Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/11, với 84,12% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Luật được thông qua đã sửa đổi, bổ sung 37 Điều của Luật Giáo dục đại học. Luật quy định rõ về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ… Quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển sụng, sử dụng và cho thôi việc với giảng viên, viên chức và người lao động khác, quyết định nhân sự quản trị, quản lý… Quyền tự chủ trong tài chính và tài sản bao gồm cả việc thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển, chính sách học phí, học bổng của sinh viên…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đồng thời, quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện tự chủ tại khoản 2, Điều 32. Theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật. Cùng với đó, quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở giáo dục đại học, qua đó sẽ giới hạn các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung - cầu nhân lực.
Theo Luật này, Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn như: Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển trường đại học; chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc sáp nhập với trường đại học khác theo quy định của pháp luật; thông qua kế hoạch hằng năm; Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học phù hợp với quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, Hội đồng trường của trường đại học công lập có quyền quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật; Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; hằng năm, tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động, của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.
Cũng theo Luật này, Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các quyết định của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của trường đại học và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường đại học; báo cáo hằng năm trước hội nghị toàn trường về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng trường; Tuân thủ pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết định của hội đồng trường; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng trường; Chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong trường; thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu Dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết: Dự Luật cũng quy định rõ nội hàm càu các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức - nhân sự, tài chính - tài sản tại các khoản 3,4,5 Điều 32 và cụ thể hóa các nội dung này tại các điều, khoản tương ứng trong Luật. Hầu hết các nội dung liên quan đến chuyên môn đã được giao cho các trường tự chủ quyết định theo quy định của Luật hiện hành, trừ việc mở ngành đào tạo. Dự Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được phép tự mở ngành đào tọa ở tất cả các trình độ của giáo dục đại học, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh quốc phòng.
Về giảng viên và người học, theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự Luật đã sửa đổi, bổ sung thêm khoản 8 Điều 60 về trách nhiệm của người học trong việc tuân thủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Để bảo đảm quyền lợi của người học trong các chương trình đào tạo ở các ngành mới mở, Dự Luật đã quy định cơ sở giáo dục đại học thực hiện đánh giá chương trình trước khi có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp và phải thực hiện kiểm định chất lượng chương trình ngay sau khi sinh viên khóa đầu tốt nghiệp. Nếu không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc nếu kiểm định không đạt thì cơ sở giáo dục đại học không được tiếp tục tuyển sinh…