Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ ngày 08/6/2020 và Hội trường ngày 12/6/2020 về Báo cáo của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia, như sau:
Về sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Quốc hội khẳng định công tác dân tộc, chính sách dân tộc thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến báo cáo một số nội dung |
Việc Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia là tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (Nghị quyết số 88), do vậy đại biểu Quốc hội nhất trí việc Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia với 2 giai đoạn, đến năm 2025 sẽ tổng kết giai đoạn I, trình Quốc hội xem xét, quyết định thực hiện Chương trình giai đoạn II (2026-2030).
Về phạm vi, đối tượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc ban hành bộ tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển là nội dung quan trọng đã được Quốc hội giao Chính phủ thực hiện tại Nghị quyết số 88. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 10/3/2020, giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định bộ tiêu chí phân định bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác làm cơ sở xác định địa bàn, đối tượng cụ thể để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III năm 2020. Đối với danh mục xã, thôn, bản cụ thể, đề nghị Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến của các địa phương, ý kiến các bộ, ngành liên quan và các đối tượng chịu sự tác động để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, giải trình như sau: Chương trình mục tiêu quốc gia đề xuất xây dựng mới này có mối quan hệ chặt chẽ với 02 Chương trình là Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững và 21 Chương trình mục tiêu đang thực hiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 21 Chương trình mục tiêu đang thực hiện, trên cơ sở đó xác định nội dung, đối tượng, địa bàn cụ thể, tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các Chương trình. Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia này là chương trình cần được ưu tiên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, nghiên cứu, vận dụng các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm, điều kiện của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 02 Chương trình mục tiêu quốc gia và 21 Chương trình mục tiêu đang thực hiện. Trong công tác chỉ đạo thực hiện, đề nghị Hội đồng Dân tộc, các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát các địa bàn thực hiện Chương trình để đáp ứng yêu cầu đại biểu Quốc hội đã đặt ra.
Về mục tiêu Chương trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh lại các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm sự thống nhất giữa mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia với mục tiêu của Nghị quyết 88 của Quốc hội và đã bổ sung chỉ tiêu cụ thể về số xã, thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vào năm 2025 và đến năm 2030 vào dự thảo Nghị quyết.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay có 118 văn bản chính sách dân tộc. Qua rà soát, nhiều chính sách sẽ hết hiệu lực vào năm 2020. Đối với các chính sách còn phù hợp, sẽ được tổng hợp và bổ sung các chính sách mới để xây dựng nội dung 10 dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia này. Tuy nhiên, để việc tích hợp chính sách đảm bảo phát huy hiệu quả, tránh chồng chéo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, trong giai đoạn lập báo cáo khả thi, Chính phủ quán triệt đầy đủ các quan điểm đã thể hiện trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cần cơ cấu lại nguồn vốn, tập trung nguồn lực để đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết của đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo thứ tự ưu tiên, như: Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo đúng tinh thần Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo đảm sinh kế bền vững; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe người dân, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Chú ý bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến.
Về nội dung cụ thể trong 10 dự án, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo thẩm quyền, các nội dung của 10 dự án thành phần giao cho Chính phủ khi xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình có trách nhiệm tiếp thu, thể hiện đầy đủ ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội về các nội dung cụ thể của từng dự án, tiểu dự án được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại Tổ và tại Hội trường.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp này đã giao Chính phủ nhiệm vụ chủ động trong điều hành nhiệm vụ ngân sách nhà nước; tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao nhất, đề cao trách nhiệm của các địa phương, cùng với ý chí nỗ lực vươn lên, không cam chịu đói nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với tỷ lệ 100% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.