Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Quý tộc nhà Trần với vương triều

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ một thế lực cát cứ vốn làm nghề chài lưới ở Hải Ấp (Thái Bình), Trần Lý và Trần gia từng bước thâu tóm quyền bính rồi thay ngôi nhà Lý, thiết lập triều Trần. Đồng thời với đó là quá trình quý tộc hóa của thế lực Trần gia - một thiết chế quân chủ quý tộc dòng họ đặc biệt trong lịch sử Việt Nam.

Dưới quyền lực tối cao của nhà vua, tầng lớp quý tộc nhà Trần đã độc tôn quyền lực từ trung ương đến địa phương, đảm bảo cho sự bền vững của vương triều và có những đóng góp lớn lao cho quốc gia dân tộc.
Nhà nước quân chủ quý tộc dòng họ

Đây là thể chế nhà nước đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Trong thể chế này, toàn bộ quyền lực thuộc về dòng họ Trần. Trên là vua, dưới là quan lại quý tộc họ Trần. Nhà Trần đặt phủ tông nhân để quản lý họ hàng. Thánh Tông cử Nhân Túc Vương giữ chức nhập nội phán đại tông chính trông coi các công việc biên soạn gia phả và theo đòi, giúp đỡ người trong họ. Nhà Trần thực hiện quý tộc hóa bằng quy chế, hoàng tử cả được phong tước vương. Họ hàng xa được phong là thượng vi hầu. Tầng lớp quý tộc tôn thất độc tôn nắm quyền lãnh đạo quốc gia từ Trung ương đến địa phương.
 Khu di tích đền thờ các vua Trần. Ảnh: Lam Thanh
Các chức vụ chủ chốt trong triều đình, nhất là lĩnh vực quân sự, đều do các quý tộc tôn thất thân cận với nhà vua nắm giữ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) chép, ngay từ đầu, tháng 2, năm Bính Thân (1236) nhà Trần đã quy định: “Phàm người tôn thất vào chính phủ, hoặc là thái sư, thái phó, thái bảo, thái úy hoặc là tư đồ, tả hữu tướng quốc, đều kiêm hàm kiểm hiệu đặc tiến nghi đồng tam ty bình chương sự”; hoặc: “Chức phiêu kỵ tướng quân không phải là hoàng tử thì không được phong”. Ở các trấn lộ cũng thường do các quý tộc cai quản. Tĩnh Quốc Đại Vương Trần Quốc Khang coi giữ Diễn Châu và Nghệ An. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và con cháu ông coi giữ Thanh Hóa. Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư coi giữ trấn Vân Đồn.
Để duy trì tầng lớp quý tộc tôn thất, đảm bảo thực lực và sự trung thành của họ với vương triều, nhà Trần đã có nhiều chính sách thiết thực đối với tầng lớp này. Quan trọng nhất chế độ phong đất đai cho các vương hầu, trao cho họ quyền sở hữu và tự chủ trong phạm vi “lãnh thổ” của mình; tạo điều kiện cho họ xây dựng điền trang thái ấp, phát triển kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân về ruộng đất. Trần Thủ Độ có thái ấp Quắc Hương, Trần Hưng Đạo có thái ấp Vạn Kiếp, Trần Quang Khải có thái ấp Kẻ Lầm... Chế độ thái ấp - điền trang gắn liền với vận mệnh của nhà nước quân chủ quý tộc Trần.
Không có giai đoạn nào khác trong lịch sử quân chủ của Việt Nam mà quý tộc lại có được địa vị, quyền lực cũng như vai trò lớn như thời nàỵ. Các chức võ quan cao cấp hầu hết thuộc về quý tộc họ Trần, nhất là trong giai đoạn đầu. Các quý tộc nhà Trần có quyền tuyển quân, tổ chức, quản lý lực lượng vũ trang riêng trong điền trang thái ấp của mình.
Thời bình, lực lượng này tham gia sản xuất, bảo vệ điền trang thái ấp, thời chiến là lực lượng của các quý tộc để cùng với quân đội của triều đình chống ngoại xâm hoặc dẹp loạn. Trong kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tuổi còn trẻ cũng đã có đội quân riêng.
Và qua ghi chép sau của Toàn thư cũng có thể hình dung chính sách này của nhà Trần: Năm Giáp Thân (1284), ngày 26 tháng 12 “Hưng Đạo Vương vâng lệnh điều quân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, chọn người khỏe mạnh làm quân tiên phong, vượt biển vào Nam, thế quân đã hơi nổi, các quân nghe thế, không quân nào là không đến tụ họp. Vua làm thơ đề ở cuối thuyền rằng: “Cối Kệ cựu sự quân tu ký, Hoan Ái do tồn thập vạn binh”.
Để bảo vệ được quyền lực của tôn thất dòng họ, nhà Trần đã thực hiện chế độ hôn nhân đồng tộc. Các vua và vương hầu tôn thất nhà Trần đều lấy người trong họ hàng, thậm chí rất gần gũi. Chế độ hôn nhân nội tộc này đã trở thành quy chế bắt buộc để bảo vệ vương triều của dòng họ.

Mặt khác, các vua Trần cũng hết lòng thương yêu đùm bọc các vương hầu tôn thất, "xong buổi chầu cùng nhau ăn uống, có khi trời tối không về thì đặt gối dài chăn rộng cùng ngủ liền giường với nhau”. Một phần quan trọng nhờ thiết chế nhà nước quý tộc dòng họ mà nhà Trần đã trở thành một vương triều hùng mạnh, xây dựng quốc gia Đại Việt phát triển hưng thịnh.

Quý tộc, người bảo vệ vương triều

Vì được hưởng những đặc quyền nên tầng lớp quý tộc nhà Trần có ý thức cao về địa vị thống trị của dòng họ; Mặt khác, tầng lớp quý tộc có ý thức tăng cường mối liên hệ gắn kết dòng họ trong việc bảo vệ vương triều.

Điều này đã được thể hiện rất rõ trong ba cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm Nguyên - Mông. Ngoài vai trò tối cao của các vua, quý tộc nhà Trần luôn ở vị trí thống lĩnh quân đội. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống giặc Mông Cổ, Trần Thủ Độ là người cầm quân; kháng chiến lần thứ hai và thứ ba chống giặc Nguyên, Trần Hưng đạo là thống lĩnh. Bên dưới là các tướng lĩnh quý tộc tài ba như Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng… Khi quân Mông Cổ chuẩn bị tấn công Đại Việt, Trần Thủ Độ đã khẳng khái tâu với vua Trần Thái Tông: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác". Đến cuộc kháng chiến lần thứ hai, khi giặc Nguyên vào Thăng Long rồi dẫn quân đuổi theo vua Trần xuống phủ Thiên Trường, thượng hoàng Thánh Tông lo ngại, vờ hỏi Hưng Đạo vương xem có nên hàng không, ông khảng khái trả lời "Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng".

Trong nội bộ giới quý tộc nhà Trần không phải không có những mối bất đồng, bất hòa, thậm chí là thù hận nhưng họ đã biết đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của vương triều lên trên để hóa giải, tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết trong hoàng tộc, làm hạt nhân để đoàn kết dân tộc vì đại nghiệp. Mẫu mực nhất trong việc này là Trần Hưng Đạo. Ông đã làm lành với Trần Quang Khải, bỏ qua lỗi lầm và trọng dụng Trần Khánh Dư… Noi gương ông, cùng với ông, các quý tộc họ Trần đều gắng hết sức vì nước, vì vua. Ông đã từng nói trong Hịch tướng sĩ rằng: “Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm, quan nhỏ thì ta thăng chức, lương ít thì ta cấp bổng, đi thuỷ thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa; lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười”.

Trần Hưng Đạo đã bạch hóa mối quan hệ lợi ích quốc gia với hoàng gia, với tầng lớp quý tộc dòng họ để xác quyết trách nhiệm, nghĩa vụ của họ. Ông nói:

“Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng bị mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan, mà vợ con các ngươi cũng khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục, rồi đến trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui vẻ phỏng có được không?”.

Ông còn khích lệ tinh thần quý tộc của tướng sĩ, nhất là các quý tộc họTrần: “Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ; chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi sau đây sau khi giặc giã dẹp yên muôn đời để thẹn, há còn mặt mũi nào mà đứng trong trời đất nữa?”.
Quý tộc dòng họ dưới thời nhà Trần là một tầng lớp đặc biệt, họ không chỉ xuất thân từ Trần tộc mà đã được dành cho nhiều đặc ân đặc lợi, kể cả được giáo dục rèn giũa rất bài bản về tri thức văn - võ mà còn ý thức trách nhiệm với nước, với vua. Ở họ đã hình thành tinh thần quý tộc, lòng tự tôn về dân tộc và hoàng tộc. Vì vậy, trong tầng lớp này đã xuất hiện rất nhiều nhân tài xuất sắc trên nhiều lĩnh vực văn - võ. Họ xứng đáng là rường cột của triều đình, là người bảo vệ trung thành của vương triều và quốc gia.