làm nền, “… rất mực sùng Nho, trọng đạo” (Toàn thư). Thái Tông cũng “Bên trong thì ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp di địch, trọng đạo, sùng Nho…”. Đến thời Nhân Tông, vì còn nhỏ tuổi, bị người lớn buông rèm nhiếp chính khiến tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa đang có nhu cầu và điều kiện phát triển thì bị kìm hãm bởi cơ chế hành chính lạc hậu và đội ngũ quyền thần thao túng. Chế độ nô tỳ vẫn tồn tại khiến sức sản xuất không được giải phóng trong lúc đó hoạt động sản xuất trên mọi lĩnh vực đang có nhu cầu ngày càng lớn.

Trong lúc đó bọn quyền thần ngày càng lộng hành. Nhà vua bất lực, trung thần bị hãm hại. Nạn hà hiếp dân và ăn hối lộ ngày càng phổ biến. Bất bình xã hội ngày càng nhiều, nhất là khu vực đồng bào thiểu số, nhiều cuộc nổi dậy, nhất là khu vực đồng bào thiểu số đã nổ ra như Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ (Lai Châu), Cầm Quý (Nghệ An), Hà Tông Lai (Tuyên Quang).

Thêm nữa, Chiêm Thành đánh nống ra đòi đất ở châu Hóa; Ai Lao quấy nhiễu, xâm lấn ở mường Mộc (Mộc Châu, Sơn La); nhà Minh vẫn chưa nguôi ý chí xâm lược…

Một cuộc cải cách thành công

Cải cách hành chính là nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh; “pháp trị đi đôi với nhân trị” là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình cải cách của Lê Thánh Tông.

Cải cách trước tiên của Lê Thánh Tông là phân cấp quản lý đất đai, lãnh thổ. Năm 1466, bỏ đơn vị trấn, lộ, đặt cả nước thành 13 thừa tuyên. Đến năm 1489 triều đình đã xác “xác định được bản đồ toàn quốc, 13 xứ thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6.851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguồn, 30 trường”; các xã thì quy định quy mô lớn nhỏ để quản lý. Như vậy, lúc này bắt đầu hình thành chính quyền 4 cấp và tồn tại cho đến tận ngày nay. Dưới chính quyền trung ương là Thừa tuyên là phủ/huyện/châu. Dưới cùng là cấp cơ sở phường/xã/thôn/trang… Ngoài bản đồ Hồng Đức, năm 1468, quy định bản đồ của phủ, châu, huyện, xã, trang, sách. Lại “định lệnh đắp dựng mốc giới ruộng đất công, tư …. để làm phép vững chắc lâu dài” (Toàn thư).

Nội dung cải cách trọng tâm của Lê Thánh Tông là xây dựng một cơ cấu tổ chức nhà nước đủ sức đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vẫn lấy Nho giáo làm nền tảng nên không thể thoát ly được mô hình nhà nước phong kiến Trung Hoa nhưng nhà nước pháp quyền mà Lê Thánh Tông xây dựng đã có không ít điểm khác và mới. Ông chủ trương củng cố vương triều, nâng cao quyền lực nhà vua, xây dựng bộ máy nhà nước mạnh, có hiệu lực, hạn chế đến mức thấp nhất sự phân quyền và sự lộng hành của các công thần. Cuộc cải cách này phải kéo dài liên tục trong nhiều năm và đến năm 1471, với việc ban hành “Sửa định Hoàng triều quan chế” thì cơ bản đã có một thiết chế nhà nước mà tư tưởng cơ bản: “Chế độ ngày nay đặt quan đều lượng ít, trật thấp. Số quan đặt ra so với trước tăng rất nhiều, nhưng tiền lương chi tiêu so với xưa vẫn thế. Đã không có người nào ăn hại mà trách nhiệm lại có nơi quy kết, khiến cho quan to, quan nhỏ đều ràng buộc với nhau. Chức trọng, chức khinh cùng kiềm chế lẫn nhau. Uy quyền không bị lợi dụng, thế nước vậy là khó lay. Hình thành thói quen giữ đạo lý, theo pháp luật mà dứt bỏ tội khinh nhân nghĩa, phạm ngục hình” (Toàn thư). Bãi bỏ chức Tể tướng và các chức Tả, Hữu tướng quốc, Bộc xạ, Đại hành khiển; đặt ra các chức Thái (Thái sư, Thái úy, Thái phó, Thái bảo), Thiếu (Thiếu sư, Thiếu úy, Thái phó, Thiếu bảo) và các Đại học sĩ để giúp việc nhà vua. Bãi bỏ các cơ quan như Nội mật viện, Chính sự viện, Thượng thư sảnh, Môn hạ sảnh, Tông nhân phủ. Đặt mới 5 phủ về quân sự, có đốc phủ đứng đầu. Về hành chính, đặt 6 bộ (Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Công, Bộ Hình (đổi từ Khâm hình viện) và 6 Tự (Đại lý, Thái thường, Quang lộc, Thái bộc, Hồng lô, Thượng bảo). Bên cạnh các bộ có các Khoa để giúp đỡ, tư vấn, giám sát. Ở các địa phương, mỗi thừa tuyên có 2 ty là Đô ty và phụ trách quân sự, Tuyên chính sử ty trong coi việc hành chính dân sự, sau đặt thêm Hiến sát ti để giám sát quan lại địa phương và trông nom dân tình. Tổng binh coi việc quân sự, Đô ty, Thủ ngự trông coi bố phòng các nơi xung yếu; lại đặt tuần giang, giang quan kiểm tra các nơi sông biển. Cấp Phủ có tri phủ, tri huyện, tri châu. Tất cả các cơ quan đều có liên quan ràng buộc lẫn nhau nhưng mọi quyền lực và quyết định cuối cùng đều thuộc về nhà vua.

Lê Thánh Tông hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ quan lại có năng lực và phẩm chất tốt. Quan điểm lựa chọn nhân tài của ông là kết hợp thi cử và tiến cử. Thời Lê Thánh Tông có 12 kỳ thi, chọn được 501 tiến sĩ và 10 trạng nguyên. Ai đỗ đạt thì được bổ làm quan. Đề ra lệ 3 năm khảo khóa một lần để kiểm tra năng lực quan chức. Quan văn, võ 65 tuổi thì nghỉ hưu.

Lê Thánh Tông đề ra nhiều biện pháp quản lý đội ngũ quan lại, làm trong sạch bộ máy; ai phạm lỗi thì bị hình phạt, không làm được việc thì bị bãi chức; ai làm tốt thì được thăng chức.

Để phát huy hiệu lực của bộ máy, Lê Thánh Tông xây dựng quy chế vận hành hệ thống trên nguyên tắc quyền lực tối cao thuộc về nhà vua, không phân quyền, các cơ quan chỉ có vai trò tư vấn. Bộ Luật Hồng Đức - Quốc triều hình luật được hoàn chỉnh và ban hành dười triều Lê Thánh Tông quy định rất rõ ràng không chỉ hình luật mà về cả các triều nghi, triều phục rất chi tiết, rõ ràng. Đây là bộ luật hoàn chỉnh nhất, tiến bộ nhất của Việt Nam dưới thời phong kiến.

Về phương diện văn hóa giáo dục, Lê Thánh Tông cũng đã có nhiều cải cách quan trọng. Đó là bãi bỏ việc ban quốc tính; coi trọng biên soạn quốc sử, xem sử như một tấm gương để soi vào mà biết đúng sai. Ngoài ra, việc sử dụng lễ, nhạc, quy chế thi cử, về giáo dục gia đình, hôn nhân... cũng được luật hóa nghiêm túc.

Công cuộc cải cách của Lê Thánh Tông không chỉ có ý nghĩa chấn chỉnh bộ máy mà qua đó đã làm biến chuyển toàn bộ các hoạt động của quốc gia, làm cho vương triều vững mạnh và đất nước trở nên hưng thịnh nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam.

Thiết nghĩ công cuộc cải cách này vẫn còn nhiều giá trị thực tiễn với hôm nay.
Trước bối cảnh đất nước có nhiều bất ổn, Lê Thánh Tông đã nhận sứ mệnh phải thực hiện một cuộc cải cách lớn, phải xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh, trước mắt là thực hiện một cuộc cải cách về hành chính để giải phóng sức dân, an dân và giữ nước. Công cuộc cải cách của Lê Thánh Tông không chỉ có ý nghĩa chấn chỉnh bộ máy mà qua đó đã làm biến chuyển toàn bộ các hoạt động của quốc gia, làm cho vương triều vững mạnh và đất nước trở nên hưng thịnh nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam.