Sau Đặng Trần Thường là Nguyễn Văn Thành - một võ tướng nhưng tội vạ lại bắt nguồn từ những “duyên nợ” văn chương.
Từ những sơ suất trong ứng xử
Nguyễn Văn Thành là một võ tướng hay bất cẩn trong lời nói thường ngày khiến vua Gia Long khó chịu. Năm 1812, khi vua đi thăm sơn lăng, Văn Thành đã khoe: “Đất ấy chưa đủ làm tốt. Mộ mẹ thần cũng có đất ngũ sắc, mà sắc coi còn tươi nhuần, có thể tốt hơn đất này”. Vua lặng yên. Bầy tôi đều bất bình. Rồi Văn Thành lại nói: “Gần đây xứ Châu Ê có một kiểu đất rất tốt”.
Bọn đại thần Phạm Văn Nhân đều nói: “Đã biết đấy có đất tốt, sao không tâu cho vua nghe?”. Văn Thành nói: “Đất ấy tuy tốt nhưng không thể táng được, táng đấy hẳn bị sét đánh”. Vua nghe không đẹp lòng.
Nguy hiểm hơn, Văn Thành mắc lại sai lầm của Nguyễn Công Hãng ngày trước, đó là bày tỏ ý kiến hoặc có ý muốn can thiệp quá sâu vào việc quyết định người kế vị ngai vàng, không ủng hộ Minh Mạng mà lại bảo lưu ý kiến của mình trong việc đề xuất đưa hoàng tôn Đán (tức là Mĩ Đường, con hoàng tử Cảnh) lên làm vua. Năm 1815, một hôm Nguyễn Văn Thành mời các quan trong triều uống rượu ở nhà, nói rằng mình sắp tâu xin lập Mĩ Đường nối ngôi. “Trong đám ngồi không ai dám nói gì.
Trịnh Hoài Đức sợ vạ lây mình, bèn nói rằng: “Việc lớn của nhà nước, quyết định do ở lòng vua, nếu người bầy tôi định kế riêng, tham lấy công to thì tội lại lớn”. Theo Đại Nam thực lục, “Từ đó hễ cứ Văn Thành vào yết kiến là chỉ xin dựng thái tử. Vua nín lặng. Văn Thành tự biết không được thỏa ý, càng thêm ngờ sợ. Con là Văn Thuyên nhòm biết ý cha, thầm mang lòng phản trắc, bèn giao thông khách khứa, kết riêng bè đảng. Văn Thành cũng không ngăn cấm”.
Đến tai vạ văn chương “giữa trời rơi xuống”
Cũng theo Đại Nam thực lục, khi ấy có người Thanh Hoa là Nguyễn Trương Hiệu tự đến xin làm môn khách của Văn Thuyên. Ở không bao lâu, Văn Thuyên sai về. Trương Hiệu nói với đồng quận là Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Hựu Nghi rằng Văn Thuyên ngầm muốn nổi loạn, dùng thơ sai Trương Hiệu gọi bọn người trong quận là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận, lời rất bội nghịch. Thơ rằng:
Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt/Hư hoài trắc tịch dục cầu ti/Vô tâm cửu bão Kinh Sơn phác/Thiện tướng phương tri Kí Bắc kì/U cốc hữu hương thiên lí viễn/Cao cương minh phượng cửu cao tri/Thử hồi nhược đắc sơn trung tể/Tá ngã kinh luân chuyển hóa ki/(Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt/ Dành để chiếu bên ta muốn chờ/ Vô tâm ôm mãi ngọc Kinh Sơn/Tay sành mới biết ngựa Kí Bắc/Thơm nghìn dặm lan trong hang tối/Vang chín chằm phượng hót gò cao/Phen này nếu gặp tể [tướng] trong núi/Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ).
Nghi sai Trương Hiệu đem thơ ấy cáo với Lê Văn Duyệt. Duyệt với Văn Thành vốn không ưa nhau, bèn đem thơ phản nghịch của Văn Thuyên dâng lên. Vua cho rằng sự trạng chưa được rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về.
Trương Hiệu nhân thế giữ bài thơ làm bằng cớ, thường đến Văn Thuyên đòi hối lộ. Văn Thuyên cho mãi không vừa. Hiệu bèn lẻn đợi Văn Thành lui chầu, đứng ở bên đường nắm lấy vạt áo mà hỏi mãi. Văn Thành bất đắc dĩ, bắt Trương Hiệu và Văn Thuyên đưa cho Quảng Đức tra hỏi, rồi tự rảo vào chầu, đem việc tâu lên. Vua sai đình thần xét án. Trương Hiệu nói đủ về tình trạng mưu phản của Văn Thuyên và đem môn khách của Văn Thuyên là Đỗ Văn Chương làm chứng. Hỏi thì Văn Chương đã về Gia Định. Vua bèn tha Văn Thuyên ở ngục ra mà hạ lệnh bắt Văn Chương về Kinh để đối chất”.
Ngay năm sau (1816), Kí lục Quảng Trị là Nguyễn Duy Hòa vào chầu, dâng sớ hạch tội Nguyễn Văn Thành. “Tham tri Hình bộ là Võ Trinh giải theo nghĩa cưỡng ép. Vua nín lặng”. Cùng năm đó, trong ngày tế Nam Giao, Văn Thành vẫn được dự lễ phân hiến. Tham tri Hình bộ Võ Trinh và Chưởng cơ Tống Phước Ngoạn bị hạ ngục do muốn biện bạch cho Văn Thuyên và Văn Thành. Sau đó, “Văn Thuyên cho rằng thơ ấy không phải tự tay viết, cố cãi là vu. (…) Sáng hôm sau bèn sai Lê Văn Duyệt tra hỏi. Văn Thuyên quả phục, do đó Văn Thành sợ hãi xin chịu tội”.
Khi đình thần bàn lại án phản nghịch của Nguyễn Văn Thuyên thì từ chuyện Thành xem đất đặt mộ cho mẹ đến chuyện Thành nói phía Tây Bắc có bảy cầu vồng chọi nhau ngày trước đều là cái cớ đổ thêm dầu vào lửa. Sang năm 1817, kết hợp với việc Lê Duy Hoán ở Bắc thành khai là Văn Thuyên đồng mưu làm phản, “vua Gia Long nói: “Trẫm đãi Văn Thành không bạc, nay hắn tự mình làm nên tội, thì phép công của triều đình trẫm cũng không thể làm của riêng được”. Bèn sai bắt Văn Thành và con giam ở nhà quân Thị trung.
Bầy tôi họp ở Võ công thự để xét hỏi Văn Thành. Hỏi: “Có làm phản không?” Thành nói: “Không”. Hỏi: “Có dự biết không?” Thành nói: “Không”. Văn Thành trả lời rồi đi ra, sắc mặt bừng bừng, trở về nhà quan, nói với Thống chế Thị trung là Hoàng Công Lí rằng: “Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung”. Thành đi nằm hồi lâu, uống thuốc độc chết. (…) Bỗng có quân lại nhặt được tờ di biểu trần tình của Văn Thành ở nhà quân đem dâng. Vua cầm tờ biểu khóc to lên đưa cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc trẻ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”. (…) Các con Thành bị giam tha ra hết. (…) Duy Hoán và Văn Thuyên đều bị xử lăng trì”.
Nhìn lại những ân oán quanh Nguyễn Văn Thành
Chúng ta không rõ nước mắt của Gia Long là thật hay là giả. Hồ sơ vụ án của Văn Thành, nếu là thật thì không có gì phải nói, nhưng nếu có sự sắp đặt thì đó là sự sắp đặt quá bài bản và hoàn hảo. Bài thơ được cho là của Văn Thuyên vừa có dáng dấp một tôn chỉ hoạt động chính trị, vừa mang sắc thái thơ khẩu khí, vừa như một bài hịch dùng vào mục đích “tập hợp lực lượng”.
Tuy nhiên, hầu như các tư liệu sau này đều cho rằng: “Gia Long vốn lo ngại thế lực của công thần, vin cớ Nguyễn Văn Thuyên, con Nguyễn Văn Thành làm một bài thơ có ý ngông, buộc tội Thuyên âm mưu khởi loạn”. Chính trong bài biểu để lại trước khi chết Văn Thành đã trực tiếp kể tội vua và triều thần: “Sớm rèn tối đúc, đặt thành tội cực ác cho cha con tôi, không tố cáo vào đâu được, chỉ chết đi mà thôi”.
Thêm nữa, Minh Mạng rất có thể cũng là một người tích cực trong việc giật dây cho vụ án này chóng đi đến hồi kết bởi Minh Mạng biết rằng Nguyễn Văn Thành không ủng hộ mình trong việc kế vị ngai vàng. Lật lại một số trang sử, ta thấy các quan hệ trong vụ án này phức tạp hơn nhiều, không chỉ giữa vua tôi mà còn giữa đồng liêu với nhau. Năm 1790, Lê Văn Quân và Nguyễn Văn Thành xích mích với nhau.
Năm 1800, khi đánh đến Thị Dã, “Thành vốn thích rượu, sắp ra trận thì đem bầu ra tự rót uống, rót một chén đưa cho Lê Văn Duyệt. Duyệt không chịu uống, Thành cố ép nói: “Nay trời lạnh, uống một chén cho mạnh thêm lên!”. Duyệt nói: “Ai yếu nhát mới phải mượn rượu. Còn tôi thì trước mắt không thấy có giặc nào mạnh, cần gì đến rượu”. Thành có vẻ xấu hổ, do đó căm Duyệt”. “Duyệt trước vốn thân với Nguyễn Văn Thành. Thành hơn tuổi và làm tướng sớm, mỗi khi ra trận, tính trì trọng không vội tiến. Duyệt xuất thân là tì tướng dũng cảm đánh giỏi, hằng lập công lớn, từng nói khích Thành, Thành không chịu nổi, hai người do đó sinh bất hòa. Vua hiểu rõ chuyện ấy (…)”.
Năm 1804, vua phải giảng hòa cho Nguyễn Văn Thành, Lê Chất và Nguyễn Văn Trương. Ngay việc xử trí con cháu họ Lê của nhà Nguyễn hay việc Nguyễn Văn Thành đang làm Tổng trấn Bắc thành được điều về kinh làm Tổng tài trước khi vụ án này xảy ra khá lâu cũng là một đầu mối để ta xem xét.
Hệ quả của vụ án văn chương liên quan đến cha con Nguyễn Văn Thành này là năm 1820 Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh và Trần Hựu bị xóa tên trong sách luật mà họ tham gia soạn trước đó. Dẫu vụ án khi đó đã khép lại nhưng “dư chấn” của nó vẫn còn âm ỉ tới tận khi Minh Mạng “xả” xong những “ấm ức” với Lê Văn Duyệt và Lê Chất mà ông đã dồn nén suốt bao nhiêu năm, thậm chí, khi đó hai công thần này đã chết từ lâu. |