Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Người Hà Nội đã chọn ai vào Quốc hội khóa đầu tiên?

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây hơn 75 năm, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đã bầu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một thời đại mới cho dân tộc.

Hà Nội là trung tâm của sự kiện chính trị trọng đại bậc nhất này trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Người Hà Nội đã lựa chọn cho mình những đại biểu ưu tú nhất để lo việc nước.
Trung tâm của sự kiện

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trở thành thủ đô của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), vai trò trung tâm chính trị của Hà Nội càng lớn lao, phức tạp, nóng bỏng hơn bởi tập trung đầy đủ mọi lực lượng chính trị, quân sự trong và ngoài nước. Ngoài Việt Minh, còn có các lực lượng chính trị khác là Việt Quốc (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Việt Cách (Việt Nam Cách mạng đồng minh hội), Đại Việt Quốc Dân Đảng... Các đảng phái đối lập này được có sự hỗ trợ của nước ngoài, đặc biệt là đội quân của Trung Hoa dân quốc vào giải giáp quân đội Nhật đã ra sức chống phá nhà nước VNDCCH, chống phá cuộc Tổng tuyển cử. Việt Quốc, Việt Cách đã tuyên bố tẩy chay cuộc Tổng tuyển cử. Quân Pháp được sự hỗ trợ của quân Anh, đã gây chiến ở Nam Bộ làm cho tình hình chính trị ở thủ đô càng thêm phức tạp. Mâu thuẫn chính trị trong nước chồng chéo với mâu thuẫn giữa ta với các lực lượng ngoại quốc, thậm chí mâu thuẫn của các nước cũng diễn ra ở đây vì cùng tranh giành quyền lợi hoặc sự ảnh hưởng, nhất là mâu thuẫn Hoa - Pháp.
Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2/3/1946. Ảnh tư liệu
Về sau, mặc dù đã tuyên bố thỏa thuận nhưng Việt Quốc, Việt Cách vẫn tìm mọi thủ đoạn để tẩy chay Tổng tuyển cử như dùng báo chí đả kích Việt Minh và Chính phủ, tổ chức tuần hành kêu gọi tẩy chay bầu cử, thậm chí bắt cóc, giết ứng cử viên, Đảng viên Cộng sản, cán bộ Việt Minh, thủ tiêu những người có cảm tình với Chính phủ.

Trong bối cảnh đó, Nhân dân Hà Nội đã hết mực tin tưởng, ủng hộ, bảo vệ Việt Minh và Chính phủ.

Ngày 6/1/1946, Hà Nội đã cùng cả nước tổ chức thành công Tổng tuyển cử. 91,95% số cử tri Hà Nội đã đi bầu và bầu được 6 đại biểu là Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Đức, Vũ Đình Hòe, Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Thị Thục Viên. Đã có độ lùi của thời gian để khẳng định, người Hà Nội năm đó thật chính xác và tinh tế khi lần đầu tiên bỏ phiếu lựa chọn những đại biểu cho mình ở Quốc hội.

Những gương mặt ưu tú

Trong số 6 Đại biểu Quốc hội khóa I được bầu của Hà Nội có hai vị của Việt Minh là Chủ tịch Hồ Chí Minh và bác sĩ Trần Duy Hưng, còn lại của Đảng Dân chủ hoặc không đảng phái. Không cùng đảng phái nhưng họ đều là trí thức có tinh thần yêu nước. Hành trình trở thành đại biểu Quốc hội khác nhau, cuộc đời và sự nghiệp khác nhau nhưng họ đều có những đóng góp quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) ra đi tìm đường cứu nước khi 21 tuổi (1911). Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê Nin, Người luôn hướng đến vấn đề dân tộc, một lòng một dạ đấu tranh vì độc lập dân tộc. Người đã sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), thành lập Việt Minh (1941) là những tổ chức đã lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám và sáng lập nhà nước VNDCCH. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng mũi chịu sào để tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội (6/1/1946), xây dựng và ban hành Hiến pháp nước VNDCCH; là nhà lãnh đạo tối cao của các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Không chỉ là chính khách, nhà lãnh đạo lỗi lạc, Người còn là nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc.

Luật sư Vũ Đình Hòe (1912 - 2011), tốt nghiệp Luật khoa Đại học Đông dương; tham gia nhóm trí thức cấp tiến Thanh Nghị, làm Chủ nhiệm tạp chí Thanh Nghị (15/5/1941 - 8/1945).

Ông là sáng lập viên, Ủy viên Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam (30/6/1944); Tổng Thư ký Hội Tân Việt Nam (5 - 7/1945), Phó Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ; là người vào Bắc Bộ phủ thuyết phục Khâm sai Phan Kế Toại từ chức, sau đó đi Huế thuyết phục Phan Anh và Vũ Văn Hiền rút ngay ra khỏi Chính phủ Trần Trọng Kim.

Tháng 8/1945, ông dự Quốc dân Đại hội Tân Trào do Việt Minh tổ chức để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục (8/1945 - 3/1946); Bộ trưởng Bộ Tư pháp (1946 - 1960); là thành viên Ban sửa đổi Hiếp pháp 1960. Sau khi giải thể Bộ Tư pháp, ông là chuyên viên nghiên cứu của Viện Luật học thuộc Ủy ban khoa học xã hội.

Kỹ sư Hoàng Văn Đức (1918 - 1996), đảng viên Đảng Dân chủ tham gia Quốc dân Đại hội Tân Trào, gia nhập Việt Minh và khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội (19/8/1945).

Ông đã đóng góp nhiều công sức trong việc đảm bảo tăng gia sản xuất lương thực chống lại nạn đói năm 1945. Ông là Tổng Giám đốc Nha Nông chính Việt Nam (1946 - 1952), Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh (1946 - 1951), Ủy viên Thường vụ Quốc hội nước VNDCCH (1946 - 1957), Ủy viên Thường vụ Đảng Dân chủ (1946 - 1957), Ủy viên T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955 - 1957). Về sau, ông là giảng viên Đại học Nông nghiệp (1957 - 1959).

Bác sỹ Trần Duy Hưng (1912 - 1988) tham gia các phong trào xã hội, là thủ lĩnh phong trào Hướng đạo sinh ở Bắc kỳ, phong trào chấn hưng Phật giáo và cứu tế từ những năm 1930. Ông là thành viên của nhóm Thanh Nghị, sáng lập viên Hội Tân Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông nhận lời Chủ tịch Hồ Chí Minh ra làm Thị trưởng Hà Nội (30/8/1945 - 12/1946) mặc dù trước đó ông đã từ chối lời mời tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim.

Trong kháng chiến chống Pháp ông là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (4/1947 - 1954), Thứ trưởng Bộ Y tế (6/1954).

Sau giải phóng Thủ đô (10/10/1954), ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính TP Hà Nội đến 6/1977. Ông là Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII, là Ủy viên Ủy ban Y tế và xã hội của Quốc hội.

Bác sỹ Nguyễn Văn Luyện (1898 -1946) sau khi tốt nghiệp y khoa tại Đại học Đông Dương đã sang Pháp làm luận văn y học xã hội về nạn tử vong của trẻ em Việt Nam. Về nước (1928), ông hành nghề y và hoạt động xã hội vì người nghèo... Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Dân chủ.

Sau Cách mạng tháng Tám ông được mời vào Ban Cố vấn cho Chủ tịch Chính phủ. Ông là thành viên Ban Thường trực Quốc hội; là thành viên phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau (6/7 - 10/9/1946). Ông và hai con trai (là sinh viên y khoa) đã hy sinh khi trực tiếp chiến đấu ngay đêm đầu tiên toàn quốc kháng chiến.

Nhà giáo Nguyễn Thị Thục Viên (1903 - 1984) tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, dạy học ở Nam Định và Hà Nội; sau cách mạng tháng Tám được cử làm hiệu trưởng trường Nữ học Đồng Khánh/Hai Bà Trưng.

Bà là nữ Đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội và là thành viên nữ duy nhất trong Ban soạn thảo Hiến pháp 1946.

Trong kháng chiến chống Pháp bà là Hiệu trưởng trường Trung học kháng chiến, Hiệu phó trường Sư phạm Trung cấp trung ương. Tháng 2/1950, từ Ủy viên Dự khuyết, bà được bầu làm Ủy viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội.

Bà là đại biểu Quốc hội khóa II và tiếp tục là Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội; Sáng lập viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1950) và là Phó Chủ tịch hội từ khóa đầu tiên đến nhiều khóa liên tiếp sau đó cho đến khi qua đời (năm 1984).

Với tinh thần trách nhiệm cao cả và nền tảng kiến thức vững vàng, các đại biểu Quốc hội khóa I của Hà Nội đã hoàn thành trọng trách, xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân Thủ đô. Lúc thuận lợi hay khó khăn họ vẫn bình thản và nỗ lực cống hiến. Có người đã cầm súng hy sinh. Họ đã sống thật đẹp.
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của cả nước. Đại biểu Quốc hội của Hà Nội có trọng trách rất lớn không chỉ với Hà Nội mà với cả nước. Hy vọng kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV sắp tới, cử tri Hà Nội sẽ tiếp tục lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Hà Nội và cả nước.