Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Thông điệp từ lịch sử] Từ “Hội thề Lũng Nhai” đến “Lê Lai liều mình cứu chúa”

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa xuân năm Bính Thân (1416) đã đi vào lịch sử dân tộc bằng sự kiện quan trọng: Hội thề Lũng Nhai. Đó là sự khởi đầu của khởi nghĩa Lam Sơn giành lại giang sơn Đại Việt.

Lê Lợi và 18 vị hào kiệt đã thủy chung cùng nhau sống chết và lo nghiệp lớn thành công. Sự kiện “Lê Lai liều mình cứu chúa” đã trở thành một biểu tượng của tình bạn, nghĩa vua tôi trong lịch sử Việt Nam.
Từ Hội thề Lũng Nhai

Năm Quý Tỵ (1413), cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần thất bại; Đại Việt chìm trong đau thương mất mát bởi chính sách cai trị tàn bạo và thâm độc của quân Minh. Tưởng chừng như sẽ bị khuất phục trước âm mưu đồng hóa của nhà Minh nhưng Đại Việt đã quật cường đứng dậy dưới ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo từ năm Mậu Tuất (1418).
Để bắt đầu đại nghiệp chống giặc Minh, từ năm Bính Thân (1416), Lê Lợi và 18 vị hào kiệt đã hội tụ ở đồi Bái Tranh, lưng chừng đỉnh Pú Mé (nay là thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) dâng hương, lễ vật, sinh huyết, tế cáo trời đất, kết nghĩa huynh đệ thề cùng nhau chống lại giặc Minh. Sự kiện này đã được nhiều bộ sử ghi lại. Cụ thể và nhiều nhất là Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn (1726 - 1784): “Mùa đông, năm Bính Thân (1416) vua Thái Tổ cùng 18 vị tướng thân cận của nhà vua, liên danh hội thề nguyện sống chết có nhau”.
 Hình tượng vua Lê Lợi trên bìa sách.
Về danh tính 18 vị hào kiệt, các tài liệu có sự khác nhau, nhưng không nhiều. Theo học giả Hoàng Xuân Hãn (1970) thì gồm các vị: Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Kiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Phạm Lôi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến. Lê Lợi và 18 vị anh hùng Lũng Nhai đã cùng nhau thề rằng:

“… Nếu có bè đảng, vì muốn xâm-tiếm, tỏ vẻ xem chừng sắp vượt cửa vào để làm hại, thì:

"Ví bằng chúng tôi đây, Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, có đều hiệp lực đồng tâm chống giữ địa phương để làng xóm được yên; nếu chúng tôi sống chết cùng nhau không quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh chứng giám cho, ban xuống trăm điều lành, cho từ thân đến nhà, dòng dõi, con cháu đều được yên lành để đời đời hưởng lộc Trời.

"Ví bằng Lê Lợi với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến lại ra ý đổi đường, tìm sướng hiện thời, mập mờ sao lãng, không chịu đồng tâm, bỏ quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh phát xuống trăm tai, cho từ thân đến nhà, dòng dõi, con cháu đều chịu giết sạch, đúng với luật Trời”.

Hội thề Lũng Nhai là sự khởi đầu của khởi nghĩa Lam Sơn. Lời thề Lũng Nhai đã hội liên những người anh hùng thành một khối thống nhất để cùng dựng nghiệp lớn. Từ đây, anh hùng hào kiệt khắp nơi nghe tiếng càng theo về tụ nghĩa để bắt đầu quá trình chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa Lam Sơn sẽ bùng nổ vào 2 năm sau đó, năm 1418.

Lê Lợi - thủ lĩnh hội thề Lũng Nhai và Khởi nghĩa Lam Sơn, sau là Lê Thái Tổ sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385), người làng Lam Giang hay Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Tằng tổ của Lê Lợi là Lê Hối, ông nội là Lê Đinh, cha là Lê Tòng, mẹ Trịnh Ngọc Thương.

Đại Việt sử ký toàn thư mô tả ông là người "thiên tư tuấn tú khác thường, khi lớn lên, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, nhịp bước như hổ".

Đại Việt thông sử cũng chép về ông như sau: “… Ngày Hoàng đế sinh, thì trong nhà có hào quang đỏ chiếu sáng rực, và mùi thơm ngào ngạt khắp làng. Khi lớn tuổi, ngài thông minh dũng lược, độ lượng hơn người, vẻ người tươi đẹp hùng vĩ, mắt sáng mồm rộng, sống mũi cao, xương mi mắt gồ lên, bả vai bên tả có 7 nốt ruồi, bước đi như rồng như hổ, tiếng nói vang như tiếng chuông. Các bậc thức giả biết ngay là một người phi thường”.

Lê Lợi là chính khách, nhà quân sự tài ba kiệt xuất. Trước hết, ông có năng lực hấp dẫn thu hút, tập hợp được nhiều nhân tài để cùng ông chung vai gánh vác sự nghiệp lớn. Xung quanh ông rất nhiều người tài giỏi và đặc biệt trung thành, dám hy sinh vì ông.

Đến “Lê Lai liều mình cứu chúa”

Câu chuyện quên thân mình cứu Lê Lợi thoát khỏi vòng vây quân Minh của Lê Lai được đời sau truyền tụng, gọi là Lê Lai cứu chúa. Các sách như Đại Việt thông sử, Lam Sơn thực lục tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… đều chép chuyện Lê Lai hy sinh, trong đó Đại Việt thông sử chép chi tiết nhất. Căn cứ vào thư tịch cổ, các nhà nghiên cứu khẳng định việc Lê Lai hy sinh năm 1418, khi khởi nghĩa mới bùng nổ và nghĩa quân đang bị quân Minh bao vây.

Lê Lai quê ở thôn Dựng Tú, xã Đức Giang, huyện Lương Giang (nay là Thôn Thành Sơn (làng Tép), xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), là con của Lê Kiều, nối đời làm chức phụ đạo trong vùng. Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt.

Lê Lai là một trong 18 người đã cùng Lê Lợi tham gia Hội thề Lũng Nhai, thề sống chết có nhau, nguyện chung sức đánh đuổi quân Minh đang cướp phá. Ông được Lê Lợi ban tước Quan nội hầu, tổng quản của phủ Đô tổng quản.

Sách Lam Sơn thực lục (do “vua sai làm …, vua tự làm bài tựa, ký là Lam Sơn động chủ”; không rõ tác giả là ai, tuy nhiên, có ý cho rằng tác giả Nguyễn Trãi) chép (đại ý) như sau:

Bấy giờ nghĩa quân Lam Sơn lực lượng còn yếu, thiếu lương, thường bị quân Minh đánh bại. Nhà vua bèn vời các tướng mà bảo rằng:

- Ai có thể thay mặc áo vàng của Trẫm, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây đô. Thấy giặc ra đối địch, thì tự xưng tên: "Ta là chúa Lam Sơn đây!". Để cho giặc bắt? Cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, để mưu tính việc về sau!

Các tướng đều không dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai thưa rằng:

- Tôi bằng lòng xin thay mặc áo nhà vua. Ngày sau bệ hạ gây nên đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!

Nhà vua lạy Trời mà khấn rằng:

- Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu, và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!

Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến. Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng:

- Ta đây là chúa Lam Sơn!

Giặc bèn xúm lại vây, bắt lấy đem về trong thành, xử bằng hình phạt cực tàn khốc.

Lê Lợi (Lê Thái Tổ) luôn nhớ ơn Lê Lai đã hy sinh thân mình cứu ông thoát nạn. Ngay sau khi lên ngôi, (Mậu Thân - 1428), ông đã phong Lê Lai là Công thần hạng nhất, tặng là Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần, hàm Thiếu úy, thụy là Toàn Nghĩa; Tháng 12 năm năm sau (Kỷ Dậu - 1429), sai Nguyễn Trãi viết hai bản lời thề ước trước và lời thề nhớ công của Lê Lai, để trong hòm vàng. Đến lúc sắp chết, Lê Lợi vẫn dặn con cháu rằng, ông có được ngày hôm nay là nhờ Lê Lai, do đó phải làm giỗ Lê Lai trước, để vị tướng này được hưởng lễ trước vua.

Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Lê Lợi mất, các vua nối ngôi theo lời dặn của ông đã cúng giỗ Lê Lai vào ngày 21/8. Từ đó dân gian có câu “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.

Năm Quý Hợi (1443), Lê Nhân Tông ban tặng tước Bình Chương quốc quân trọng sự, ban cho túi kim ngư, ấn vàng, tước Huyện Thượng Hầu. Năm Canh Dần (1470), Lê Thánh Tông tặng tước Diên Phúc Hầu; năm Giáp Thìn (1484) truy tặng tước Thái úy Phúc Quốc Công, sau gia phong Trung Túc Vương.

Lê Lợi và Lê Lai, và các hào kiệt Lũng Nhai đã thực hiện đúng lời thề “… tuy sinh khác họ, quê quán xa cách nhưng kết nghĩa cùng nhau, xem nhau như cành liền chung một tổ. Tuy phần vinh hiển có khác nhau, nhưng nguyện đem tình đối xử với nhau như người không khác họ”. - Bài học trung nghĩa này muôn đời không cũ!