Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Phan Khôi - nhà báo chính luận

Vĩnh khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phan Khôi (1887 - 1959) là nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo lớn của Việt Nam thế kỷ XX. Ông viết báo là để truyền bá tư tưởng duy tân nhằm đổi mới xã hội.

Một đời với báo chí

Theo tư liệu của gia đình và một số nhà nghiên cứu thì năm 1907 Phan Khôi ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo. Nhưng theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, ông có thể bắt đầu làm báo từ năm 1918, tờ báo ông cộng tác đầu tiên là tạp chí Nam phong với bút danh Chương Dân. Hơn một năm sau, Phan Khôi vào Sài Gòn, viết cho tờ Lục tỉnh tân văn. Sau vài tháng, ông lại trở ra Hà Nội, cộng tác dịch Kinh Thánh Ki-tô giáo cho Hội thánh Tin Lành, đồng thời cộng tác với các tờ Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh. Vài năm sau, Phan Khôi lại vào Nam. Năm 1927, có thể là để tránh sự truy nã, Phan Khôi xuống Cà Mau ẩn náu và tự học thêm tiếng Pháp qua thư từ với Djean de la Bâtie, một nhà báo tự do người Pháp ở Sài Gòn.

Từ đầu năm 1928 đến năm 1933, Phan Khôi viết cho tờ Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập ở Sài Gòn, Quần báo, Hoa kiều nhật báo (chữ Hán) ở Chợ lớn, và Ngọ báo, Đông tây, Thực nghiệp… ở Bắc kỳ.

Tháng 4/1933, Phan Khôi từ Sài Gòn ra Hà Nội viết cho Thực nghiệp dân báo; từ tháng 9/1933 bắt đầu viết cho Phụ nữ thời đàm.

Đầu năm 1935, Phan Khôi vào Huế, làm chủ bút nhật báo Tràng An. Đầu tháng 8/1936, ông sáng lập tuần báo Sông Hương, là chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Sau khi bán tờ Sông Hương cho Phan Đăng Lưu (3/1937), Phan Khôi vào lại Sài Gòn dạy học đến cuối năm 1941 thì chuyển về sống ở quê (Điện Bàn, Quảng Nam). Những năm này (1937 - 1941), ông vẫn viết bài cho các báo Thời vụ, Dư luận, Tao đàn, Phổ thông bán nguyệt san, Điện tín, Nước Nam, Tiếng dân và vẫn theo đuổi những tranh luận trên báo chí.

Tháng 10/1945, ông được Chính phủ Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội hoạt động văn hóa rồi từ đó tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian ở Việt Bắc (1947 - 1954), ông chủ yếu nghiên cứu tiếng Việt và dịch thuật đồng thời cộng tác với tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Hòa bình lập lại, Phan Khôi về Hà Nội, vẫn chủ yếu dịch thuật, nhất là các tác phẩm của Lỗ Tấn và viết bài cho báo Văn nghệ. Tháng 9/1956, Phan Khôi nhận lời làm chủ nhiệm tờ tuần báo Nhân văn. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

Tháng 7/1958, Phan Khôi bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn. Ngày 16/1/1959, ông qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội.

Phan Khôi (thứ 2 từ phải qua) tại Trung Quốc, trong dịp tưởng niệm 20 năm ngày mất văn hào Lỗ Tấn. Ảnh: Tư liệu

Sưu tập Phan Khôi - tác phẩm đăng báo (từ 1917 đến 1958) của Lại Nguyên Ân xuất bản những năm gần đây mặc dù như ông nói là chưa đầy đủ đã gồm 12 tập, 7.600 trang. Phan Khôi chủ yếu viết báo bằng tiếng Việt, viết nhiều thể loại nhưng điêu luyện nhất là chính luận, đặc biệt là về văn hóa, văn nghệ. Ông không ngại đi vào những vấn đề gai góc của học thuật và cuộc sống, là nhà báo có biệt tài phát hiện những vấn đề lớn qua các hiện tượng, sự kiện nhỏ và có những nhận định chính xác về bản chất của nó. Ông chủ trương khi viết chính luận, bút chiến phải kiên quyết dứt bỏ tình cảm và đề cao lý trí. Ông được coi là cha đẻ của thể loại “hài đàm” kết hợp/sử dụng văn chương với/vào báo chí, tiêu biểu như mục “Cuộc sống hàng ngày” trên Đông Pháp thời báo, Thần chung…

Với tư cách nhà văn, ông được nhận định là một tác giả khởi đầu của phong trào Thơ mới. Văn nghiệp của ông đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, trong đó có: Bàn về tế giao (1918); Tình già (thơ mới - 1932); Chương Dân thi thoại (1936); Trở vỏ lửa ra (1939); Tìm tòi trong tiếng Việt (1950)... Ngoài ra, ông còn là nhà ngữ học, nhà sử học với nhiều tác phẩm có giá trị.

“Kẻ phản biện” số một của báo chí Việt Nam

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận định: “Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng..., ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức”.

Tác phẩm của Phan Khôi bất luận là văn hay báo đều có tư tưởng học thuật, có một cách nhìn mới mẻ, duy tân trên nền tảng khoa học tiến bộ. Với mong muốn đổi mới, ông là người khởi xướng nhiều cuộc tranh luận học thuật trên báo chí một cách thẳng thắn, sòng phẳng. Sơ bộ, có thể tạm tính, Phan Khôi có 9 cuộc tranh luận đáng chú ý nhất là: 1) về “Truyện Kiều”; 2) về nữ quyền và bênh vực phụ nữ; 3) về Nho giáo; 4) về công và tội của vua Gia Long; 5) về quốc học và chữ quốc ngữ; 6) về thơ mới và thơ cũ; 7) về duy tâm và duy vật; 8) về quan hệ giữa chính trị và văn nghệ; 9) về phương Tây và phương Đông…

Tranh luận về Nho giáo, Phan Khôi đã có một loạt bài, nổi bật nhất là bài Đôi điều nên biết về Nho giáo đăng trên báo Đông Tây năm 1931 phê phán Nho giáo một cách quyết liệt nhất. Là nhà Nho nhưng ông tự đứng ngoài truyền thống Nho giáo để xác lập một vị thế độc lập với nó để phê phán những luận điểm căn bản, nền tảng nhất của Nho giáo vốn đã được khẳng định và đề cao nhằm phủ nhận vai trò lịch sử của học thuyết này trong thời đại của ông, loại bỏ nó ra khỏi địa vị nền tảng của nền văn hóa Việt Nam. Sự phê phán này là đóng góp cần thiết cho sự tiếp nhận một cách mạnh mẽ hơn những giá trị văn hóa phương Tây ở Việt Nam giai đoạn này.

Tranh luận về nữ quyền, trên Phụ nữ tân văn và Phụ nữ thời đàm, Phan Khôi đã có hàng loạt bài viết về thân phận của phụ nữ. Ông viết: “Đại để ở dưới cái chế độ xã hội này, hễ là dân và đàn bà thì phải chịu khổ. Dân bị kẻ cầm quyền áp chế, đàn bà thì bị đàn ông áp chế. Kẻ cầm quyền làm cho dân ngu đi đăng dễ đè nén, cũng như đàn ông làm cho đàn bà ngu đi đặng dễ sai khiến....”. Ông đưa ra hoàng loạt vấn đề liên quan như phụ nữ với chính trị, với văn học, với giáo dục, với nữ công gia chánh, về nhân phẩm và quyền được hạnh phúc trong hôn nhân... để khẳng định vị trí, vai trò của họ trong gia đình, xã hội nhằm giải phóng họ khỏi bất công.

Tranh luận về chủ đề phương Đông và phương Tây, chủ kiến của Phan Khôi là: 1) Phương Tây chuộng khoa học thì phương Đông chuộng huyền học; 2) Phương Tây chuộng tự chủ thì phương Đông chuộng thống thuộc (ông giải nghĩa chữ “tự chủ” ở đây chính là nội dung của chủ nghĩa cá nhân; rất khác so với những nội hàm “cá nhân chủ nghĩa” bị xuyên tạc sau này); 3) Phương Tây trọng sự tiến thủ thì phương Đông trọng sự an phận. Từ phát hiện này, Phan Khôi đi tới kết luận: Phương Đông muốn tiến bộ thì phải học theo tư tưởng và lối sống Tây phương, phải “Âu hóa”.

Tranh luận về quốc học, Phan Khôi cho rằng “quốc học” ngày nay thường dùng là chỉ về cái học riêng của một nước, có vẻ đặc biệt, có chỗ khác với nước ngoài. Theo ông, quốc học là nền học thuật, tức nền tư tưởng, nền triết học riêng đã thực sự ảnh hưởng, chi phối đời sống xã hội khiến cho dân tộc ấy khác biệt với các dân tộc khác. Từ đó, ông cổ vũ cho việc truyền bá và thống nhất sử dụng quốc ngữ để làm nền tảng phát triển giáo dục, văn hóa, văn học và khoa học, xây dựng nền quốc học của nước nhà.

Trong các cuộc tranh luận khác nữa, Phan Khôi đều có chính kiến và thể hiện quyết liệt tư tưởng học thuật, tinh thần đổi mới trên nền tảng tri thức khoa học phong phú và tiến bộ.

Phan Khôi cả một đời làm báo viết văn. Ông là nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn của báo chí Việt Nam thế kỷ XX mà đến hôm nay chúng ta vẫn chưa hiểu hết về tầm vóc ông.
Phan Khôi xác định rõ ba chuẩn mực về văn chương của nhà báo là Tín, Đạt, Mỹ. Tín là phải cho thật, cho có lý; Đạt cho thông, làm cho người đọc hiểu được bài báo, nhà báo; Mỹ nghĩa là văn phải cho đẹp để cảm người cho sâu, truyền đi cho xa.