Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông qua Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội

Hồng Thái. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/10, HĐND TP Hà Nội đã nhất trí thông qua Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội.

Quang cảnh Kỳ họp
Quang cảnh Kỳ họp

ng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công

Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội (Trung tâm) là cơ quan hành chính thuộc UBND TP Hà Nội (cơ quan ngang sở), có chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; là đầu mối giúp UBND TP tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, theo dõi, kiểm soát, đôn đốc, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND TP, Chủ tịch UBND TP.

 

Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Trụ sở tại địa chỉ số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng; là đơn vị dự toán cấp 1, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.

Trung tâm chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND TP; chịu sự chỉđạo trực tiếp và toàn diện của Chủ tịch UBND TP; chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Chính phủ.

Về tổ chức thực hiện, HĐND TP Hà Nội giao UBND TP tổ chức triển khai Nghị quyết về việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội. Ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy cụ thể của Trung tâm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trình bày Tờ trình tại Kỳ họp
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trình bày Tờ trình tại Kỳ họp

Về biên chế trong giai đoạn 1, Trung tâm được sử dụng biên chế công chức, viên chức và hợp đồng lao động làm việc chuyên môn theo Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội đã được phê duyệt theo quy định.

Cùng đó, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên địa bàn thành phố. Bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng trụ sở mới và trụ sở tạm của Trung tâm, mua sắm trang thiết bị làm việc, bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của Trung tâm từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước năm 2024. Nghiên cứu xây dựng ngay cơ chế, chính sách đặc thù về tuyển dụng nhân sự chất lượng cao; hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc; cơ chế thuê chuyên gia và ký hợp đồng dài hạn với nhân viên làm việc tại Trung tâm theo quy định của Luật Thủ đô 2024.

Trong quá trình thực hiện thí điểm, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc, UBND TP báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của các cấp, cơ quan có thẩm quyền để giải quyết và báo cáo kết quả thực hiện thí điểm với HĐND TP tại kỳ họp tháng 12/2025.

Người Hà Nội sắp được giải quyết thủ tục hành chính thần tốc

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã trình bày Tờ trình về việc thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội.

Trung tâm vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống nền tảng dùng chung.

Trung tâm được xây dựng nhằm tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giảm đầu mối bộ phận một cửa.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội bấm nút nhất trí thông qua Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội
Các đại biểu HĐND TP Hà Nội bấm nút nhất trí thông qua Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội

Việc thành lập trung tâm cũng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính với mục tiêu đạt tối thiểu 95-100% hồ sơ thủ tục hành chính được công khai, minh bạch.

Trung tâm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và động lực để xây dựng thiết kế mô hình; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của trung tâm.

Việc thành lập Trung tâm cũng được kỳ vọng thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Trung tâm lấy công nghệ thông tin là công cụ, chuyển đổi số là phương thức chủ yếu, là khâu đột phá để đổi mới, triển khai thực hiện "mô hình một cửa, một cửa liên thông mới".

Toàn bộ quá trình tiếp nhận, số hóa, luân chuyển, giải quyết, trả kết quả, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cá nhân liên quan phải được công khai, minh bạch, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và thực hiện hoàn toàn trên môi trường số.

Trung tâm bảo đảm tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính phi địa giới hành chính; tiếp cận dịch vụ trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc vòng bán kính không quá 5km, hỗ trợ thủ tục hành chính 24/7 trên môi trường điện tử, thời gian giao dịch trực tiếp không quá 15 phút/1 hồ sơ.

Tổ chức và hoạt động thí điểm của Trung tâm được thực hiện trên cơ sở: “Quyết tâm đổi mới - thận trọng triển khai - khả thi, thực tế” với mục tiêu cao nhất phục vụ người dân - doanh nghiệp; thực hiện theo 3 giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 1 dự kiến từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 31/3/2025 (được xác định là giai đoạn then chốt, có tính quyết định); Giai đoạn 2 dự kiến từ ngày 1/4/2025 đến hết ngày 30/6/2025 và giai đoạn 3 từ ngày 1/7/2025 trở đi.

Theo đánh giá tác động, năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa một số công việc trong quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính dự kiến tăng mạnh.

Năng suất tiếp nhận hồ sơ trung bình của 1 nhân sự trực tại bộ phận "một cửa" trong 1 năm lên mức tối thiểu tại vùng đô thị của thành phố dự kiến là 1.800 hồ sơ; vùng nông thôn dự kiến là 1.200 hồ sơ; vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn 800 hồ sơ. Giảm thời gian chờ đợi của tổ chức, cá nhân xuống trung bình còn tối đa 15 phút/1 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/1 hồ sơ vào năm 2025.

Báo cáo thẩm tra, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Duy Hoàng Dương cho biết, qua xem xét, thảo luận, Ban Pháp chế thống nhất đánh giá bố cục và các nội dung trong Đề án đã đảm bảo tính chặt chẽ, toàn diện, tính khoa học và thực tiễn trong giải trình, thuyết minh việc thành lập Trung tâm.

Mục tiêu, nguyên tắc của từng giai đoạn trong thời gian thực hiện thí điểm là hợp lý, thống nhất với mục tiêu và nguyên tắc chung về tổ chức và hoạt động của Trung tâm, phù hợp với chỉ đạo giao nhiệm vụ của Chính phủ về mô hình này; đồng thời là bước triển khai, cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong thực hiện cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; đã kế thừa có chọn lọc, phát huy được hiệu quả tích cực của các kết quả thực hiện cải cách hành chính trong thời gian qua của toàn thành phố. Điều này là cơ sở để giữ ổn định và nâng cao được hiệu quả thực hiện Đề án trong việc giải quyết các dịch vụ hành chính công của thành phố trong thời gian thí điểm…