Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Trần Quốc Tuấn và Chu Văn An: Những bậc đại phu trung quân, ái quốc không màng danh lợi

Nguyễn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói đến Trần Quốc Tuấn là nói đến vị danh tướng lẫy lừng 3 lần đại phá quân Nguyên - Mông, một bậc thầy về quân sự. Nói đến Chu Văn An là nói đến “Người thầy của muôn đời”, người thầy của thái tử, của nhiều quan quyền cao chức trọng… Hai người ở vị trí rất cao trong xã hội và có điểm chung: Sống thanh bạch, giữ khí tiết.

Tưởng chừng như không có liên hệ gì nhiều giữa Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An, dù hai người đều ở thời nhà Trần. Bởi, Trần Quốc Tuấn thiên về mặt chính trị, quân sự, đặc biệt là ở lĩnh vực quân sự còn Chu Văn An là nhà Nho, đỗ Thái học sinh và chủ yếu là dạy học, người nghiêng về học thuật, về giảng dạy. Tuy nhiên, đọc trong sách sử, nhiều điểm tương đồng ở hai con người lỗi lạc này ngoài tư tưởng trung quân, ái quốc, những đóng góp lớn lao cho xã hội, đó là có cuộc sống liêm khiết, thanh bạch không màng lợi danh.
Trần Quốc Tuấn: Sống liêm khiết, thác muốn về tàn tro
Như đã từng có bài viết về Trần Quốc Tuấn, vị tướng này bỏ thù riêng để báo ơn việc nước. Đó là minh chứng của con người không vị lợi. Với công lao vô cùng lớn trong giữ nước, Trần Quốc Tuấn được vua ban cho một đặc ân: Cho phép được phong tước cho người khác từ tước Minh tự (theo quan chế nhà Trần, tước Minh tự tương đương tước Bá) trở xuống, duy có tước Hầu thì phong trước tâu sau.
 Thầy giáo Chu Văn An.
Theo sử sách, Trần Quốc Tuấn không vì cái quyền này mà ban phát chức tước bừa bãi, ông “chưa từng phong tước cho người nào” (Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, trang 332, NXB Văn học 2009).
Ở đây, không có nghĩa là Trần Quốc Tuấn không chú ý tiến cử người tài. Sách sử viết rằng, không ban phát chức tước cho người trong dòng tộc, người nhà, người thân, nhưng vì đất nước, ông tiến cử những bậc hiền tài, những người góp công lớn trong giữ nước, xây dựng đất nước. Những người được ông tiến cử có thể kể: Dã Tượng và Yết Kiêu, hai dũng tướng có chiến công lẫy lừng, góp công đánh dẹp Toa Đô, Ô Mã Nhi; hay như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực…
Xin nhắc lại: Trần Quốc Tuấn là người đầy dũng khí và có tính quyết đoán cao độ. Trước thế giặc Nguyên - Mông mạnh, vua dò ý Trần Quốc Tuấn: Thế giặc như thế, ta nên hàng thôi. Vị tướng này trả lời: Bệ hạ hãy chém tôi trước rồi hãy hàng.
Giặc phương Bắc thời bấy giờ gọi vị tướng này là An Nam Hưng Đạo Vương chứ không dám gọi thẳng tên ông. Kể lại như vậy, để thấy một con người oai hùng như ông, bản lĩnh như ông lại có cách sống liêm khiết vô cùng, không tùy ý lạm dụng quyền lực và ban thưởng vô tội vạ.
Đặc biệt, trước khi mất, Trần Quốc Tuấn dặn lại con rằng: “Ta chết tất phải hỏa táng, lấy ống tròn đựng xương, ngầm chôn trong vườn An Lạc, rồi trồng cây san đất như cũ để người không biết chỗ nào” (sđd, trang 332). Sách sử còn chép: Ông còn muốn xương của mình “chóng nát”, trở về hoàn toàn với đất mẹ.
Trần Quốc Tuấn, sống không thiên vị, không sử dụng quyền uy để lợi cho riêng mình, chết cũng muốn trở về với cõi hư vô, với cát bụi như người bình thường.
Chu Văn An: Người thầy coi nhẹ công danh
Như đã nói, Chu Văn An vốn là học trò thi đậu Thái học sinh (tiến sĩ), sống ở ba đời vua nhà Trần. Ông không ra làm quan mà mở trường dạy học ở bên sông Tô Lịch (Hà Nội). Vua Trần Minh Tông (1300 - 1357) mời ông ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông sau này.
Đến đời Dụ Tông, ông dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Chán nản, ông cởi áo mũ, từ quan, về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều ẩn, dạy học, viết sách cho tới khi mất.
Đôi dòng như vậy chưa thể nói hết cuộc đời giữ danh tiết nhà nho của Chu Văn An. Thời đi dạy, Chu Văn An có rất nhiều học trò theo học, trong đó nhiều người đậu Thái học sinh, làm chức cao. Nổi tiếng trong số học trò của Chu Văn An có Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát, hai người làm đến chức Hành khiển. Đến khi được vua mời ra làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy thái tử học, Chu Văn An còn có vị thế cao hơn nữa.
Tuy nhiên, không vì thế mà ông không giữ mình trước cám dỗ vinh hoa phú quý. Không được hồi đáp về sớ xin chém 7 tên nịnh thần, ông không đắn đo trong việc từ quan, ở ẩn. Sau này, vua Dụ Tôn cho mời ông làm quan “coi chính sự”, ông cũng từ chối không nhận. Thái hoàng thái hậu Hiển Từ nói: “Người ấy là người không bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được họ?”.
Tương truyền, Chu Văn An khi dạy, học trò của ông nghe lời ông răm rắp, ai cũng giữ đạo thầy - trò. Trong sách xưa (Nam Hải dị nhân liệt truyện) còn chép, có vị thủy thần giả dạng người thường để được học thầy Chu Văn An.
Về thầy Chu Văn An có câu đối: Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc/ Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong; dịch: Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?/ Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân.
Còn sử thần Ngô Sĩ Liên bàn về Chu Văn An: “Đáng là bậc tôn sư của nhà Nho nước Việt ta mà được thờ ở Văn miếu”.
Để hiểu thêm về Chu Văn An, chúng tôi tìm đọc thơ của ông. Bài thơ Xuân đán của Chu Văn An: Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn/ Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn/ Bích mê thảo sắc thiên như túy/ Hồng thấp hoa tiêu lộ vị can/ Thân dữ cô vân trường luyến tụ/ Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan/ Bách huân bán lãnh trà yên yết/ Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn.
Dịch nghĩa: Nhà trên núi vắng vẻ, suốt ngày thảnh thơi/ Cánh cửa phên che nghiêng ngăn cái rét nhẹ/ Màu biếc át cả sắc mây, trời như say/ Ánh hồng thấm nhành hoa sương sớm chưa khô/ Thân ta cùng đám mây cô đơn mãi mãi lưu luyến hốc núi/ Lòng giống như mặt giếng cổ, chẳng hề gợn song/ Mùi khói thông sắp hết, khói trà đã tắt/ Một tiếng chim bên suối làm tỉnh mộng xuân. (Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập III), NXB Khoa học xã hội, 1978).
Câu thơ nói thân mình cùng đám mây cô đơn mãi lưu luyến hốc núi mang hơi hướng thơ ca hiện đại khi nói về bản thân, với cái chí của nhà thơ tránh xa trần tục, thiên - nhân hợp nhất. Trong khi, câu ví mình như mặt giếng cổ không gợn sóng nói về phong thái của một tâm hồn ung dung tự tại, không vướng mùi danh lợi…
Từ Trần Quốc Tuấn đến Chu Văn An đã để lại cho hậu thế một tấm gương không bao giờ phai mờ: Dù ở vị trí nào họ cũng sống thanh bạch, liêm khiết, cả lúc quyền uy lẫy lừng, cả lúc về với mây ngàn thiên cổ. Họ để lại tiếng thơm nghìn đời không chỉ vì những chiến công lừng lẫy, những minh triết mà còn ở cách sống, đạo làm người.

Ta từng đến bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt giàn giụa, lòng dạ như dần, vẫn căm giận muốn ăn thịt nằm da, nhai gan uống máu quân giặc. Dẫu trăm thân ta phơi ở đồng nội, dẫu nghìn xác ta bọc trong da ngựa cũng nguyện xin làm… Thế mà các ngươi ngồi trông nước nhục mà không biết lo, nếm mùi nước nhục không lấy làm xấu.

(Trích Hịch tướng sĩ - Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn học 2009, trang 333 - 334)