Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Một nhà “Lúc nguy hiểm, lúc bình thường vẫn trọn một tiết”

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhà anh em Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt thời Lê sơ. Các ông đã tham gia từ đầu và trở thành những tướng lĩnh xuất sắc của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, là khai quốc công thần của nhà Lê.

Đền thờ Linh Cảm Đại vương Đinh Lễ tại làng Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh - nơi ông được thờ làm Thành hoàng làng.
Ba ông quê ở sách Thủy Cối, nay là nay là xã Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cha là Đinh Tôn Nhân; mẹ là Lê Thị Ngọc Vồi/Vị. Ba anh em gọi Lê Lợi bằng cậu. Đinh Tôn Nhân là hậu duệ của Đinh Bộ Lĩnh, là hào kiệt trong vùng đã từng theo khởi nghĩa của Trần Quý Khoáng, sau cả nhà tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Riêng Đinh Liệt đã tham gia Hội thề Lũng Nhai năm 1416 cùng chủ tướng Lê Lợi và 17 vị hào kiệt khác.
Đinh Lễ đứng hàng đầu tướng giỏi

“Ông tính người anh nghị quả cảm, nhiều mưu lược, võ nghệ hơn người” (Lê Quý Đôn) đã cùng các em tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu. Buổi đầu khởi sự, lực lượng còn mỏng, quân lương thiếu thốn, lại bị quân Minh bao vây, nghĩa quân ở vào tình thế khó khăn, Đinh Lễ là một trong 50 tướng văn, tướng võ được Lê Lợi đốc xuất quân Thiết đột để đối phó với địch.

Ngày 16 tháng Tư năm Mậu Tuất (21/5/1418), nghĩa quân bất ngờ bị đánh úp, không kịp đối phó nên tổn thất nặng nề. Quân địch càn quét khủng bố tàn bạo. Chúng quật cả mồ mả tổ tiên Lê Lợi, lùng bắt gia quyến của ông và nghĩa quân. Nghĩa quân lại phải rút lên núi Chí Linh nương náu. Suốt ba tháng liền bị tuyệt lương, nghĩa quân chỉ có rau rừng, măng nứa. Đến nỗi khi trở lại Lam Sơn nghĩa quân chỉ còn 100 người. Trong thời điểm gian khó đó, Đinh Lễ và các tướng lĩnh trung kiên đã sát cánh cùng Lê Lợi vượt qua thử thách.

Năm Giáp Thìn (1424), nghĩa quân tiến vào Nghệ An, vây hãm thành Trà Lân buộc giặc đầu hàng. Đầu năm Ất Tỵ (1425), quân Minh tiến lên hòng giành lại Trà Lân nhưng bị nghĩa quân phục kích ở Khả Lưu - Bồ Ải. Trong trận này, Đinh Lễ cùng Lê Sát tiên phong xông lên phía trước chiến đấu vô cùng dũng cảm. Quân Minh thua to, phải rút chạy về thành Nghệ An. Sau trận này ông được phong chức Tư không.

Năm Ất Tỵ (1425), Đinh Lễ được sai đi tuần ở Diễn Châu. Ông đặt phục binh ngoài thành, đón đánh tướng Minh là Trương Hùng vận chuyển 300 thuyền lương từ Đông Quan tới. Quân Minh trong thành Diễn Châu mở cửa thành ra đón bị quân mai phục của Đinh Lễ đổ ra đánh. Đinh Lễ cướp thuyền lương, thừa thế đuổi đánh tận Tây Đô rồi cùng Lý Triện, Lê Sát vây hãm thành.

Tháng 8 năm Bính Ngọ (1426), sau khi làm chủ từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh Bắc tiến. Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí lãnh một cánh ra đánh Đông Quan.

Tại đây, Đinh Lễ và Nguyễn Xí hợp quân với Lý Triện, Đỗ Bí đánh Đông Quan. Tiếp đó ông cùng các tướng Lý Triện, Nguyễn Xí đã tương kế, tựu kế dụ quân Minh tiếp viện do Vương Thông chỉ huy vào ổ mai phục ở Tốt Động, tiêu diệt 5 vạn, bắt sống 1 vạn, chém chết các tướng giặc là Trần Hiệp và Lý Lượng. Quân Minh phải rút về Đông Quan cố thủ. Chiến thắng Tốt Động đã mở ra một bước ngoặt mới cho cuộc khởi nghĩa mà công đầu thuộc về Đinh Lễ và Lý Triện.

Tháng 2 năm Đinh Mùi (1427), ông cùng Nguyễn Xí tiếp viện giải vây cho quân ta ở Tây Phù Liệt. Các ông đuổi đánh quân Minh đến My Động nhưng hậu quân Lam Sơn không theo kịp nên bị Vương Thông quay lại đánh. Không may,voi bị sa đầm lầy, các ông bị quân Minh bắt. Đinh Lễ không chịu hàng nên bị giết, (ngày 9, tháng 3 năm 1427). Đinh Lễ hy sinh nhưng đúng như Lê Quý Đôn đã nói : “Trong khoảng một năm (1426 -1427), cả nước được bình định. Đó đều là công của bọn các ông Lê Lễ, Lê Triện”, hay nhận định của Ngô Sĩ Liên: “… tướng giỏi thời ấy thì Lễ và Triện xứng đáng đứng đầu”.

Sau khi lên ngôi, Lê Lợi truy tặng ông làm Nhập nội kiêm hiệu tư đồ. Năm 1484, Lê Thánh tông gia phong làm Thái sư Bân quốc công, rồi sau tấn phong là Hiển Khánh vương.

Đinh Bồ “bình Ngô khấu, cứu Nam bang”

Tham gia khởi nghĩa từ ngày đầu, ông được phân công quản 2 đồn điền Mỹ Lâm và Mục Sơn, lo việc quân lương. Ông có mặt trong ngày Hội ra quân năm Mậu Tuất (1418).

Trong thời kỳ đứng chân ở Thanh Hóa, ông tham gia đánh thắng các trận Lạc Thủy, Nga Lạc, Bồ Thi Lang.

Năm Giáp Thìn (1424) khi Lê Lợi tiến vào Nghệ An, ông lập công trong trận hạ đồn Đa Căng, tham gia trận Trà Lân, Khả Lưu - Bồ Ải và được phong Thiếu phó, Thượng tướng quân.

Tháng 4 năm Bính Ngọ (1426), ông cùng Lê Nổ, Lê Định tiến công vào nam, giải phóng Hồ Xá, Tân Bình. Tháng 5 tiếp tục giải phóng Hóa Châu, Thuận Châu rồi được giao trấn thủ tại đây.

Đinh Bồ mất ngày 15 tháng 7 năm Đinh Mùi (1427) vì trúng tên độc trong trận đánh Hồ Xá. Ông được phong tước Thái phó Định Quốc công, Uy Dũng đại vương, Trung đẳng phúc thần và lập đền thờ tại Thuận Hóa.

Đinh Liệt “xứng đáng làm bầy tôi xã tắc”

Những ngày đầu, ông cùng các anh theo Lê Lợi chiến đấu vùng núi Chí Linh, “được vua coi làm tâm phục, luôn cho theo hầu bên cạnh, vượt núi leo đèo, trải bao gian khổ, chiến công rất nhiều” (Lê Quý Đôn).

Năm 1424, quân Lam Sơn chiếm được thành Trà Lân, trước khi tiến về xuôi vây thành Nghệ An, Lê Lợi cho Đinh Liệt mang quân đánh chiếm huyện Đỗ Gia (nay là Hương Sơn, Hà Tĩnh) và xây dựng đại bản doanh của nghĩa quân ở động Tiên Hoa. Tại đây, năm 1426, nghĩa quân đã tổ chức trận phục kích động Tiên Hoa/Đãng phủ - sông Khuất tiêu diệt quân địch từ thành Nghệ An tiến lên.

Năm 1427, Đinh Liệt được phong làm Nhập nội thiếu úy Á hầu.

Cuối năm 1427, ông cùng Lê Sát đánh tan viện binh Liễu Thăng ở Chi Lăng. Đầu năm Mậu Thân (1428), ông được xếp vào chức thủ quân thiết đột.

Vua Thái tổ lên ngôi, Đinh Liệt được xếp công hạng nhất trong số 121 người được ban khen vì có công lao siêng năng khó nhọc ở Lũng Nhai, được ban quốc tính, phong Suy trung tán trị hiệp mưu bảo chính công thần, Vinh lộc đại phu, tả Kim ngô vệ đại tướng quân, tước Thượng trí tự.

Năm Kỷ Dậu (1429), khi khắc biển công thần, Đinh Liệt được phong làm Đình Thượng hầu.

Năm Nhâm Tý (1432), ông được phong làm Nhập nội tư mã, được tham dự triều chính.

Tháng 5 năm Giáp Dần (1434), đời Thái Tông, Đinh Liệt được lệnh thống đốc các đạo quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa đi tuần tiễu đánh dẹp quân Chiêm Thành quấy nhiễu Thuận Hóa.

Tháng 11 năm Tân Dậu (1441), vua Thái Tông sai Đinh Liệt, lúc ấy là Nhập nội Đô đốc mang sắc mệnh lập làm Hoàng thái tử Bang Cơ.

Tháng 8, năm Nhâm Tuất (1442), vua Thái Tông băng, ngày 12, Nguyễn Xí, Lê Thụ, Trịnh Khả nhận di mệnh cùng với Đinh Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi tức Nhân Tông.

Năm 1444, đời Lê Nhân Tông, khi vua còn nhỏ, vì có người vu cáo ông, thái hậu Nguyễn Thị Anh cầm quyền nhiếp chính sai giam cả nhà ông, sau mấy năm mới được thả.

Cũng dưới thời Lê Nhân Tông (1454 - 1459), ông còn giữ chức Thái bảo.

Ngày 3, tháng 10 năm Kỷ Mão (1459), chính biến Lê Nghi Dân cướp ngôi Lê Nhân Tông. Ngày mồng 6, tháng 6 năm Canh Thìn (1460), Đinh Liệt lúc ấy giữ chức Khai phủ nghi đồng tam ty Thái phó bình chương quân quốc trọng sự Á quận hầu, cùng với Nguyễn Xí, và các trung thần khác lật đổ Lê Nghi Dân đưa Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông.

Tháng 10, năm 1460, vua Lê Thánh Tông phong ông làm Lân Quận Công.

Tháng 12 năm 1460, ông cùng Lê Lăng đi đánh tù trưởng họ Cầm làm loạn, được thăng lên chức Thái sư phụ chính.

Năm Ất Dậu (1465), Nguyễn Xí mất, Đinh Liệt làm quan đầu triều, “quyết đoán những mối ngờ lớn, quyết định những việc bàn lớn. Vua rất tin cậy, trong triều ngoài nội đều tôn trọng”(Phan Huy Chú).

Năm Canh Dần (1470), ông theo Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, làm tướng tiên phong, đánh chiếm kinh thành Đồ Bàn, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn.

Năm Tân Mão (1471), Đinh Liệt mất, được truy phong là Trung Mục vương. Con cháu ông tiếp tục nối đời làm quan cho nhà Hậu Lê và thời Lê - Trịnh.

Ba anh em họ Đinh một lòng yêu nước, là những tướng lĩnh tài ba có nhiều công trạng. Hai ông Đinh Lễ và Đinh Bồ hy sinh lúc cầm quân đánh giặc. Đinh Liệt không chỉ là võ tướng, còn là quan đầu triều có tài quản trị, được sự tin cậy của nhà vua. Một nhà hiển hách, trung liệt như các ông kể cũng là điều hiếm.
Ba anh em họ Đinh một lòng yêu nước, là những tướng lĩnh tài ba có nhiều công trạng. Hai ông Đinh Lễ và Đinh Bồ hy sinh lúc cầm quân đánh giặc. Đinh Liệt không chỉ là võ tướng, còn là quan đầu triều có tài quản trị, được sự tin cậy của nhà vua. Một nhà hiển hách, trung liệt như các ông kể cũng là điều hiếm.