Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Tản Đà long đong nghiệp báo

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (19/5/1889 - 7/6/1939) là "gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại"; là nghệ sĩ tiêu biểu của một giai đoạn văn hóa nước nhà chuyển mình về phía hiện đại.

Ông còn là nhà báo với một nghiệp báo long đong lận đận nhưng để lại nhiều dấu ấn với nền báo chí nước nhà hồi đầu thế kỷ XX.
Vỡ mộng khoa cử trở thành văn sĩ

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thuộc dòng dõi có truyền thống khoa bảng. Sống trong môi trường Nho gia, ông được hướng vào con đường cử nghiệp. Hồi nhỏ ông học chữ Hán, nổi tiếng là thần đồng ở tỉnh Sơn Tây.

                   Tản Đà (1889 - 1939).
Nhưng, năm 1909, thi Hương ở Nam Định, ông không đỗ. Thi tiếp hậu bổ lại trật, thi hương lại vẫn không đỗ, ông bắt đầu một ngã rẽ mới của cuộc đời. Ông ngao du rong chơi và kết giao với nhà tư sản Bạch Thái Bưởi; đọc tân thư của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu...

Năm 1913, sau sự cố anh trai là Phó bảng Nguyễn Tái Tích mất, ông bắt đầu bước chân vào nghề báo. Trước tiên, ông cộng tác với Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, giữ mục “Một lối văn nôm”. Tại đây, rất nhanh chóng, ông đã có các tác phẩm được dư luận chú ý. Năm 1915, ông xuất bản tập thơ đầu tiên là “Khối tình con” và gây được tiếng vang lớn. Sau thành công này, ông bắt đầu lấy bút danh là Tản Đà.

Những năm sau đó ông viết tập thơ “Giấc mộng con” (1917) và các vở tuồng "Người cá", "Tây Thi", "Dương Quý Phi", "Thiên Thai".

Năm 1917, khi Phạm Quỳnh sáng lập Nam Phong tạp chí, ông là một trong những cộng tác viên đầu tiên. Nhưng chỉ một năm sau, năm 1918 thì “đường ai nấy đi” vì Phạm Quỳnh bên cạnh khen hết lời Khối tình con đã chê hết lời Giấc mộng con của Tản Đà.

Nghỉ làm báo, Tản Đà tiếp tục viết sách. Trong 3 năm từ 1919 - 1921, ông viết một loạt sách, truyện có “Thần Tiên”, Đàn bà Tàu”, sách giáo khoa luân lý có “Đài gương”, “Lên sáu”, “Lên tám”; thơ có “Còn chơi”. Cũng trong thời kỳ này ông kết giao cùng nhà tư sản Bùi Huy Tín và cùng nhau ngao du khắp ba miền.

Năm 1921, Tản Đà nhận lời làm chủ bút Hữu Thanh tạp chí của hội Bắc Kỳ công thương ái hữu nhưng mới được nửa năm thì từ chức do bất đồng quan điểm.

Với khát khao làm chủ “cuộc chơi” chữ nghĩa, năm 1922, Tản Đà thành lập nhà xuất bản riêng của mình là "Tản Đà thư điếm" (sau đổi thành "Tản Đà thư cục"). Ngoài in sách của mình, Tản Đà còn cho in sách của nhiều tác giả khác như Ngô Tất Tố, Đoàn Tư Thuật…

Long đong vì/ cùng An Nam tạp chí

Làm chủ bút cho báo của người khác chưa làm Tản Đà thỏa chí. Ông quyết có được một tờ báo của riêng mình. Năm 1925, ông làm đơn xin mở An Nam tạp chí. Năm 1926, có giấy phép rồi nhưng không có tiền để ra báo. Ông đi vay để ra báo bằng được.

Cuối cùng thì số đầu tiên của An Nam tạp chí vẫn ra được vào ngày 1/7/1926, tại số 50 - 52 Hàng Lọng, Hà Nội. Ấn định mỗi tháng ra 2 kỳ nhưng vì thiếu tiền nên trong 10 tháng An Nam tạp chí chỉ ra được có 10 số. Nợ nần ngày càng nhiều, tờ báo phải đóng cửa.

Tản Đà vào Sài Gòn, được Diệp Văn Kỳ mời viết cho Đông Pháp thời báo và Thần Chung. Ông còn viết cho báo Ngày nay, Phật học tạp chí, Tiếng Chuông Sớm, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, cho nhà xuất bản Tân Dân, giữ một thi đàn trong Tiểu thuyết tuần san, biên tập Văn Đàn Bảo Giám cho nhà xuất bản Nam Kí…

Ông có ý định đưa An Nam tạp chí vào đó nhưng không thành vì "Mỗi kỳ Tạp chí ở trong Nam mà phải gửi ra Bắc kiểm duyệt, kiểm duyệt ở Bắc được thời mới gửi vào Nam để in, in xong ở Nam thời lại phải gửi Tạp chí ra Bắc phát hành như thế thật mất thì giờ và phiền phí quá lắm. Dẫu Tạp chí có xuất bản được nữa cũng là sự gắng gượng mà thôi. Vậy nay tôi đành chịu bất tài mà để cho An Nam tạp chí đình bản” (Đông Pháp thời báo, số 654 -1927).

Ý định bất thành, ông lại ngao du cùng “bầu rượu túi thơ”. Ông gặp Phan Bội Châu ở Huế, gặp Nguyễn Thái Học ở Hà Nội. Đã có lần ông suýt hợp tác với Nguyễn Thái Học để ra lại An Nam tạp chí nhưng cũng không thành.

Khoảng giữa năm 1930, Tản Đà trở ra Hà Nội để tái bản An Nam tạp chí vì nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép. Nhưng thực ra thì chủ yếu là để… trả nợ. Lần này Tản Đà hợp tác với một ông ấm ở Hàng Gai (Hà Nội) vì nợ ông này mấy trăm đồng. Ông này muốn An Nam tạp chí tái bản để thu nợ. Tản Đà lo làm ra báo còn ông thì thu tiền trừ nợ. Mang tiếng là chủ báo nhưng lúc này Tản Đà là con nợ. Tòa soạn lúc này ở số 1 Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay). An Nam tạp chí bắt đầu tái bản từ ngày 4/10/1930 và vì sự rối rắm và khó khăn đó nên cũng chỉ phát hành được 3 số, từ số 11 đến số 13 rồi đình bản. Cũng đã có lúc Tản Đà định xoay sang hợp tác với Nguyễn Thống nhưng do sự ngăn cản của vợ chồng ông ấm chủ nợ kia nên không thành. An Nam tạp chí cũng vì thế mà đình bản lần thứ hai.

Nhưng Tản Đà vẫn quyết tâm mở lại An Nam tạp chí. Lần này ông cộng tác với Nguyễn Xuân Dương - một nhà nho có tư tưởng tiến bộ là chủ hiệu thuốc Dương Nguyên ở Nam Định. An Nam tạp chí dời tòa soạn về Nam Đinh, số nhà 126 phố Maréchal Foch (Phố khách thành Nam), ra tuần báo, bắt đầu từ số14 (tháng 12/1930) đến số 24 (tháng 5/1931), được 10 số thì đình bản.

Nguyên nhân đình bản lần này xét đến cùng cũng vì thiếu tiền, báo phát hành nhưng bị lỗ vốn.

Vẫn quyết chí duy trì tờ báo, Tản Đà hợp tác với với Mai Khê Ngô Thúc Dịch, và xin phép chuyển tòa soạn về Hà Nội. Để tránh tiếng, các ông không công bố đình bản mà chỉ nói là tạm dừng để chuyển tòa soạn.

Sau một thời gian tạm ngưng, An Nam tạp chí lại ra đời lần thứ 4 tại số 68 Hàng Khoai - Hà Nội. Lúc này do sức khỏe Tản Đà giảm sút nên mọi việc chủ yếu do Ngô Thúc Dịch trông coi. Mặc dù báo hoạt động khả quan hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, phát hành không đều kỳ. Là tuần báo nhưng có tháng chỉ được 2 số hoặc 3 số, nhưng có lúc lại ra đến 7 số. Từ số 42 thì mỗi tháng chỉ còn 1 số chính và 1 số phụ. Đến số 48 (bản phụ), ngày 9/7/1932 thì Tản Đà buộc phải thông báo: “Vì tôi còn thiếu tiền in báo lần trước: số tiền lên đến 600 đồng bạc, đến nay lo món nợ ấy, thành báo quán bị tịch biên”.

Tản Đà vẫn chưa dừng lại. An Nam tạp chí vẫn tiếp tục xuất bản lần thứ 5 tại số 145 phố Hàng Bông (Hà Nội) nhưng lại in ở Vinh. Lúc này báo in khổ nhỏ chỉ bằng nửa lần trước, đánh số lại từ đầu, số 1 ra ngày 1/9/1932.

Nhưng mọi nỗ lực của Tản Đà cũng chỉ kéo dài An Nam tạp chí được thêm 6 tháng. Ngày 1/3/1933 tờ báo lại đình bản và chính thức khép lại hành trình hơn 6 năm vật vã.

Tản Đà lập nên An Nam tạp chí không chỉ để thỏa chí chữ nghĩa mà còn vì mục đích cao cả hơn. Ông đã tuyên ngôn trên số đầu tiên: “Bản chí nay ra đời, vì quốc dân truyên (chuyên) giữ một việc đó... Ai là người có công về thế đạo nhân tâm. Bản chí phải tinh biểu bằng ngòi bút để làm khuyên cho kẻ khác, xin ai đừng có bận lòng ơn. Ai là người có tội với xã hội nhân quần, Bản chí phải trừng trị bằng câu văn để làm dăn (răn) cho kẻ khác, xin ai đừng có đem lòng oán... Bản chí đối với quốc dân ta, cảm tình vô hạn, kỳ vọng vô hạn, không thể biết nói sao cho xiết; nay xin chỉ có một câu rằng: Người An Nam, báo An Nam”. Và làm cho “nhân tâm phong tục được thuần chính, cho đại đa số quốc dân có tư cách, để cùng nhau học theo đường trí thức, bước lên đài văn minh”.
Tản Đà đã long đong và nỗ lực đến cùng với An Nam tạp chí, và vì An Nam tạp chí để thực hiện hoài bão tốt đẹp đó nhưng tiếc là thời thế không chiều lòng ông. An Nam tạp chí không còn, báo Thanh Nghệ Tĩnh ở Vinh tha thiết mời Tản Đà về làm việc ở tòa soạn nhưng ông đã không nhận lời. Phải chăng vì An Nam tạp chí đã chiếm trọn hồn ông?