[Thông điệp từ lịch sử ] Vua Lê Thánh Tông vi hành điều tra tham nhũng

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, phòng chống hối lộ tham nhũng luôn được chú trọng. Cùng với việc cho ra đời các bộ luật (Quốc triều hình luật/ Luật Hồng Đức - nhà Lê), (Hoàng Việt luật lệ/Luật Gia Long - nhà Nguyễn), vua Thánh Tông nhà Lê và vua Minh Mạng nhà Nguyễn là những vị vua kiên quyết và mạnh mẽ nhất trong việc chống tệ nạn hối lộ, tham nhũng.

Từ vi hành điều tra
Vua Lê Thánh Tông còn lưu lại trong chính sử và dã sử chuyện ông vi hành để điều tra án tham nhũng mà cho đến nay vẫn như một bài học lớn cho các nhà chức trách.

Chuyện thứ nhất được Phan Huy Chú chép trong Lịch triều hiến chương loại chí rằng, biết được Vũ Tụ - một vị quan có tiếng thanh liêm, vừa xử cho một người thắng kiện, vua liền bí mật mang mâm lụa quý mang đến để Vũ Tụ hậu tạ.

Thấy người mang lễ vật tới nhà vào lúc đêm khuya, Vũ Tụ hỏi: "Anh có biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?".

Người đó đáp: "Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…". Vũ Tụ nói ngay: "Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?". Nói xong, ông sai gia nhân đuổi người này về.

Cảm phục cốt cách thanh liêm của vị phán quan, vua Lê Thánh Tông đã trọng thưởng cho Vũ Tụ, đính vào cổ áo triều phục của ông hai chữ "liêm tiết".

Chuyện thứ hai, được chép trong Dã sử (khuyết danh).
                           Hình ảnh vua Lê Thánh Tông trên bìa sách.
Thuở ấy, ở Thăng Long có một đạo chích chuyên nghiệp, dân gọi là Quận Gió, có tài xuất quỷ nhập thần, chuyên vào nhà người khác ăn trộm. Nếu Quận Gió định trộm của ai thì nhà đó dù đã phòng bị, vẫn không thoát. Tuy nhiên, Quận Gió không trộm nhà nghèo mà thường lấy của nhà giàu, chia cho người nghèo và những người lương thiện khác.

Nghe tin đồn về Quận Gió, vua Lê Thánh Tông bèn cải trang tìm hiểu sự tình.

Đêm 30 Tết, nhà vua đến gặp Quận Gió, tự xưng là học trò nghèo giả vờ kể sự nghèo khổ, không có tiền để về quê cúng giỗ tổ tiên nên muốn nhờ Quận Gió giúp một ít làm lộ phí.

Nghe xưng danh là Giám sinh, Quận Gió hồ hởi nói: “Giúp ai tôi cũng sẵn lòng. Giúp học trò nghèo thì tôi càng không tiếc sức. Nhưng tôi không có sẵn tiền. Tôi là đạo chích. Vậy anh muốn tôi lấy của ai?”.

“Trộm của phú ông ở cửa Tây”, chàng thư sinh trẻ nói.

Nghe đến đó, Quận Gió gạt ngay: “Không được. Phú ông ở cửa Tây giàu có là nhờ cày sâu, cuốc bẫm, lao động vất vả quanh năm suốt tháng trên các cánh đồng làng Nghi Tàm, Võng Thị. Không nên lấy của ông ấy”.

“Thế trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông được không?”, chàng thư sinh ướm lời.

“Ông chủ cửa hiệu chế tác và bán đồ dùng vàng bạc phố cửa Đông là người ngay thẳng. Ông ta tích cóp được chút của ăn, của để là nhờ lăn lộn, khó nhọc trên thương trường. Không nên lấy của ông ấy".

Quận Gió nói tiếp: "Cũng như cậu, nếu sau này đậu đạt làm quan là do sôi kinh nấu sử, không ai nỡ lòng cướp đoạt gia sản của cậu. Thôi để tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho ông vài nén. Lão ấy hay ăn trộm bạc trong kho đem về nhà. Đó là những thứ không phải của hắn”.

Nói rồi, ông ta lao đi. Một lát sau, Quận Gió mang về hai nén bạc dúi vào tay cậu thư sinh: “Học trò nghèo như cậu thì ta nhất định phải giúp. Số tiền này đủ để cậu về quê, còn thừa thì dùng vào việc dùi mài kinh sử. Hy vọng sau này, cậu sẽ làm rạng danh tổ tiên”.

Nhà vua ngạc nhiên, nửa tin nửa ngờ vì không nghĩ một viên quan thanh liêm mình tin tưởng giao trọng trách đó lại là kẻ ăn cắp. Ông bèn lật nén bạc lên, soi dưới ánh đèn dầu thì thấy bên dưới đáy có khắc 4 chữ “Quốc khố chi bảo", là bạc trong kho của triều đình.

Ngay hôm sau, sáng mùng một Tết, trong buổi khai triều, nhà vua đem câu chuyện vi hành kể cho các đại quan nghe. Hai nén bạc được truyền tới tay các quan để được xem tận mắt. Viên quan coi kho không thanh minh được lời nào. Ông ta bị cách chức, tịch thu gia sản và đày đi biên ải. Còn Quận Gió được nhận tấm biển vàng đề 3 chữ vua ban: “Trộm quân sử”.

Tội hối lộ tham nhũng ngang tội đại nghịch

Từ am hiểu sâu sắc thực tiễn cuộc sống, để phát huy hiệu lực của bộ máy nhà nước và chống nạn hối lộ, tham nhũng hiệu quả, vua Lê Thánh Tông đã ban hành Quốc Triều hình luật (Luật Hồng Đức) làm công cụ pháp luật. Trong 722 điều của bộ luật này thì có 76 điều nói đến tội tham nhũng và các hình thức xử phạt. Không chỉ có luật, Lê Thánh Tông còn thường xuyên ra các sắc, chỉ dụ để vừa xử lý các trường hợp cụ thể vừa thể chế hóa thành luật, thành văn, thành công cụ pháp luật của triều đình để quan lại và Nhân dân tuân theo thi hành. Từ năm 1475 đến năm 1487, nhà vua đã ban hành hơn mười sắc chỉ để chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý các quan lại nhà nước vi phạm các quy định về tội tham nhũng. Năm 1475, định lệnh cấm vơ vét xoay tiền trong các việc xây dựng sửa chữa, kẻ nào mượn cớ và vơ vét xoay tiền thì trị tội như luật xoay tiền. Năm 1478, trong sắc chỉ cho các địa phương xét quan lại trong địa hạt, người nào tham ô lười biếng thì tâu lên để định việc giáng chức. Năm 1487, xét quan lại thấy tham nhũng thì bãi chức sung quân ở Quảng Nam. Năm 1483, trong sắc chỉ ân xá của nhà vua những kẻ tham nhũng xếp cùng tội đại nghịch không được hưởng khoan hồng của nhà vua. Như vậy, Lê Thánh Tông đã coi nạn quan tham, tội hối lộ tham nhũng ngang hàng với tội đại nghịch.

Nghiêm minh nhưng nhân văn

Vua Lê Thánh Tông đã nghiêm trị tội tham nhũng của quan lại, gần như không có “vùng cấm”. “Đỗ Tông (Quai) Nam, Thượng thư bộ Hình làm quan mà ăn của đút, Nguyễn Như Đỗ, Thượng thư bộ Lại giữ việc tuyển cử mà làm mất sự chính đáng đều giao xuống pháp ty, xét xử, trị tội theo luật định”. Hay, “Bọn Nguyễn Thư, Phan Trinh đều là thân phận là người gần vua mà ăn của đút, quan giữ việc pháp luật cầm công cán công bằng đáng phải luận bọn này vào tội tử hình” (Cương mục). Binh bộ Thượng thư Nguyễn Vĩnh Tích bị tịch thu thẻ bài vì nhận bạc đút lót và xin bậy bổng lộc cho một viên tổng tri.

Tuy nhiên, vua Lê Thánh Tông cũng rất công minh, có lý có tình trong việc xét xử, bên cạnh răn đe, xử lý nghiêm khắc nhưng vẫn đi liền với giáo hóa nhân văn để khuyến khích các quan lại phục thiện, sửa đổi và làm việc tốt. Trường hợp cha con Nguyễn Xí, Nguyễn Sư Hồi là một ví dụ.

Trong vụ án bài thơ nặc danh rải trên phố năm Quang Thuận thứ 3 (1462) có nội dung vu cáo các đại thần. Nguyễn Sư Hồi đã bị nghị tội "tính người giảo quyệt, thâm hiểm, làm thơ nặc danh, vứt ra ngoài đường, cho truyền đến tai vua, muốn lật đổ Lê Niệm và Nguyễn Lỗi" (Đại Việt thông sử) nhưng vua Lê Thánh Tông đã “tha tội chết cho Nguyễn Sư Hồi. Vua dụ bảo các quan trong triều rằng: “Sư hồi vì có công trung hưng cùng với cha là Xí có công lớn trong buổi khai quốc nên tha cho tội chết…” (Toàn thư). Vua lại có sắc quở mắng Nguyễn Thọ Vực đã nghi ngờ và buộc tội người khi chưa có chứng cớ rõ ràng: “Bài thơ yêu ấy vị tất là do Sư Hồi làm, trong chỗ còn ngờ cũng có thể vu oan được. Câu nói về Lê Niệm, Nguyễn Lỗi, Trịnh Văn Sái thì ngờ cùng là phải, còn Thọ Vực thì chỉ nói là hung bạo, thực ra chưa chỉ rõ là phản nghịch. Sao lại đổ cho Sư Hồi làm? Nếu nó có đáng chết nữa thì cũng là trời hại nó, ngươi sao lại có lòng báo thù?” (Toàn thư). Năm Quang Thuận thứ tư (1463), hai cha con Nguyễn Xí, Nguyễn Sư Hồi lại phạm tội ăn của đút đáng xử nặng nhưng nhà vua đã giảm tội, nhưng đã có sắc dụ trách cứ, chỉ rõ tội lỗi “… Ngô Tây bảo lấy 30 lạng bạc giao cho Nguyễn hồ để đút lót cho bọn ngươi, ngươi sai vợ lẽ của ngươi nhận tiền; và khi trước nó đút lót cho cha ngươi là Xí 50 lạng bạc, nay chuyển sang đút lót cho ngươi, cộng là 80 lạng, hiện còn ở nhà ngươi, ngươi lại không biết ư? Nay đặc sai Tư lễ giám Nguyễn Áng đem sắc chỉ đến bảo ngươi và đòi lấy 80 lạng bạc đút lót ấy mang về” (Toàn thư).
Từ am hiểu sâu sắc thực tiễn cuộc sống, để phát huy hiệu lực của bộ máy nhà nước và chống nạn hối lộ, tham nhũng hiệu quả, vua Lê Thánh Tông đã ban hành Quốc Triều hình luật (Luật Hồng Đức) làm công cụ pháp luật. Ngoài ra, sự nghiêm minh nhưng khoan hồng có lý có tình của vua Lê Thánh Tông trong các vụ án đã làm cho mọi người tâm phục khẩu phục và phục thiện để phục vụ triều đình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần