Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Những kỷ niệm không thể nào quên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp của gia đình ông Xích Thắng

Dương Mạc Thăng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - LTS: Ông Dương Mạc Thạch - bí danh Xích Thắng (sinh năm 1915), quê ở xã Minh Tâm (Nguyên Bình, Cao Bằng). Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, ông là Chính trị viên của đội. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông cùng đơn vị tham gia giải phóng thị xã Bắc Kạn.

 Ông Dương Mạc Thạch tức Xích Thắng
Đầu năm 1948, ông có thời gian làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Bắc Kạn… Dưới đây là những kỷ niệm của ông và gia đình ông về những lần gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác giả bài viết này là ông Dương Mạc Thăng, con trai ông Dương Mạc Thạch. Ông Thăng nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.
Kỳ 1: Đại tướng và chặng dừng đầu tiên vào châu Lam Sơn
Cuối thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bí danh là anh Văn) vào châu Lam Sơn (nay là huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) hoạt động, phát triển phong trào cách mạng trong đồng bào các dân tộc sinh sống ở đây. Chặng dừng chân đầu tiên của Đại tướng là ở gia đình ông Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) ở xã Gia Bằng (nay là xã Minh Tâm) lúc bấy giờ ông Xích Thắng là Bí thư Châu ủy.
“Khách lạ” đến nhà

Gia đình ông Xích Thắng lúc đó chỉ có hai vợ chồng, chưa có con nhỏ. Vợ chồng ông mới ra ở riêng, có căn nhà sàn năm gian làm bằng gỗ nghiến, khang trang rộng rãi; lại nằm ngay dưới chân ba ngọn núi đá to cao sừng sững, cây cối cổ thụ um tùm. Ba ngọn núi nối với nhau bởi hai cái khe (Kéo Hin), một khe hẹp có tên là Kéo Đăm. Khe kia rộng hơn là Kéo Quảng. Giữa lòng hai khe là vô số những cây gỗ nghiến cổ thụ, gốc to bằng mấy người ôm. Dân làng ở đây ít ai lên hai khe núi đó, vì ai cũng biết trên đó có gấu, có cọp thường hay qua lại.
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với cô gái Tày Cao Bằng trong chuyến thăm năm 1994. Ảnh tư liệu
Khu đất gia đình ông Xích Thắng dựng nhà có tên là Tổng Ngần, là một dãy ba rẫy ngô không rộng lắm, được bao quanh bởi hai lớp tre gai mọc đan xen nhau, tạo thành hai vành đai bảo vệ rất chắc chắn, gần như nội bất xuất, ngoại bất nhập, người ra vào chỉ có một lối đi qua cổng. Địa thế ấy rất tốt cho hoạt động của các cán bộ bí mật.
Theo mẹ tôi kể lại, vào một buổi chiều muộn, cha tôi - ông Xích Thắng dẫn về một người khách lạ, khổ người tầm tầm, đẹp trai, nước da trắng trẻo, bà nghĩ ông này chắc không phải người làm ruộng rẫy như mình.

Chủ nhà và khách chào hỏi nhau xong, người khách lên nhà cùng ông Xích Thắng. Bà ngờ ngợ vì người khách có giọng nói bà chưa từng nghe bao giờ. Bà chăn vội đàn gà rồi lên nhà đun nước uống và chuẩn bị bữa cơm chiều.

Lúc này ông Xích Thắng mới chỉ vào người khách lạ nói với bà: Đây là thầy giáo Văn, thầy Văn lên đây dạy học cho thanh thiếu niên ở bản làng ta, nhiều nhà muốn cho con đi học nhưng không có điều kiện cho lên phố huyện để học...

Mẹ tôi nghe thì biết vậy, không hỏi han thêm. Bà biết ông đang làm việc trong tổ chức bí mật để đánh Pháp đuổi Nhật. Những người khách ông dẫn về nhà đều là người của tổ chức. Ông đã dặn bà: Nghe thấy gì, nhìn thấy ai đến phải chôn chặt trong bụng, không được lộ cho ai biết, kể cả bố mẹ, anh chị em trong nhà. Bà luôn nhớ và làm đúng như vậy.

Những ngày sau đó ông Xích Thắng và thầy giáo Văn tối tối bàn chuyện đến khuya. Sáng hôm sau dậy ăn nhanh bữa sáng rồi đi cả ngày, chiều tối mới về. Có lần đi hàng mấy ngày, bà không biết các ông đi đâu, nhưng cũng không hỏi, chỉ lo cơm nước cho các ông có đủ sức khỏe.

Nhiều đêm, bà thấy hai ông ngồi bàn bạc bên ngọn đèn dầu mác lại (dầu quả lai) lại đã được che bớt ánh sáng, thấy hai ông tâm hợp ý đầu, thân thiết lắm, bốn con mắt nhìn thẳng vào nhau chăm chú, ông này nói ông kia lắng nghe, thỉnh thoảng gật gật đầu, có lúc còn vỗ nhẹ tay lên cái bàn gỗ, hai người cùng cười vui vẻ. Ngồi trong buồng riêng của mình bà cũng thấy vui lây.

Sau một thời gian, quan hệ giữa thầy giáo Văn và mẹ tôi đã trở nên gần gũi, Cha tôi mới cho mẹ tôi biết thầy giáo Văn là người của tổ chức cách mạng, được phân công vào quê mình hoạt động phát triển phong trào, xây dựng lực lượng. Ông còn bảo bà có thể gọi thầy giáo là anh Văn cho thân thiết hơn (sau này bà biết ông Xích Thắng và thầy giáo Văn đã kết nghĩa anh em. Ông Xích Thắng ít tuổi hơn nhận là em).

Thầy giáo Văn biết phụ việc nhà

Trong ký ức mẹ tôi, bà không bao giờ quên hình ảnh những lúc thầy giáo Văn phụ việc nhà cho bà. Đấy là những ngày thầy giáo Văn không đi đâu, thầy giáo Văn đề nghị: “Chị Đại có việc gì cho tôi làm giúp”, thầy giáo Văn giúp bà đi chăn lợn, chăn gà, quét nhà, rửa bát… đến cả việc đi vào núi lấy củi, giã gạo bằng cối tay…

Bà kể: Lần giã gạo bằng cối tay đầu tiên của thầy giáo, bà không muốn để thầy giáo làm vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng thầy giáo cứ giành lấy làm. Giã được vài chục cái thầy giáo dừng tay để vẩy vẩy, xoa bóp. Bà vội giành lấy chày và giục ông đi nghỉ. Thầy giáo Văn bảo: Giã gạo bằng tay cực lắm, tôi không làm được, chị Đại thật vất vả, hàng ngày phải giã gạo cho ba người ăn. Mẹ tôi bảo thầy giáo đừng lo, việc này bà làm thường xuyên. Những lúc giúp mẹ tôi như vậy, thầy giáo Văn luôn tận dụng để học tiếng Tày. Ông luôn hỏi việc đang làm nói tiếng Tày như thế nào, cái này, cái kia hoặc con vật này con vật nọ… tiếng Tày là gì và ông nhớ rất nhanh, những ngày hôm sau đã có thể vận dụng để nói chuyện. Bà có nhận xét thầy giáo Văn học tiếng Tày rất nhanh, ông nhớ rất tốt, khi vận dụng những tiếng đã học để nói chuyện cũng đúng với cách nói của người Tày. Theo bà sau thời gian thầy giáo Văn ở nhà mình, vốn liếng tiếng Tày của ông đã có thể nói chuyện thông thường với người Tày được.

(Còn nữa)