Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Tinh thần phê phán của Nguyễn Văn Vĩnh

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) là học giả nổi tiếng, được suy tôn là “ông tổ của báo chí”, là người tiên phong hoàn thiện và truyền bá chữ quốc ngữ, là nhà văn, dịch giả có nhiều đóng góp quan trọng đối với công cuộc duy tân văn hóa hồi đầu thế kỷ XX.

Ông muốn xây dựng một xã hội, một đất nước dân chủ và văn minh, nhưng trước hết, ông tiên phong và mạnh mẽ trong việc phê phán cái cũ lạc hậu của văn hóa, giáo dục và con người Việt Nam.
Phê phán nền giáo dục Hán học lỗi thời, lạc hậu

Trên các tờ báo Đông cổ tùng báo và Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, L’Annam Nouveau do mình làm chủ bút, Nguyễn Văn Vĩnh đã công khai và kiên trì truyền bá chữ quốc ngữ, phê phán nền giáo dục Hán học, xây dựng nền giáo dục mới theo mô hình phương Tây.

Trong bài viết Học hành trên Đông Dương tạp chí (số 2), ông phân tích và chỉ ra rằng sự lạc hậu của nước nhà là do dựa vào hệ thống kiến thức kinh điển của người Trung quốc, vào nền tảng giáo dục Hán học: “Mấy nghìn năm nay ta học sách thánh hiền mà nghề nông -tang vẫn không thấy ai giỏi… Tôi thiết nghĩ rằng đạo Khổng Mạnh đến tận ngày nay cũng không ai bài bác được là vì chỉ dạy những lý tất - nhiên trong xã hội, chớ không dạy ra ngoài. Mà những lý tất - nhiên thì người ta dù không học tất cũng phải biết đại khái, mà biết lắm cũng chẳng được việc gì… Nói tổng lại thì đạo Khổng Mạnh là một đạo nên học để mà biết lý tưởng đời trước, nhưng mà ai nấy học sách thánh phải muốn biết được hơn thánh...”.
 Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936).
Ông chỉ ra rằng sách dạy - học của Nho học không chứa tất cả các kiến thức của loài người. Nó trở nên lạc hậu vì không được cập nhật liên tục bởi những thế hệ sau: “Nhà Nho ta đi học thường cứ cho kinh sử của thánh hiền để lại là tóm cả bao nhiêu điều phải biết ở cả đó, rồi lại không biết cho rằng nước nào cũng vậy, thánh hiền kế thế nhau, ông đời trước dạy điều biết trước, ông đời sau lại nhân điều dạy trước mà học thêm ra và dạy thêm ra, mỗi ngày một rộng”. (Một công thức khác rút ra từ nền giáo dục cổ truyền, L’Annam Nouveau, số 155 ngày 24/7/1932).

Trên Đông Dương tạp chí ông viết: “Trong hết cả số người theo Nho học thì họa là có mấy ông vào bực giỏi, hiểu biết được đạo Khổng Mạnh. Còn những bực nhoàng nhoàng thì thường cứ thấy người ta học cũng học, học cho thuộc cách mà thôi, chứ không có định trong bụng rằng theo những điều nào, kháp đạo ấy vào tính tình riêng của người nước mình nó ra sao... Vua Gia Long bỏ luật Hồng Đức đi, mà làm ra cả một pho luật mới chép tuốt cả của Tàu, cả từ điều nước mình có, cho đến những điều mình không có, cũng bắt chước. Thành ra luật pháp cũng hồ đồ. Cương thường đạo lý toàn là giả dối hết cả, không có điều gì là có kinh có điển”. (Học không biết cách). Vì vậy, giáo dục Nho học là vô ích vì không đổi mới, không cập nhật tri thức mới, chỉ khư khư những kiến thức đã lỗi thời với thời đại, không giúp ích gì cho sự phát triển. “Nhà Nho mình lại không thế. Học sách thánh thì muốn học hết cả, mà chỉ học chữ thánh mà thôi, chứ ngoài kinh truyện không có gì nữa”. Ông chỉ ra: “Nếu từ 2.500 năm nay, thiên hạ học chữ thánh mà chưa có ai hơn được thánh thì phải biết rằng đạo Nho hỏng ở nơi đó”.

Theo Nguyễn Văn Vĩnh, nghiên cứu Khổng giáo là để biết những “lý tưởng của đời trước” chứ không phải để ràng buộc mình vào đó mà không chịu tiến lên”. Và: “Phải biết rằng các ông già thời thượng cổ là những trẻ con nhân loại, mà thiếu niên đời nay phải là người nhớn nhân loại. Tính tuổi cả loài chớ tính tuổi một người. Loài còn non biết ít, loài lớn lên phải biết nhiều”. Ông khẳng định phải từ bỏ hệ thống giáo dục cũ chỉ dạy và học duy nhất những kiến thức đã cũ kỹ của người xưa. Để mau chóng bắt kịp với văn minh nhân loại, để phát triển đất nước, cách duy nhất là phải tiếp thu và xây dựng nền giáo dục mới, dạy - học những phương pháp, những kỹ thuật phương Tây. Người học cần được trang bị những kiến thức khoa học mới để có tầm nhìn mới, thực tế và thực dụng, hữu ích với cuộc sống. “Chúng ta đã biết rút ra những điều có lợi trong khi tiếp xúc với người Tàu, nó đã tạo ra nhân cách quá khứ của chúng ta. Chúng ta phải biết lợi dụng sự tiếp xúc với Pháp, nó sẽ tạo ra nhân cách của chúng ta trong tương lai”.

Phê phán để tạo ra nhân cách trong tương lai

Theo Nguyễn Văn Vĩnh, do văn minh nông nghiệp lạc hậu và duy trì Nho học cũ kỹ nên xã hội và tập tính con người Việt Nam tích tụ nhiều thói hư tật xấu. Trên các báo, Nguyễn Văn Vĩnh ngay từ đầu đã có nhiều bài viết, thậm chí có hẳn những chuyên mục để phê phán những thói hư tật xấu của văn hóa và người Việt nhằm cảnh tỉnh và hướng tới xây dựng nhân cách, lối sống tốt đẹp, văn minh.

Ông phê phán thói lười biếng dẫn tới nghèo đói; về lối sống thờ ơ trong các đô thị; về sự độc canh cây lúa mà dân vẫn đói; về thói mê tín buôn thần bán thánh; về thói học vẹt, không sáng tạo trong tiếp thu kiến thức. Ông phân tích thực trạng, mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để hạn chế các mặt tiêu cực của nó. Nhiều vấn đề ông đặt ra cho đến nay, thậm chí rất lâu nữa người Việt Nam vẫn phải đối mặt. Chính vì vậy mà các bài nghị luận của ông có sự tác động lớn đến đời sống xã hội và có giá trị lâu dài.

Về thói chửi tục, chửi bậy, ông viết: “Nói tục, nói bẩn chắc hẳn không người nước nào bằng người An Nam ta. Lắm câu chửi rủa của ta, không tiếng nước nào dịch nổi, giả thử những người nói ra có nghĩ đến nghĩa từng tiếng thì đứa nặc nô cũng phải đỏ mặt đến lòng trắng mắt”. Hay tệ thiên về những cái tầm thường thô bỉ: “Ngoại giả chuyện cô đầu, chuyện cờ bạc, chuyện hát tuồng, chuyện chim chuột, chuyện quần áo còn thì không mấy khi được nghe những câu chuyện lý thú, làm tỏ đư­ợc học vấn kẻ nói, lợi đ­ược trí khôn ng­ười nghe.

Mà xem như­ trong cách nói chuyện, thì thiếu niên ta nghe lại có ý thích những câu chuyện tầm thư­ờng, nói chuyện để mà khoe cho ng­ười nọ ngư­ời kia biết cái cách của ta chơi xa xỉ hoặc là kỳ khu”.

Ông phát hiện ra và phê phán thói bắt chước, học đòi sống sượng, vay mượn tùy tiện, thêm thắt lung tung, kém cỏi: “người Nam mình chưa cái gì là cái khéo. Mà càng bắt chước Tây bắt chước Tàu bao nhiêu, càng xấu bấy nhiêu...” và ông khuyến cáo: “Xảo nghệ muốn noi theo ngoại quốc, là phải noi lý tưởng chớ không nên bắt chước phù hoa. Kẻo mà khéo thêm ra chẳng thấy đâu, lại đang nghề nguyên lành hóa nghề lang lố”.

Nguyễn Văn Vĩnh phê phán việc quản trị xã hội làng xã vô cùng bệ rạc, hủ lậu. Trong bài Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã, ông viết: “Việc quản trị dân xã là ở trong tay mấy người tổng lý, chánh phó lý cựu chánh phó tổng cựu, xã tuần, phần thu. Bọn đó quanh năm trông vào khoán ước của làng mà đình mà đám mà thu mà bổ, mà xà xẻo bớt đầu bớt ngọn, mà bắt vạ kẻ nọ kẻ kia. Các khoán ước ít khi biết tự đời nào để lại. [...]. Được lệ hay thì dân làng nghìn năm được nhờ thói tốt. Phải lệ dở thì dân làng vạn đại phải noi tục hủ, lụn bại phong tục đi”.q

Phê phán của Nguyễn Văn Vĩnh và những người đồng thời là những cái nhìn của người trong cuộc nên rất mạnh mẽ, sâu sắc, lý tính trên nền tảng kiến thức mới. Ông phê phán, vạch ra cái sai, cái dở để thức tỉnh và khuyến cáo khắc phục, hướng đến cái tốt đẹp. Đó là một việc làm đúng đắn và cần thiết cho công cuộc duy tân.