- Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế vẫn đặt lên hàng đầu trong năm 2012. Ông có thể cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ thực hiện như thế nào để đáp ứng được những mục tiêu này? Năm 2012, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo hướng chặt chẽ nhưng mức độ linh hoạt, chủ động được nâng cao lên để có thể đáp ứng mọi diễn biến diễn ra trong năm. Về lĩnh vực tín dụng, vừa rồi Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nói tăng trưởng tín dụng của ta là 12%. Năm tới chúng tôi quyết định đưa mức tăng trưởng tín dụng chung lên 15-17%. Theo tính toán, mức này phù hợp với tăng trưởng GDP 6 - 6,5% để là điều kiện đưa lạm phát về dưới 2 con số. Năm tới, tín dụng vẫn sẽ ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn, song sẽ mở rộng sang các đối tượng khác như nông, lâm, thủy sản. Lĩnh vực ưu tiên thứ hai là xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ. Lĩnh vực thứ tư là dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm bảo vốn lưu động. Các doanh nghiệp có lượng hàng tiêu thụ bình thường, không bị tồn kho sẽ vẫn được đảm bảo vốn để sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. - Tín dụng phi sản xuất như bất động sản hay chứng khoán có được nới không, thưa ông? Về tín dụng đối với bất động sản và các lĩnh vực phi sản xuất khác, chúng tôi sẽ có quy định tỷ lệ nhất định với từng ngân hàng, tùy tình hình tài chính. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng loại một số đối tượng ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, gồm nhà ở hoàn thành trong năm 2012, cho người thu nhập trung bình, thấp. Ưu tiên đặc biệt cho nhu cầu xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, ký túc xá sinh viên, phòng trọ công nhân các khu công nghiệp hoặc các khu định cư của thành phố khi giải tỏa mặt bằng. Cho vay được cái này mới giải phóng được hàng tồn kho trong thị trường bất động sản. Hiện cũng có một số ý kiến nói rằng thị trường chứng khoán đang có bước đi xuống. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán để có cách giúp cải thiện phần nào thị trường.
- Vậy điều ông lo ngại nhất trong hoạt động điều hành ngân hàng năm 2012 là gì? Tôi cho rằng, điều lo ngại nhất là làm thế nào để hạ mặt bằng lãi suất. Đây là vấn đề còn nhiều trăn trở, vì một mặt, thời gian qua, lãi suất có xuống, nhưng lúc nào cũng ở thế "rình rập". Như Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nói, lạm phát là chiều hướng chung của tất cả các nước trên thế giới, trong cả khu vực và không loại trừ Việt Nam. Nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu trong khi chúng ta đang cố gắng hạ lãi suất xuống. Việc cân đối được, lúc nào hạ, hạ ở mức độ bao nhiêu... là một bài toán rất khó với Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, dù tình hình kinh tế vĩ mô vẫn chưa đầy đủ điều kiện để áp dụng mô hình "lạm phát mục tiêu", nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng lấy mục tiêu khống chế lạm phát dưới 10% làm căn cứ cho điều hành chính sách tiền tệ trong năm tới. Nếu thực hiện được, tôi cho rằng, lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng cuối năm tới cũng chỉ dao động trong khoảng 10%. - Năm vừa qua, nhiều ý kiến lo ngại về kỷ cương trong hệ thống ngân hàng như chuyện lãi suất vượt trần 14%, tỷ giá niêm yết một đằng, giao dịch một nẻo. Thống đốc xử lý việc này thế nào? Tôi cho rằng, kỷ cương thị trường là vấn đề yếu trong hệ thống ngân hàng cũng như thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam trong thời gian qua. Kinh nghiệm năm 2011 cho thấy, nếu làm cho tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng không “nóng” nữa, cạnh tranh sẽ bớt căng thẳng, từ đó bớt những hoạt động không lành mạnh trong ngành ngân hàng. Điều này cũng góp phần điều tiết thị trường trong thời gian tới. Nhìn chung, trong năm 2012, các kỷ cương kỷ luật sẽ đạt kết quả tốt hơn. Chúng tôi cũng mong muốn năm sau, thị trường vàng sẽ có bước tiến mới hết sức cơ bản, ổn định được. Đây cũng là bước đầu trong lộ trình 5 năm của Ngân hàng Nhà nước về chống đôla hóa, hạn chế chi tiêu tiền mặt. - Thưa Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành bán vàng bình ổn đồng thời thống nhất thương hiệu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước. Một số ngân hàng cũng tham gia bán vàng bình ổn, nhưng dường như tất cả các biện pháp vẫn chưa tỏ ra hiệu quả. Bằng chứng là sau một thời gian thu hẹp, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới lại tăng cao. Vì sao vậy? Chúng ta cũng thấy rằng, đang có những tiến độ ban đầu để tạo ra một hình hài cho việc điều hành trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước còn phải ban hành ít nhất 2 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng là nghị định về sản xuất và kinh doanh vàng đề ra trong năm vừa qua nhưng vẫn chưa ra được. Nếu thời gian tới, Chính phủ thông qua Nghị định này, thị trường vàng sẽ có thêm công cụ để bình ổn. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng quy chế về huy động vàng trong nền kinh tế. Tôi cho rằng, 3 công cụ là Nghị định về việc sản xuất kinh doanh vàng, Nghị định 95 đã ban hành, cộng với quy chế huy động vàng sẽ là điểm quan trọng góp phần bình ổn thị trường. Vừa qua, chúng ta mới thử nghiệm cơ chế này, dùng đúng lực lượng của thị trường để thử nghiệm nên chưa thể đi vào nề nếp và cuộc sống, như mong muốn.